Cuộc gặp mới đây giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và đại diện của 6 nước thành viên Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC), gồm Saudi Arabia, Kuwait, Qatar, Bahrain, Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE) và Oman đánh dấu một bước ngoặt trong mối quan hệ giữa Mỹ với các nền quân chủ vùng Vịnh.
Tổng thống Obama và các lãnh đạo vùng Vịnh tại hội nghị ngày 14/5 ở Trại David. Ảnh: AFP/TTXVN |
Thực tế cho thấy liên minh lịch sử giữa Mỹ và Saudi Arabia - vương quốc mặc nhiên được coi là có vai trò đầu tàu trong GCC - đang đứng trước nguy cơ bị rạn nứt.
Cách đây hơn 70 năm, vào ngày 14/2/1945, cuộc gặp cấp cao đầu tiên giữa Vua Saoud, người sáng lập ra Saudi Arabia và Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ Franklin Roosevelt đã diễn ra trên tuần dương hạm US Quincy. Tại đây, lãnh đạo hai nước đã ký kết hiệp ước xác định Mỹ là nước bảo đảm an ninh cho Saudi Arabia và vùng Vịnh nói chung để đổi lấy dầu lửa. Chiến lược này được dựa trên nguyên tắc là mọi mưu toan của nước ngoài giành quyền kiểm soát vùng Vịnh, sẽ bị Mỹ trả đũa về quân sự. Các chính quyền Mỹ kế tiếp nhau đều đã tuân thủ nghiêm ngặt chiến lược lớn này. Nguyên tắc này thể hiện bằng việc thiết lập các căn cứ quân sự của Mỹ trong vùng Vịnh; thúc đẩy sự phát triển mọi khả năng an ninh, quốc phòng của các nước vùng Vịnh bằng việc Washington bán vũ khí cũng như đào tạo và huấn luyện quân sự cho các nước này.
Tuy vậy, những năm gần đây, các nước Arập ở vùng Vịnh rõ ràng đã bắt đầu giữ một khoảng cách nào đó với Mỹ, nhất là sau khi Tổng thống Obama do dự về cuộc can thiệp quân sự vào Syria, nơi các thành viên GCC muốn lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad. Ngoài ra, việc Iran và phong trào Hezbollah vừa được Mỹ đưa ra khỏi danh sách các nước và các thực thể ủng hộ khủng bố trong báo cáo hàng năm vào tháng 2 vừa qua của Thượng viện Mỹ, đã khiến các nền quân chủ vùng Vịnh càng tức giận hơn.
Theo các nhà phân tích, mối quan hệ giữa Mỹ và các nước vùng Vịnh đang bắt đầu có những thay đổi lớn, phần nào thể hiện rất rõ trong chương trình nghị sự tại Trại David lần này. Thay đổi thứ nhất là mức độ và bản chất về cam kết của Mỹ đối với an ninh ở vùng Vịnh. Tổng thống Obama đã tái xác định vai trò của Mỹ trong khu vực, nhưng lại quyết bảo vệ lập trường: khẳng định sẽ chấm dứt sự tham gia trực tiếp của Mỹ vào các cuộc xung đột trong khu vực - có nghĩa là từ nay các nước vùng Vịnh phải gánh trách nhiệm bảo đảm an ninh của mình, sẽ phải một mình đối phó với các thách thức khu vực. Đó là bức thông điệp mà Mỹ muốn gửi tới các nước vùng Vịnh tại hội nghị David lần này.
Dự đoán trong 15 năm tới, Mỹ sẽ ít phụ thuộc hơn vào dầu lửa của vùng Vịnh do sự thay đổi trên thị trường dầu lửa và sự xuất hiện nhiều nguyên liệu có thể thay thế. Tuy vậy, Mỹ vẫn tìm mọi cách để đẩy mạnh thị trường vũ khí Mỹ, nơi các nền quân chủ vùng Vịnh là những khách hàng lớn. Làm như vậy, ngoài lợi ích kinh tế, nó còn giúp Mỹ thực hiện ý đồ thực sự của mình, đó là tăng cường khả năng răn đe của các nước vùng Vịnh trước Iran, từ đó tạo ra một thế cân bằng giữa người Sunni và người Shi'ite, sao cho khu vực này luôn trong tình trạng chia rẽ thường xuyên và đồng thời giữ một thế cân bằng nào đó giữa các nước, không cho phép một bên nào áp đặt sự bá quyền đối với khu vực.
Dư luận rất chú ý tới một sự thay đổi chưa từng thấy trong quan hệ của Mỹ đối với các nước vùng Vịnh, khi Tổng thống Obama nói: “Các nước Arập vùng Vịnh đang bị chính sự bất bình của người dân nước mình đe dọa, hơn là từ phía Iran... Cần phải khuyến khích các cuộc cải cách tại các nước Arập vùng Vịnh để mang đến cho thanh niên ở đây những sự lựa chọn, thay cho việc họ gia nhập tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS)”.
Quan điểm này cho thấy việc sử dụng “nền dân chủ” làm con bài gây sức ép với các nền quân chủ vùng Vịnh là sự thay đổi lớn thứ hai trong mối quan hệ giữa Mỹ với các nước vùng Vịnh. Và, lịch sử đã chứng minh, mỗi khi muốn thoái thác trách nhiệm đối với một quốc gia nào đó thì Mỹ lại sử dụng con bài “dân chủ” này.
Phạm Phú Phúc (Theo tờ "Chính trị thế giới")