Mỹ điều chỉnh chiến lược chống khủng bố

Theo nhận định của học giả Nigel Inkster thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), Mỹ đang điều chỉnh chiến lược chống khủng bố từ mô hình không bền vững và tốn kém sang cách tiếp cận có thể phát huy tối đa các nguồn lực để đối phó trực tiếp với những mối đe dọa an ninh quốc gia. Điều này là quan trọng trong bối cảnh Nhà Trắng phải thắt chặt chi tiêu, đồng thời giúp thúc đẩy chính sách đối ngoại "tái cân bằng" trong nhiệm kỳ hai của Tổng thống Barack Obama.


 

Biểu tình bên ngoài Nhà Trắng ngày 24/5/2013 yêu cầu chính phủ Mỹ đóng cửa nhà tù Guantanamo. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong bài phát biểu ngày 23/5 của ông Obama người ta đã nhận thấy điều mới mẻ bao trùm lên chiến lược an ninh quốc gia và chống khủng bố mà chính phủ của ông theo đuổi suốt 4 năm qua khi ông nhắc đến việc sử dụng máy bay không người lái (KNL) và vấn đề nhà tù Guantanamo. Ông cũng nhấn mạnh rằng chiến tranh không thể cứ mãi đeo đẳng nước Mỹ, và họ cần một lối thoát, song nước Mỹ cũng không thể quay lưng lại với cuộc chiến chống khủng bố mà mối đe dọa xuất hiện ở bất cứ nơi đâu, bất cứ thời điểm nào.


Sử dụng máy bay KNL để triển khai các cuộc tấn công vào sào huyệt của khủng bố được coi là một phần trong quá trình điều chỉnh chiến lược của Mỹ. Biện pháp này có thể giúp giảm bớt gánh nặng về chi phí cũng như nguy cơ đe dọa đến tính mạng binh lính. Để tránh "búa rìu" dư luận, ông Obama cũng ban hành một sắc lệnh quy định về mục đích, cách thức, thời điểm... sử dụng máy bay KNL.


Đã nhiều lần, chính quyền Obama tính đến việc điều chỉnh cách sử dụng máy bay KNL nhưng đều vấp phải sự phản đối của CIA. Tháng 1/2012, ông Obama thừa nhận rằng Mỹ đã sử dụng máy bay KNL ở khu vực bộ lạc thuộc lãnh thổ Pakixtan. Tháng 5/2012, John Brennan - cố vấn chống khủng bố của Obama - khẳng định rằng máy bay KNL đã thực hiện những phi vụ nhằm vào mục tiêu al-Qaeda nhưng "đúng luật và hợp đạo lý". Khi đó, dư luận quốc tế tỏ ra lo ngại về tính hợp pháp của các phi vụ tấn công khủng bố bằng máy bay KNL của Mỹ.


Không thể phủ nhận một thực tế là máy bay KNL đã đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực chống khủng bố của Mỹ kể từ năm 2002. Với 425 phi vụ, loại máy bay này đã tiêu diệt nhiều chỉ huy cấp cao và phá hủy nhiều căn cứ của al-Qaeda, làm giảm đáng kể khả năng tổ chức tấn công nhằm vào lợi ích của phương Tây. Tuy nhiên, tính hợp pháp của những phi vụ này vẫn là một câu hỏi chưa có lời đáp.


Bên cạnh đó, số phận của các tù nhân và khả năng đóng cửa nhà tù Guantanamo bất hợp pháp của Mỹ tại Cuba cũng được coi là một phần quan trọng giúp định hình cách tiếp cận mới trong chiến lược chống khủng bố. Cuộc tranh cãi về tù nhân Guantanamo và những ngón tra tấn theo kiểu Trung cổ ở đây không chỉ khiến giới chức Oasinhtơn phải đau đầu, mà còn tác động xấu đến nỗ lực chống khủng bố mà Mỹ triển khai. Các nước hoài nghi về mục tiêu chống khủng bố, bởi họ không thể hiểu được đằng sau bức tường Guantanamo là những gì. Sứ mệnh đóng cửa nhà tù này đang được đặt lên vai ông Obama, nhưng có lẽ ông còn quá ít thời gian cũng như sự lựa chọn để tìm ra lối thoát khả dĩ nhất.


Quyết tâm điều chỉnh lại chiến lược chống khủng bố của Mỹ đang đứng trước những thử thách về chính trị đầy cam go. Các đối thủ của ông Obama phản đối bất cứ sự nhượng bộ nào đối với khủng bố, bởi họ cho rằng nguy cơ đe dọa chưa bao giờ giảm đi, kể cả bên trong lãnh thổ Mỹ và trên toàn cầu. Bằng chứng mà họ đưa ra là vụ tấn công ở giải maratông Boston vừa qua. Vì vậy, họ cảnh báo rằng cách tiếp cận mới có thể sẽ "chết yểu". Tuy vậy, trong bối cảnh kinh tế khó khăn và ngân sách bị cắt giảm, thì ông Obama không còn lựa chọn nào khác là phải điều chỉnh chiến lược chống khủng bố theo hướng tiết kiệm và thực dụng hơn. Đó cũng là mục tiêu lâu dài của nước Mỹ: Tái cân bằng các ưu tiên chiến lược cho phù hợp với tình hình mới.

 

TTK

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN