Mỹ sao nhãng chính sách “xoay trục”?

Nhiều người đặt câu hỏi về việc cuộc khủng hoảng tại Ukraine hiện nay sẽ ảnh hưởng như thế nào đến chính sách “xoay trục” của Mỹ sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

 

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel (trái) gặp Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại thủ đô Tokyo ngày 5/4. Ảnh: AFP/TTXVN

Trước hết, cần phải khẳng định rằng cuộc khủng hoảng ở Ukraine chắc chắn đã làm phân tán các chiến lược lâu dài của Mỹ. Nước Mỹ đã can thiệp ngày càng sâu vào cuộc khủng hoảng này và đã tự đặt mình vào thế đối đầu với Nga và liên tục gia tăng sức ép thông qua các lệnh cấm vận, trừng phạt. Bên cạnh đó, Mỹ còn trợ giúp cho chính quyền lâm thời Ukraine; gia tăng trợ giúp về quân sự cho các đồng minh tại Đông Âu cũng như tăng cường khả năng phòng thủ tập thể của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO); chấm dứt hợp tác giữa NATO với Nga; giúp Liên minh châu Âu (EU) giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung cấp năng lượng từ Nga. Tuy nhiên, mặt khác Mỹ cũng không ngừng mặc cả với Nga: Hai nguyên thủ Mỹ và Nga liên tiếp tiến hành các cuộc điện đàm và hai vị ngoại trưởng đã gặp nhau thường xuyên để tìm kiếm một thỏa thuận. Rõ ràng là Mỹ đang rất lo lắng trước sự leo thang của cuộc khủng hoảng ở Ukraine.


Tuy nhiên, cũng cần phải nhận thấy rằng Mỹ vẫn cùng lúc quan tâm đến châu Á - Thái Bình Dương, Trung Đông và Tây Âu. Trong các khu vực này, Trung Đông là khu vực ít được chú trọng nhất do Mỹ đang tiến dần đến mục tiêu trở nên độc lập về năng lượng (nghĩa là giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng của Trung Đông). Còn Tây Âu chỉ là mục tiêu ngắn hạn do tác động của cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Trong khi đó, châu Á - Thái Bình Dương vẫn là “ưu tiên của những ưu tiên” trong chính sách của Mỹ. Có thể thấy rõ điều này qua ba yếu tố sau đây:


Thứ nhất, Mỹ tiếp tục tăng cường triển khai quân đội tại châu Á - Thái Bình Dương. Tờ “Tạp chí phố Wall” mới đây tiết lộ rằng do những căng thẳng gần đây trên vùng biển Đông Á, lực lượng hải quân Mỹ đang củng cố sự hiện diện của mình tại khu vực thông qua việc nâng cấp hệ thống khí tài lưỡng dụng (sử dụng được cả trên cạn lẫn dưới nước), vốn đã xuống cấp sau các cuộc chiến tại Iraq và Afghanistan. Hiện Mỹ đang có 19.000 binh sĩ đồn trú tại khu vực này, và dự kiến con số này sẽ lên đến 22.000 người vào năm 2017.


Thứ hai, ngay trong khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine đang trong giai đoạn căng thẳng, các quan chức quân đội cũng như ngoại giao cấp cao của Mỹ vẫn liên tục thực hiện các chuyến thăm đến châu Á - Thái Bình Dương nhằm thúc đẩy mối quan hệ ngoại giao quốc phòng cũng như củng cố vị trí siêu cường của mình tại khu vực này. Đầu tháng 4 này, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đã đến thăm châu Á - Thái Bình Dương lần thứ tư và mới đây Mỹ đã tổ chức Diễn đàn Quốc phòng Mỹ - ASEAN, với sự tham dự của Bộ trưởng Quốc phòng 10 nước ASEAN. Trong Diễn đàn này, ông Hagel đã tái khẳng định chiến lược “xoay trục” của Mỹ. Ngoài ra, vào cuối tháng 4 này, Tổng thống Barack Obama sẽ thực hiện một chuyến công du đến 4 nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương và chắc chắn ông sẽ một lần nữa khẳng định lại chiến lược này của Mỹ.


Thứ ba, Mỹ đang tiếp tục can thiệp vào những tranh chấp tại vùng biển Đông Á. Trong vấn đề Biển Đông, Mỹ ủng hộ Philippines đưa vấn đề này (tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc) ra tòa án quốc tế. Trong tranh chấp giữa Trung Quốc và Nhật Bản về chủ quyền quần đảo Điếu Ngư/Senkaku tại biển Hoa Đông, mọi việc cũng đang diễn ra tương tự.


Tóm lại, tác động chính của cuộc khủng hoảng ở Ukraine đối với bàn cờ chính trị thế giới đó là việc nó sẽ gây ảnh hưởng thế nào đến mối quan hệ giữa các nước lớn chứ không tạo ra sự thay đổi nào về địa chính trị. Về bản chất, cuộc khủng hoảng ở Ukraine chỉ làm Mỹ xao nhãng chiến lược “xoay trục” của mình chứ không thể buộc họ phải trì hoãn hay thay đổi chiến lược này. Hiện nay, Mỹ sẽ chỉ tiến hành điều chỉnh và tận dụng nhiều hơn những khác biệt trong khu vực, và Mỹ sẽ tăng cường sử dụng các đồng minh tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó đặc biệt là Nhật Bản và Philippines nhằm tạo ra các vấn đề mới trong khu vực. Mỹ cũng sẽ tận dụng những tranh chấp về lãnh hải giữa Trung Quốc với Nhật Bản và Philippines nhằm kiềm chế Trung Quốc.


Phạm Phú Phúc (Theo “chinausfocus”)

Lo ngại Ukraine, nhiều tướng Đức muốn tái lập nghĩa vụ quân sự
Lo ngại Ukraine, nhiều tướng Đức muốn tái lập nghĩa vụ quân sự

Những diễn biến gần đây tại Crimea (Crưm) đã khiến nhiều tướng lĩnh về hưu ở Đức kêu gọi áp đặt trở lại luật nghĩa vụ quân sự bắt buộc bởi lo ngại về vấn đề quân số của nước này nếu nổ ra một cuộc xung đột do NATO đứng đầu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN