Mỹ tăng cường cạnh tranh ảnh hưởng tại châu Phi

Theo mạng tin "Báo cáo tình báo hàng ngày" (Mỹ), Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đang có chuyến công du gần hai tuần (từ ngày 30/7 đến 10/8) đến các nước châu Phi gồm Xênêgan, Nam Xuđăng, Uganđa, Kênia, Malauy, Nam Phi và cuối cùng là Gana. Tháp tùng Ngoại trưởng Clinton là một phái đoàn giám đốc điều hành các công ty tư nhân trong nhiều lĩnh vực như hàng không, kỹ thuật, giao thông, điện, hậu cần, công nghệ thông tin, bán lẻ và công nghệ cao.


 

Tổng thống Nam Xu đăng, Salva Kiir tiếp đón Ngoại trưởng Mỹ (trái) tại dinh tổng thống ở thủ đô Giuba hôm 3/8/2012. Ảnh: AFP/ TTXVN

Tại điểm dừng chân đầu tiên Xênêgan, trong bài diễn văn đọc tại trường Đại học Tổng hợp Cheikh Anta Diop, Ngoại trưởng Clinton đánh giá cao việc ông Macky Sall trở thành Tổng thống Xênêgan hồi tháng 3/2012. Bà Clinton chỉ trích Bắc Kinh và ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc tại châu Phi mặc dù không nêu đích danh Trung Quốc. Ngoại trưởng Clinton khuyến nghị các quan chức có mặt trong cuộc gặp nên tìm kiếm các mối quan hệ đối tác với Mỹ - nước ủng hộ mạnh mẽ “dân chủ và nhân quyền”. Bà khẳng định: “Không đối tác nào có thể đem lại điều đó, trừ chúng tôi". Bà cho biết, Mỹ cam kết theo đuổi một mô hình quan hệ đối tác bền vững nhằm tăng thêm các giá trị, chứ không bòn rút các giá trị của châu Phi. Giới quan chức coi phát biểu của bà Clinton là nhằm chỉ trích việc các công ty Trung Quốc đang nhanh chóng mở rộng khai thác dầu lửa trên khắp châu Phi.


Hiện nay, ngoài việc tìm cách ngăn chặn quan hệ thương mại Trung Quốc - châu Phi phát triển, Oasinhtơn đang triển khai các binh sĩ thuộc lực lượng đặc biệt và máy bay không người lái ở phần lớn các nước châu Phi như một biểu tượng của sức mạnh quân sự nhằm đe dọa bất cứ nước nào có thể vượt mặt Oasinhtơn.


Điểm dừng chân tiếp theo của Ngoại trưởng Clinton là thủ đô Giuba của Nam Xuđăng. Bà Clinton có mặt tại đây đúng thời điểm Nam Xuđăng và Xuđăng đạt được một thỏa thuận về dầu lửa dưới sự bảo trợ của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Ngoại trưởng Clinton khuyến khích Tổng thống Nam Xuđăng, Salva Kiir Mayardit theo đuổi chính sách chung sống hòa bình với Xuđăng. Oasinhtơn và các đối tác châu Âu đã viện trợ cho Nam Xuđăng nhiều triệu USD và Oasinhtơn muốn chứng kiến các kết quả đầu tư của mình.


Tại các điểm dừng chân tiếp theo là Uganđa, Kênia, Malauy và Nam Phi, Ngoại trưởng Clinton tìm cách thúc đẩy các mối quan hệ nhằm lập lại sự thống trị về kinh tế của Mỹ. Tại Uganda, bà Clinton ca ngợi chính phủ của Tổng thống Yoweri Museveni tiếp tục hỗ trợ quân sự ở Xômali. Ngoại trưởng Mỹ cũng thăm một căn cứ quân sự ở Uganđa - nơi Mỹ đang triển khai các máy bay không người lái để tấn công các phiến quân Xômali.


Tại Kênia, bà Clinton tuyên bố Mỹ sẽ hỗ trợ phát triển chương trình thương mại chung Mỹ - châu Phi với sự tham gia của các nước Đông Phi gồm Kênia, Tandania, Ruanđa, Burunđi và Uganđa. Các dự án chung là đầu tư tuyến đường sắt nối liền Nam Xuđăng - Êtiôpia - Kênia và một đường ống dẫn dầu từ Nam Xuđăng đến một nhà máy lọc dầu tại thành phố biển Mombasa của Kênia.


Tại thủ đô Lilônguê của Malauy, bà Clinton ca ngợi chính sách cải cách kinh tế của nước này theo đề nghị của các ngân hàng phương Tây. Tại Nam Phi, Ngoại trưởng Clinton thảo luận về việc Oasinhtơn cam kết đầu tư 2 tỷ USD cho các dự án năng lượng mới hợp tác giữa các công ty Nam Phi và các công ty Mỹ. Các công ty Mỹ có thể hưởng lợi nhiều nhất từ khoản đầu tư đó là General Electric và Siemens AG. Ngoài ra, hai bên cũng thảo luận về việc Công ty Boeing của Mỹ sẽ cung cấp máy bay cho các hãng hàng không của Nam Phi.


Giới phân tích cho biết, chính phủ Trung Quốc hết sức quan tâm tới chuyến công du châu Phi của Ngoại trưởng Mỹ. Trước chuyến thăm, Bộ Ngoại giao Trung Quốc chỉ thị cho các cơ quan ngoại giao tại châu Phi nhắc nhở nước chủ nhà cảnh giác với Mỹ; theo sát tình hình chuyến thăm để kịp thời phản ứng và có biện pháp răn đe các nước có chiều hướng ngả theo Mỹ trong hoạt động kinh tế và thương mại.

 

Chính vì vậy, ngay sau bài phát biểu của bà Clinton tại trường Đại học Tổng hợp Cheikh Anta Diopngay (Xênêgan) ngày 31/7, Bắc Kinh đã thông qua Tân Hoa Xã chỉ trích bà Clinton ngăn cản các lợi ích thương mại của Trung Quốc ở châu Phi. Tân Hoa Xã cho rằng cách phát biểu của bà Clinton bộc lộ rõ âm mưu chia rẽ Trung Quốc và châu Phi để đạt lợi ích. Đây không phải lần đầu tiên bà Clinton chỉ trích sự hiện diện của Trung Quốc tại châu Phi. Tháng 6/2011, trong chuyến thăm Dămbia, Ngoại trưởng Clinton đã lên tiếng tố cáo "chủ nghĩa thực dân mới" của Trung Quốc ở châu Phi.


Hữu Trung

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN