Theo Giáo sư Jack Goldstone, nhà xã hội học và khoa học chính trị Mỹ - người chuyên nghiên cứu về phong trào xã hội, cách mạng và chính trị quốc tế, đồng thời là giảng viên về Chính sách công tại đại học George Mason (Mỹ) - trong thời gian gần đây, thế giới đã chứng kiến những cuộc đối đầu bạo lực giữa đám đông biểu tình với lực lượng chính quyền ở 4 quốc gia Venezuela, Bosnia, Ukraine và Thái Lan. Tuy nhiên, bất chấp sự xa cách về mặt địa lý, các cuộc biểu tình này đều có một số điểm chung.Các quốc gia này đều đang đứng trước giai đoạn bước ngoặt: Tất cả 4 nước trên đều là quốc gia có "thu nhập trung bình", không giàu cũng không nghèo trên thế giới. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Venezuela xếp thứ 73 thế giới về thu nhập GDP bình quân đầu người trong khi Ukraine là 106, Thái Lan xếp thứ 92 và Bosnia là 99. Nói cách khác, trong số 187 quốc gia trên toàn thế giới, họ đứng ở giữa bảng xếp hạng của IMF. Trong khi đó, dân số của những nước này bắt đầu bước vào ngưỡng hầu như mọi người đều biết chữ và do đó nhu cầu cuộc sống cũng tăng lên. Họ mong muốn chính phủ của mình duy trì một nền kinh tế vững chắc, tạo ra công ăn việc làm ổn định và có các dịch vụ công chất lượng cao.
Đụng độ giữa người biểu tình và cảnh sát tại Ukraine. |
Tuy nhiên, kinh tế của các quốc gia này hiện vẫn chưa đủ mạnh và an toàn, trong khi tương lai của bản thân và con cái họ phụ thuộc rất nhiều vào các biện pháp của chính phủ.
Các nước trên đang ở một điểm mà vấn đề tham nhũng và nhu cầu tăng cường trách nhiệm giải trình nổi lên là vấn đề rất quan trọng, để xem liệu đất nước có thể để bắt kịp với mức sống của các nước giàu hơn, hay quay trở lại mức chuẩn của những nước nghèo.
Ví dụ về vấn đề tham nhũng: Theo Tổ chức Minh bạch Quốc tế, chỉ số cảm nhận tham nhũng của Thái Lan là 102, Ukraine là 144 trên tổng số 177 nước năm 2013. Ở Bosnia, chỉ số cảm nhận tham nhũng năm 2012 là 72, nhưng đã tăng mạnh trong năm nay – một trong những vấn đề khiếu nại chính của người biểu tình hiện nay tại nước này. Cả 4 nước trên đều có dân số đủ lớn để thực hiện tham vọng nâng cao tiêu chuẩn, mức sống xích lại gần hơn so với các nước giàu, nhưng nạn tham nhũng đang là một thách thức lớn.
Ông Goldstone cho rằng lãnh đạo của các nước này đều đang ở nhiệm kỳ 2, hoặc tương tự, khiến cho sự chào đón của dân chúng có phần giảm sút. Tại Thái Lan, Thủ tướng Yingluck Shinawatra đang đóng vai trò là người kế nhiệm anh trai mình, cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra. Ở Ukraine, Tổng thống mới bị phế truất Viktor Yanukovich trở lại nhiệm kỳ thứ hai của mình sau khi bị lật đổ trong cuộc Cách mạng Cam năm 2004.
Trong khi đó, những là lãnh đạo trên lại phải đối mặt với những rắc rối nghiêm trọng liên quan đến một số quyết định mà họ đưa ra, tạo cớ cho phe đối lập tận dụng. Chẳng hạn, bà Yingluck đã đề xuất dự luật ân xá cho những người liên quan đến tình trạng bạo lực trong giai đoạn 2006 – 2010 ở Thái Lan, mà phe đối lập cho rằng sẽ mở đường cho cựu Thủ tướng Thaksin về nước. Tại Ukraine, ông Yanukovich đã chấp nhận một thỏa thuận tài chính với Nga mà từ chối ký thỏa thuận liên kết với Liên minh châu Âu. Chính quyền Bosnia thì đã thực hiện chính sách tư nhân hóa tài sản công mang dấu hiệu của sự tham nhũng và thiếu trách nhiệm.
Trong các trường hợp trên, phản ứng từ các nhà lãnh đạo đối lập và những người ủng hộ họ là yêu cầu chính phủ từ chức và tiến hành các cuộc bầu cử mới.
Tất nhiên là chính phủ đương nhiệm sẽ từ chối và không có gì đáng ngạc nhiên khi các kịch bản biểu tình của phe đối lập diễn ra khá giống nhau. Phe đối lập không nhượng bộ. Họ bắt đầu chiến dịch biểu tình ôn hòa với việc chiếm giữ những khu vực công cộng hoặc thậm chí các tòa nhà chính phủ. Tình hình sẽ càng trở nên tồi tệ với việc ngày càng nhiều người tham gia biểu tình, yêu cầu chính phủ giải trình và thay đổi chế độ. Nếu chính phủ đáp trả bằng vũ lực, đối đầu sẽ leo thang.
Liệu tình hình bất ổn tại các quốc gia nói trên có vượt tầm kiểm soát và rơi vào cuộc nội chiến như đã từng xảy ra ở Lybia, Syria? Theo ông Goldstone, điều đó rất khó xảy ra vì 2 lý do: Thứ nhất, không giống như Libya và Syria, những nước có dân số với độ tuổi trung bình lần lượt là 26 và 21, vốn rất dễ bị kích động và suy nghĩ cũng chưa được chín chắn, các quốc gia trên có độ tuổi trung bình cao hơn. Tại Thái Lan, Bosnia, và Ukraina, tuổi trung bình là trong khoảng 37-40. Trong xã hội có độ tuổi trưởng thành như vậy, dù có thể có các nhóm nhỏ thanh niên nổi loạn khơi mào cho các cuộc biểu tình bạo lực, nhưng đa số người dân chưa chắc đã đổ xô vào cuộc chiến và bạo lực.
Thứ hai và quan trọng hơn, không nước nào trong số các quốc gia này có một nhà lãnh đạo có thể ra lệnh cho lực lượng quân sự can thiệp. Bất kỳ sự đàn áp nào của chính phủ cũng có thể gây tác dụng ngược và củng cố thêm sức mạnh cho lực lượng đối lập. Nếu các cuộc biểu tình tiếp tục phát triển, chính phủ sẽ hướng tới sự thỏa hiệp hoặc lãnh đạo từ chức.
Do đó, các sự kiện đang diễn ra ở Ukraine, Thái Lan, Venezuela và Bosnia vẫn chưa thể tạo nên làn sóng cách mạng của nhân dân nói chung và không có khả năng nội chiến như đã xảy ra trong "Mùa xuân Arập".
CT (Theo Russia-direct)