Theo trang Asia Times, sự cạnh tranh giữa các siêu cường đang mở rộng sang vũ trụ ảo (Metaverse), nơi Mỹ có lợi thế về công nghệ nhưng Trung Quốc tin rằng họ vượt trội về mặt văn hóa.
Vũ trụ ảo là một thế giới kỹ thuật số được tạo ra nhờ sự phát triển của internet, công nghệ thực tế ảo và thực tế tăng cường, kết hợp nhiều khía cạnh của truyền thông xã hội, trò chơi trực tuyến và tiền điện tử.... Hiện tại, không có một metaverse thống nhất duy nhất mà là sự phân mảnh của nhiều metaverse được tạo ra bởi các công ty và lập trình viên khác nhau.
Trong khi khái niệm và công nghệ vẫn còn sơ khai, metaverse có nhiều ứng dụng quốc phòng đa dạng và quan trọng, từ huấn luyện, lập kế hoạch và mô phỏng nhiệm vụ, thiết kế vũ khí và thậm chí cả hoạt động chiến đấu. Tiềm năng đó đã đưa Mỹ và Trung Quốc vào một lộ trình đụng độ trong thế giới ảo.
Trong một bài báo được xuất bản vào tháng trước trên tạp chí Hiệp hội Chuyên gia Không gian mạng Quân sự, chuyên gia Josh Baughman từ Đại học Quốc phòng (Mỹ) đã viết rằng, Trung Quốc coi metaverse như một phương tiện cung cấp một “không gian nhận thức song song, kết hợp các kịch bản chiến đấu kỹ thuật số thực tế ảo, nơi chiến tranh nhận thức có thể được nâng cao một cách hiệu quả và nâng cấp với tốc độ nhanh. ”
Ông Baughman nói thêm rằng một cuộc tấn công vào metaverse của đối thủ có thể “ảnh hưởng đến suy nghĩ, nhận thức và việc ra quyết định hành động của đối thủ”. Ông cho rằng Trung Quốc đánh giá Mỹ đi xa hơn trong công nghệ vũ trụ ảo nhưng họ tự cho mình vượt trội nhìn từ quan điểm thực chất và văn hóa .
Lấy ví dụ về ứng dụng chia sẻ video TikTok của Trung Quốc, ứng dụng đình đám khắp hành tinh và đang nhanh chóng giành thị phần từ Facebook của Mỹ, ông Baughman nhấn mạnh cách tiếp cận dựa trên cơ sở của Trung Quốc đối với các miền mới nổi.
Ông viết "Trung Quốc và Mỹ chắc chắn sẽ cạnh tranh trong metaverse”, khi lĩnh vực mới nổi này cuối cùng trở thành sự phản ánh của xã hội thực đồng thời làm mờ ranh giới giữa Internet và thực tế, từ đó đặt ra những câu hỏi quan trọng về đạo đức và pháp lý về việc nó nên được quản lý như thế nào.
Khái niệm vũ trụ ảo dựa trên những ý tưởng về mô phỏng và siêu thực, như nhà triết học người Pháp Jean Baudrillard lần đầu tiên giải thích.
Dựa trên tư tưởng của Baudrillard, trong bối cảnh quốc phòng và an ninh, metaverse có thể mô hình hóa chính xác mức độ phức tạp của những kinh nghiệm con người cần có trong các hoạt động quân sự đương đại. Do đó nó đặt ra câu hỏi về việc liệu các tiêu chuẩn có thể được áp dụng vào quá trình phát triển của metaverse và liệu các vũ trụ ảo có phản ánh những thành kiến của con người trong thực tế mô phỏng của chúng.
Metaverse có thể được ví như một môi trường quân sự được kiểm soát, trong đó nhiều biến số có thể được kiểm soát với mức độ chính xác cao.
Mặc dù việc sử dụng công nghệ metaverse trong huấn luyện có thể cho phép binh sĩ và sĩ quan hình dung rõ hơn các hoạt động trong một không gian tích hợp, nhưng ngạn ngữ có câu: “Không có kế hoạch nào tồn tại khi tiếp xúc với thực tế” - nghĩa là không có metaverse nào thay thế được nhận thức tình huống thật và ra quyết định theo bản năng, dựa trên nắm bắt tức thì về các tình huống quan trọng.
Đồng thời, sự xuất hiện của một vũ trụ ảo duy nhất như một miền riêng biệt đặt ra câu hỏi liệu các quy tắc có thể được ban hành trên thực tế để quản lý việc sử dụng nó trong quân đội hay không; cũng như tính chất mở của Internet có thể khiến việc ban hành các quy chuẩn chung trong việc áp dụng và sử dụng metaverse là vô cùng khó khăn.
Hơn nữa, có những câu hỏi về việc liệu các vũ trụ ảo có thúc đẩy những thành kiến đạo đức nhất định trong việc mô phỏng thực tế hay không. Giống như với AI, các bên liên quan trong việc phát triển công nghệ vũ trụ ảo có thể in sâu thành kiến của họ vào công nghệ, tạo ra một thực tế ảo khuếch đại sự bất bình đẳng về xã hội, chính trị và sắc tộc, có khả năng trở nên sâu sắc hơn khi các hệ sinh thái metaverse phát triển mạnh, và ranh giới giữa ảo và thực dần dần mờ đi .