Mỹ - Trung căng thẳng: Nhật Bản bị kẹt giữa hai 'làn đạn' thương mại

Khi Washington và Bắc Kinh tiến hành một cuộc chiến thương mại ngày càng căng thẳng, Nhật Bản bị kẹt ở giữa. Việc đứng về phía bất kỳ bên nào cũng có nguy cơ gây bất ổn sâu sắc cho nền kinh tế Nhật.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba phát biểu tại cuộc họp báo ở Tokyo, Nhật Bản, ngày 9/10/2024. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Theo tờ New York Times, Nhật Bản từ lâu đã duy trì mối quan hệ kinh tế sâu sắc với cả Trung Quốc và Mỹ. Căng thẳng thương mại gần đây có thể thách thức cách tiếp cận đó.

Nhật Bản bán một lượng lớn ô tô cho Mỹ trong khi xuất khẩu chip máy tính cùng thiết bị sản xuất chip cho Trung Quốc. Trong hai thập kỷ qua, Mỹ và Trung Quốc đã thay phiên nhau trở thành điểm đến hàng đầu cho hàng xuất khẩu của Nhật Bản. Không có quốc gia nào khác có thể làm được như vậy.

Hiện tại, khi Tổng thống Trump đang tìm cách tập hợp các đối tác thương mại của Mỹ chống lại Trung Quốc, và Bắc Kinh cảnh cáo những quốc gia sẽ nghe theo lời kêu gọi đó, Nhật Bản đang phải đối mặt với một tình thế tiến thoái lưỡng nan. Việc từ chối bất kỳ bên nào cũng có nguy cơ gây bất ổn sâu sắc cho nền kinh tế của mình.

Không thể chọn phe

Nhật Bản đã được chính quyền Trump chọn cho các cuộc đàm phán thuế quan trực tiếp đầu tiên, được tổ chức vào tuần trước. Ông Trump vẫn duy trì mối đe dọa về thuế quan đối ứng mà ông đã áp dụng cho hàng chục quốc gia và sau đó tạm dừng cho đến đầu tháng 7. Trong trường hợp của Nhật Bản, mức thuế quan đó là 24%, mức mà các quan chức ở Tokyo cho biết sẽ gây ra khủng hoảng cho nền kinh tế của nước này.

Đây không phải là một trạng thái hoàn toàn xa lạ đối với Nhật Bản, quốc gia đã bị kẹt giữa hai người khổng lồ kinh tế khi căng thẳng thương mại giữa họ đã âm ỉ trong thập kỷ qua. Nhật Bản đã đi một con đường tinh tế -  thực hiện các bước để bảo vệ sự phụ thuộc của mình vào Trung Quốc trong khi tránh xa chính trường Washington.

Các chuyên gia thương mại cho rằng những nỗ lực của Mỹ nhằm thúc đẩy Nhật Bản cắt giảm mạnh mẽ các mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc sẽ phải đối mặt với sự phản đối đáng kể ở Tokyo.

Chú thích ảnh
Quang cảnh cảng hàng hóa tại Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Nhật Bản có thể cung cấp cho chính quyền Tổng thống Trump một số biện pháp “hòa giải”, như mua thêm gạo của Mỹ và cho phép những chiếc xe đạt tiêu chuẩn Mỹ được lưu thông trên đường Nhật Bản – theo đánh giá của ông Masahiko Hosokawa, giáo sư tại Đại học Meisei và cựu quan chức cấp cao tại Bộ Thương mại Nhật Bản.

Ông Hosokawa cho biết "việc tách khỏi Trung Quốc là không thể". Theo ông, tại Mỹ cũng như tại Nhật Bản, người tiêu dùng mua một lượng lớn hàng hóa Trung Quốc và các doanh nghiệp phụ thuộc rất nhiều vào chuỗi cung ứng của Trung Quốc. Điều đó có nghĩa là Nhật Bản có thể cung cấp cho Mỹ rất ít, nếu có, trong thời gian ngắn để cô lập Trung Quốc.

Gần đây, các quan chức chính quyền Tổng thống Trump, bao gồm Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent đã tỏ ý rằng họ muốn đạt được các thỏa thuận với các đối tác thương mại phù hợp với các chính sách của Mỹ được thiết kế để chống lại Trung Quốc. Ông Bessent hiện dẫn đầu các cuộc đàm phán thuế quan của Mỹ với Nhật Bản.

Trong khi đó, giới chức Trung Quốc đã lưu ý đến động thái của chính quyền ông Trump. Hôm 21/4, Bắc Kinh phát cảnh báo các quốc gia khác không nên hạn chế thương mại với Trung Quốc để giành được sự nới lỏng thuế quan của Mỹ, đồng thời đe dọa sẽ trả đũa các quốc gia làm như vậy.

"Việc tìm kiếm cái gọi là miễn trừ bằng cách gây tổn hại đến lợi ích của người khác vì lợi ích ích kỷ và thiển cận của riêng mình cũng giống như đàm phán với một con hổ để lấy bộ da của nó", Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết, "Cuối cùng, điều đó sẽ chỉ dẫn đến một sự mất mát”.

Việc Nhật Bản có thể duy trì quan hệ thương mại với cả Mỹ và Trung Quốc trong bối cảnh hai cường quốc này liên tục áp thuế lên hàng hóa của nhau – mức thuế vượt quá 100% – mang ý nghĩa quan trọng đối với nền kinh tế của Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ tư thế giới.

Chú thích ảnh
Đặc phái viên Nhật Bản Ryosei Akazawa phát biểu với báo giới tại Washington, sau các cuộc đàm phán về thuế quan với phía Mỹ ngày 16/4/2025. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Các biện pháp linh hoạt của Tokyo

Các doanh nghiệp Nhật Bản ngày càng chịu áp lực phải mở rộng ra nước ngoài, do dân số trong nước đang suy giảm. Điều đó khiến việc tìm kiếm các phương án thay thế cho Trung Quốc trở nên khó khăn. Mặt khác, các nhà kinh tế cảnh báo rằng mức thuế 24% mà Mỹ đe dọa áp đặt sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản và các ngành công nghiệp trong nước.

Nhật Bản bắt đầu giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc từ năm 2010, sau khi Bắc Kinh áp đặt lệnh cấm xuất khẩu kim loại đất hiếm – nguyên liệu quan trọng – sang Nhật để gây áp lực trong một tranh chấp lãnh thổ. Đáp lại, Nhật Bản đã đưa mục tiêu đa dạng hóa chuỗi cung ứng vật liệu và hàng hóa thiết yếu thành một trụ cột trong các chính sách kinh tế của mình.

Năm 2020, chính phủ Nhật Bản đã tung ra hàng tỷ USD trợ cấp để thúc đẩy các nhà sản xuất trong nước chuyển dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc sang Đông Nam Á hoặc về lại Nhật Bản. Các nhà hoạch định chính sách Nhật Bản nhấn mạnh rằng những nỗ lực này không nhằm vào bất kỳ quốc gia cụ thể nào.

Dưới thời chính quyền Tổng thống Biden, các công ty Nhật đã đầu tư mạnh vào Mỹ như một phần trong sáng kiến “friendshoring” (tạm dịch “sản xuất ở nước bạn bè”) của Washington – nhằm tái định hình chuỗi cung ứng hướng tới các quốc gia “thân thiện”.

Tuy nhiên, ngay cả khi Mỹ áp thuế cao đối với các sản phẩm Trung Quốc như xe điện, các quan chức Nhật Bản lại chọn hướng đi khác, khi vẫn cấp cho các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc những khoản trợ cấp giống như các nhà sản xuất xe điện khác.

Tsuyoshi Kawase – giáo sư luật kinh tế quốc tế tại Đại học Sophia ở Tokyo và là cựu quan chức Bộ Kinh tế Nhật Bản – cho biết Nhật Bản đã cố gắng tiếp cận Trung Quốc theo hướng dài hạn để tránh đối đầu. Nền kinh tế Nhật Bản có sự gắn kết sâu sắc với cả Mỹ và Trung Quốc, và “chúng tôi không có lựa chọn nào là đặt tất cả trứng vào một giỏ”, ông Kawase nói.

Tháng trước, các nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đã gặp nhau tại Tokyo và cam kết thúc đẩy hợp tác giữa ba nước. Một tài khoản mạng xã hội liên kết với truyền thông nhà nước Trung Quốc cho biết ba nước đã đồng ý cùng nhau đối phó với các mức thuế của Mỹ. Tuy nhiên, Hàn Quốc khẳng định thông tin đó đã bị thổi phồng. Tokyo thì cho biết không hề có cuộc thảo luận nào như vậy diễn ra.

Thu Hằng/Báo Tin tức
Tổng thống Trump hé lộ khả năng 'giảm đáng kể' thuế với Trung Quốc
Tổng thống Trump hé lộ khả năng 'giảm đáng kể' thuế với Trung Quốc

Tổng thống Donald Trump cho biết mức thuế quan cao Mỹ áp dụng với Trung Quốc “sẽ giảm đáng kể, nhưng không về mức bằng 0”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN