Theo mạng tin "RT", nếu trong chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ vừa qua, đề tài Nga và tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng được nhắc tới nhiều hơn, cũng như các ứng cử viên chỉ trích và xúc phạm nhau nhiều hơn là đưa ra những đề xuất, thì Mỹ Latinh vẫn luôn là một điểm tham chiếu.
Vấn đề người nhập cư và bức tường biên giới
Trong suốt chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ vừa qua, đề tài nổi bật nhất liên quan tới Mỹ Latinh là đề xuất gây tranh cãi của ông Trump về việc xây dựng một bức tường ở khu vực biên giới Mỹ - Mexico, cũng như việc trục xuất 11 triệu người nhập cư bất hợp pháp (mà theo ông Trump) phải chịu trách nhiệm trong phần lớn những điều tồi tệ mà người dân Mỹ phải gánh chịu. Theo nhận định của nhà phân tích Gerardo Lissardy, nếu tổng thống đắc cử của Mỹ Donald Trump quyết tâm thực hiện những ý tưởng đó thì sẽ "tác động trực tiếp tới nền kinh tế Mỹ Latinh, khu vực mỗi năm nhận 65 tỷ USD kiều hối từ Mỹ". Bên cạnh đó, chính sách này không chỉ tác động tới Mexico mà còn nhiều nước khác trong khu vực.
Khu trại tạm của những người nhập cư trái phép vào Mỹ bị trả lại ở Tijuana, Mexico. Ảnh: AP/TTXVN |
Trong khi đó, nhà nghiên cứu Leandro Morgenfeld cho rằng "ngoài những cuộc khẩu chiến trên truyền thông xung quanh những phát ngôn gây sốc của ông Trump, đề nghị mở rộng bức tường biên giới của ông (trên thực tế nó đã tồn tại rồi) cùng một chương trình không khả thi về việc trục xuất hàng loạt người nhập cư (thực ra Chính quyền Mỹ đã bắt đầu siết chặt chính sách nhập cư) phần nào lại được các doanh nghiệp Mỹ 'lợi dụng' để trả công rẻ cho các lao động nước ngoài không có giấy tờ hợp pháp và không đảm bảo cho họ bất cứ quyền lợi chính đáng nào".
Quan hệ với Cuba
Một trong những đề tài then chốt khác trong tổng thể quan hệ Mỹ - Mỹ Latinh là quá trình bình thường hóa quan hệ từ gần 2 năm qua giữa Washington và La Habana. Trong một cuộc tranh luận tại Miami - thành trì của lực lượng Cuba phản cách mạng lưu vong - tổng thống đắc cử của Mỹ đã tuyên bố: "Tôi muốn đạt một thỏa thuận mạnh mẽ và tích cực bởi giờ đây tất cả các chi tiết (trong thỏa thuận hiện tại) đều có lợi cho Cuba" trong khi đặt nghi vấn về các cuộc thương lượng mà chính phủ sắp mãn nhiệm của Tổng thống Barack Obama đã tiến hành với chính quyền cách mạng Cuba.
Trước khi cuộc bầu cử ở Mỹ diễn ra, nhà ngoại giao kỳ cựu Carlos Alzugaray Treto từng đưa ra dự đoán trên tạp chí điện tử "OnCuba Magazine" rằng nếu ông Donald Trump đắc cử tổng thống, rất có thể "tiến trình bình thường hóa quan hệ Mỹ - Cuba sẽ ngừng lại và chính quyền mới sẽ có động thái nào đó nhằm đảo ngược tiến trình này".
Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát "thân" Cuba lại không quá tỏ ra lo ngại vì cho rằng quan điểm cứng rắn của ông Donald Trump đối với La Habana xuất hiện dần về sau, chủ yếu là do sức ép "hút thêm phiếu bầu". Nếu hành động theo bản năng của một doanh nhân, tổng thống đắc cử của Mỹ hẳn sẽ phải thúc đẩy tiến trình này. Thêm nữa, với việc đảng Cộng hòa chiếm đa số tại cả lưỡng viện Quốc hội Mỹ, việc một tổng thống Dân chủ cầm quyền - như trong trường hợp bà Hillary Clinton đắc cử - cũng không hẳn là thuận lợi cho mong muốn bấy lâu của La Habana là "xóa bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận đã bị luật hóa".
Những hiệp định tự do thương mại
Ông Donald Trump từng nhấn mạnh rằng Hiệp định Tự do Thương mại Bắc Mỹ (NAFTA) có hại cho nền kinh tế Mỹ. Theo cổng thông tin La Mula của Peru, ông chủ sắp tới của Nhà Trắng đã hứa hẹn sẽ xóa bỏ thỏa thuận này và "áp mức thuế nhập khẩu 35% đối với các mặt hàng từ Mexico. Biện pháp này nếu được áp dụng sẽ có tác động to lớn đối với Mexico - nước có giá trị xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ vào Mỹ đạt 316,4 tỷ USD, bao gồm khoản thặng dư thương mại 49,2 tỷ USD". Dù sao, chưa cần chờ đợi những biện pháp đầu tiên của chính quyền Donald Trump, Xứ sở Azteca đã gánh chịu những ảnh hưởng đầu tiên khi đồng nội tệ peso của nước này rớt giá thảm hại sau chiến thắng của ứng cử viên đảng Cộng hòa hôm 8/11 vừa qua.
Mặt khác, vị tỷ phú này cũng chỉ trích mạnh mẽ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), vốn được coi như một trong những thành quả thương mại chính của Chính quyền Barack Obama. Bốn quốc gia Mỹ Latinh tham gia thỏa thuận này (gồm Mexico, Colombia, Peru và Chile đồng thời cũng là các thành viên của Liên minh Thái Bình Dương). Sự thay đổi chính sách (nếu có) của Washington trong vấn đề này chắc chắn sẽ có tác động tiêu cực tới việc hoạch định chiến lược thương mại của các quốc gia trên.
Tương lai bất định
Ngoài những trụ cột chính này, đâu là chiến lược và hành động hiệu quả thực sự của ông Trump đối với các cư dân Mỹ Latinh cũng là điều khó đoán trước. Đối với cây bút bình luận người Argentina, Nicolas Zyssholtz, thì "tương lai của Mỹ Latinh với Tổng thống đắc cử Donald Trump của Mỹ vẫn hoàn toàn là một ẩn số vì khu vực này trên thực tế chưa bao giờ là một phần trong chương trình tranh cử của ông". Và mặc dù "thật khó tưởng tượng những ý tưởng của ông Trump về đề tài này" nhưng ông Nicolas Zyssholt vẫn cho rằng "tới thời điểm hiện tại, mọi tín hiệu đều cho thấy ưu tiên trong chính sách đối ngoại của ông Donald Trump không phải là Mỹ Latinh hay một quốc gia nào trong khu vực này mà sẽ là Nga, Trung Quốc và việc tái thương lượng các FTA".
Ông Nicolas Zyssholtz kết luận "chiến thắng của ông Donald Trump cũng đồng nghĩa với việc củng cố một tư tưởng nổi loạn chính trị ngày càng lớn mạnh tại Mỹ Latinh". Và cho dù "đa phần cánh hữu Mỹ Latinh tương đồng với đảng Dân chủ của Mỹ hơn" thì một số quan điểm của họ vẫn "có thể được củng cố với ông chủ mới của Nhà Trắng mang tên Donald Trump của đảng Cộng hòa".