Mỹ cân nhắc việc rút hết quân khỏi Irắc

Trong mục “Tầm nhìn toàn cầu” của tạp chí trực tuyến “Chính trị thế giới” (WPR) ngày 27/4, nhà phân tích thời sự Mỹ, Richard Weitz, đã nhận định chuyến thăm Irắc ngày 22/4 của Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, Đô đốc Mike Mullen, mang ý nghĩa cảnh báo: Thời điểm quyết định sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Irắc đã đến. Vấn đề khẩn cấp nhất trong quan hệ Mỹ - Irắc là xác định sẽ có bao nhiêu quân Mỹ được ở lại Irắc vào cuối năm 2011 và vai trò nào các binh sĩ Mỹ này sẽ đảm nhiệm ở Irắc.

Từ khi đưa quân vào Irắc đầu năm 2009, Hiệp định An ninh Mỹ - Irắc (SOFA) đã chi phối sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Irắc. Ngoài việc trao cho quân Mỹ các quyền pháp lý và đặc quyền khi phải đối mặt với pháp luật nước này, các điều khoản của SOFA cũng quy định hầu như toàn bộ quân Mỹ phải rút khỏi Irắc vào cuối năm 2011. Cả Mỹ và Irắc hiện tôn trọng thời gian biểu này. Mike Mullen khẳng định Tư lệnh quân Mỹ ở Irắc, Tướng Lloyd J. Austin III, đang thúc đẩy kế hoạch rút quân Mỹ đúng hạn. Tuy nhiên, các lãnh đạo quân sự Mỹ cũng nói rõ rằng Mỹ muốn duy trì một lực lượng quân sự với số lượng quân nào đó sau thời hạn rút quân để tiếp tục các nhiệm vụ an ninh và huấn luyện quan trọng ở Irắc.

Một số nhiệm vụ này sẽ được Bộ Ngoại giao Mỹ và các nhà thầu tư nhân đảm nhiệm và theo đó, số nhân viên ngoại giao Mỹ ở Irắc sẽ tăng gấp đôi ngay sau khi quân Mỹ rút hoàn toàn theo thỏa thuận. Tuy nhiên, cả Bộ Ngoại giao Mỹ và các nhà thầu tư nhân đều thiếu khả năng và nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ này, đồng thời dễ bị tổn thương nếu bạo lực chống Mỹ gia tăng ở Irắc.

Ixraen và Arập Xêút cũng cho thấy sự lo ngại của hai nước này về nguy cơ rối loạn tái diễn ở Irắc trong khi Iran lại tỏ ra quá sốt sắng với việc quân Mỹ rút khỏi Irắc càng sớm càng tốt. Tổng thống Mỹ Obama chưa thảo luận khả năng kéo dài thời hạn quân Mỹ ở Irắc còn Quốc hội Mỹ lại chia rẽ về vấn đề này. Các nhà lãnh đạo các đảng chính trị ở Mỹ lắng nghe thận trọng các đề nghị của các quan chức quân sự Mỹ mặc dù yêu cầu đầu tiên về gia hạn thời gian quân Mỹ ở Irắc phải đến từ chính chính phủ Irắc. Trong bối cảnh rối loạn ở các nước láng giềng của Irắc hiện nay, lợi ích của Mỹ là tránh rối loạn ở Irắc. Các lĩnh vực cần sự giúp đỡ của quân đội Mỹ là đào tạo quân đội chuyên nghiệp, cố vấn và đào tạo bổ sung, trợ giúp tác chiến chống khủng bố, phòng không, kiểm soát biên giới và hậu cần.

Khi thăm Irắc đầu tháng 4, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates cũng đã thúc giục Irắc quyết định sớm nếu muốn quân đội Mỹ tiếp tục hiện diện ở Irắc. Tuy nhiên, vẫn có mâu thuẫn đáng chú ý giữa tuyên bố công khai và tuyên bố riêng của các nhà lãnh đạo Irắc về vấn đề này. Lầu Năm góc cho biết các nhà lãnh đạo Irắc khi gặp riêng với Bộ trưởng Gates đã tỏ ý vẫn cần quân đội Mỹ hiện diện để hỗ trợ Irắc trong một số lĩnh vực nhưng sau cuộc gặp, người phát ngôn chính phủ Irắc lại nói rằng Thủ tướng Irắc Nouri al-Maliki đã yêu cầu ông Gates rút tất cả lực lượng Mỹ khỏi Irắc vào cuối năm nay, trừ các binh sĩ làm nhiệm vụ huấn luyện, do sự hiện diện của lực lượng Mỹ không còn thích hợp đối với Irắc. Quân đội và cảnh sát Irắc có đủ sức mạnh để đối phó với mọi cuộc tấn công và khả năng bảo vệ an ninh và ổn định của các lực lượng này đang tăng lên hàng ngày.

Mỹ nhấn mạnh sự khác biệt này cần được giải quyết sớm vì việc gia hạn sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Irắc cần được thương lượng chi tiết để quyết định số lượng quân Mỹ ở lại Irắc, thời gian bao lâu và họ sẽ làm gì. Lầu Năm góc đã dự kiến đẩy nhanh việc rút lực lượng Mỹ ở Irắc vào mùa hè và mùa thu tới. Tư lệnh quân đội Mỹ ở Irắc nhấn mạnh các căn cứ quân sự Mỹ ở Irắc sẽ bị phá hủy nên sẽ rất khó khăn khi tái tạo những gì đã bị phá hủy. Ngoài việc phải thỏa thuận các điều kiện để quân đội Mỹ tiếp tục hiện diện ở Irắc, Mỹ và Irắc cần thương lượng lại SOFA. Quốc hội hai nước cần phê chuẩn SOFA mới trong bối cảnh căng thẳng ngân sách ở Mỹ và tinh thần dân tộc đã lên cao ở Irắc sau khi cuộc nổi dậy lan khắp thế giới Arập.

Anh Tuấn (P/v TTXVN tại LHQ)

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN