Mỹ trước sức ép đối phó nhóm khủng bố mới

Nhà Trắng đang phải chịu áp lực đẩy mạnh hoạt động chống lại nhóm khủng bố al-Shabab ở Somalia sau khi tổ chức có mối liên hệ với mạng lưới al-Qaeda này tấn công một trung tâm thương mại sang trọng ở Kenya, khiến hàng chục người bị thương, trong đó có nhiều người Mỹ.


Khủng bố ngày một lớn mạnh?


Các nghị sỹ của đảng Cộng hòa ngày 22/9 nhận định mạng lưới al-Qaeda đang ngày một phát triển cả về quy mô và sức mạnh, trong khi chính quyền Obama cho rằng mạng lưới này ngày một yếu đi. Thượng nghị sỹ Tom Coburn của vùng Oklahoma, đứng đầu Ủy ban An ninh Nội địa, phát biểu trên chương trình truyền hình "Face the Nation" rằng: "Khủng bố không hề bị suy yếu. Chúng ngày một lớn mạnh, điều này có thể nhận thấy rõ kể từ khi xảy ra vụ tấn công khủng bố ở Nairobi".

An ninh đã được tăng cường tại thành phố New York (Mỹ) sau vụ tấn công khủng bố đẫm máu tại Kenya ngày 21/9. Ảnh: AFP-TTXVN


Các quan chức chống khủng bố trong chính quyền Obama đang tranh cãi xem có nên nhằm mục tiêu vào tổ chức khủng bố có căn cứ ở Somalia này một cách trực diện hơn hay không, nhất là khi lực lượng này tham gia vào mạng lưới al-Qaeda đầu năm 2012. Đến nay, phản ứng của Mỹ mới chỉ dừng lại ở việc thỉnh thoảng sử dụng máy bay không người lái hoặc đột kích vào một mục tiêu đặc biệt quan trọng của al-Qaeda và ưu tiên hỗ trợ lực lượng gìn giữ hòa bình châu Phi và Somali thực hiện các chiến dịch chống khủng bố thường xuyên.


Theo nhận định của các cựu quan chức chống khủng bố đề nghị giấu tên, quyết định nhằm mục tiêu trực tiếp vào tổ chức al-Sabab cũng bị cản trở do lo ngại rằng hành động này sẽ thúc đẩy nhóm này mở rộng các mục tiêu tấn công, nhằm vào các trụ sở ngoại giao của Mỹ ở nước ngoài và kêu gọi các thành viên sống rải rác trên đất Mỹ tổ chức các vụ tấn công.


Thay đổi trong tham vọng của al-Shabab


Mặc dù do các tay súng Hồi giáo cực đoan cầm đầu, song những thành viên theo đường lối ôn hòa của al-Sabab đã thành công khi duy trì mục tiêu của nhóm là lật đổ chính phủ Somalia được sự hậu thuẫn của Mỹ, chứ không phải tham gia vào cuộc chiến có quy mô lớn hơn của al-Qaeda chống phương Tây. Nhóm này đã thừa nhận tiến hành vụ đánh bom kép ở Uganda năm 2010 khiến hơn 70 người thiệt mạng, hành động được coi là để phản đối việc Uganda hỗ trợ cho lực lượng gìn giữ hòa bình châu Phi ở Somalia. Tương tự, nhóm al-Shabab cũng cho biết vụ tấn công cuối tuần qua cũng là sự trả đũa việc lực lượng của Kenya đã tới Somalia năm 2011.


Theo nghị sỹ Peter King, thành viên của Ủy ban Tình báo Hạ viện, quy mô và sự tinh vi về công nghệ của vụ tấn công ở Nairobi là dấu hiệu cho thấy sự thay đổi trong tham vọng của nhóm al-Shabab, có khả năng làm gia tăng mối đe dọa trực tiếp của nhóm này với Mỹ. Ông cho biết Bộ Ngoại giao Mỹ không muốn tuyên bố al-Shabab là một tổ chức khủng bố vì cho rằng nhóm này đang tập trung giải quyết vấn đề bộ lạc tại Somalia.


Hai cựu quan chức chống khủng bố của Mỹ cho biết, cho tới nay, Tổng thống Obama bí mật cho phép hai máy bay không người lái và hai đội biệt kích tấn công vào các tay súng khủng bố có liên hệ với mạng lưới al-Qaeda ở Somalia, trong khi một nhóm tác chiến đặc biệt của Mỹ giúp đỡ các nhóm gìn giữ hòa bình châu Phi và trợ giúp Somalia xây dựng lực lượng chống khủng bố. Lựa chọn cách thức này thông thường là để giải quyết các sự vụ cụ thể bằng hành động cụ thể và tránh can dự sâu hơn vào châu Phi. Tuy nhiên, những công dân phương Tây thiệt mạng và bị thương trong vụ tấn công cuối tuần qua có thể khiến Mỹ thay đổi tính toán của mình.

 

TTK

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN