Mười bảy ngày thử thách và các giá trị nhân văn

Vậy là đến cuối ngày thứ 17, mọi thứ đã trở nên tốt đẹp. Toàn bộ thành viên của đội bóng "Wild Boars" đã được đưa khỏi hang sâu ở tỉnh Chiang Rai miền Bắc của Thái Lan.

Mười hai em nhỏ và người huấn luyện viên 25 tuổi đã được cứu hộ an toàn khỏi mắc kẹt, dưới độ sâu 700 mét và cách cửa hang 4.000 mét. Và cũng trong từng đó ngày, những giá trị, các biểu tượng của nhân văn được thể hiện rõ nét.

 Phát biểu tại cuộc họp báo kết thúc chiến dịch, ông Norongsak Osottanakorn, người chỉ huy chiến dịch giải cứu, đã thốt lên nghẹn ngào: “Có lẽ tôi sẽ không thể nào cảm ơn hết được tất cả mọi người”.

Chú thích ảnh
Thợ lặn hải quân Thái Lan tham gia chiến dịch giải cứu các thành viên đội bóng thiếu niên mắc kẹt trong hang Tham Luang ngày 7/7. Ảnh: AFP/TTXVN

Vị quan chức này đã thể hiện bản lĩnh của người chỉ huy trong một "trận đánh nhiều rủi ro" và ông đã cho thấy tài lãnh đạo của mình khi biết tập hợp và sử dụng năng lực của các lực lượng cứu hộ khác nhau ở Thái Lan chưa kể các chuyên gia nước ngoài.

Việc khảo sát rồi lên kế hoạch cho cuộc giải cứu là nhiệm vụ nặng nề nhưng việc tổ chức triển khai trên thực tế thành công đó là một kỳ công. Từng bước đó, từng biện pháp triển khai đều được ban chỉ huy chiến dịch cân nhắc rất cẩn thận, lắm lúc khiến nhiều người nôn nóng cảm thấy…khó chịu.

Nhưng khi được triển khai, các bước đi này tỏ ra rất hiệu quả, giúp đem đến thành công cho chiến dịch. Thận trọng và chu đáo, họ đã hành động như vậy.

Sự hy sinh là một giá trị khác phải được nhắc tới. Những người lính tham gia cứu hộ đã nỗ lực lắp đặt và vận hành hệ thống bơm rất lớn để hút nước khỏi hang. Truyền thông ghi nhận được hình ảnh những người lính tham gia cứu hộ ăn vội suất cơm hay ngả lưng ngủ trên nền đất ẩm ướt giữa rừng sau ca cứu hộ mà họ tham gia.

Các chuyên gia cứu hộ hang động quốc tế và đội thợ lặn Thái Lan cũng cho thấy lòng dũng cảm và sự tận tụy. Họ đã phải thực hiện những chuyến đi dài đến 11h đồng hồ trong lòng hang động tối tăm, đầy rẫy hiểm nguy, ngâm mình dưới làn nước đen đặc mà truyền thông Thái Lan từng dẫn lời nói đùa của một thành viên đội cứu hộ là như nước cà phê.

Một số người cũng tình nguyện ở lại cùng các em trong hang để chăm sóc và trấn an các em. Tất cả đều biết rằng, một trận mưa lớn bất chợt hay một sự cố kỹ thuật nào đó, nước lại ào vào và tất cả đều có nguy cơ mất mạng. Nhưng họ đã tiếp tục làm như thế trong nhiều ngày.

Đáng tiếc nhất là trường hợp hy sinh của người cựu đặc nhiệm hải quân Saman Gunnan. Đang làm bảo vệ tại sân bay Suvarnabhumi ở Bangkok, anh đã ngay lập tức tình nguyện tham gia đội thợ lặn cứu hộ ở Tham Luang Nang Non.

Anh là trường hợp thương vong duy nhất trong chiến dịch cứu hộ lịch sử này. Khi anh được đưa về quê an táng, người vợ hiền chỉ nói rằng tôi luôn ủng hộ mọi quyết định của anh ấy vì anh ấy lúc nào cũng muốn làm việc tốt cho mọi người.

Những người nông dân tỉnh Samut Sakhon và Nakhon Phathom cũng đã đem đến đây hệ thống máy bơm khổng lồ Phayanak để tiếp sức. Hệ thống này đã bơm khoảng 200 triệu lít nước ra ngoài suốt những ngày qua.

Họ đã có mặt ở đây vào ngày đầu tiên và sau khi chiến dịch kết thúc, họ đã lưu lại thêm để giúp bơm nước khỏi các cánh đồng của người dân Mae Sai, vốn được các nông dân nghèo này cho phép xả nước từ trong hang ra. Cách những con người bình thường này đối xử với nhau và ý thức về lợi ích cộng đồng của họ quả là đáng khâm phục.

Còn phải kể đến sự đóng góp của các tình nguyện viên đến từ toàn Thái Lan và quốc tế, họ đã tham gia hỗ trợ hậu cần, nấu ăn, phiên dịch và dọn dẹp khu vực cứu hộ.

Người dân Thái Lan đã từng thể hiện tinh thần tình nguyện rất cao trong các sự kiện lớn của đất nước và trong đời thường, trong chiến dịch này cũng đã cho thấy họ biết cách đóng góp các phần công sức của mình, và biết làm những việc tưởng chừng là bình thường nhưng lại có giá trị lớn góp vào thành công của một nỗ lực chung.

Và chúng ta cũng không thể quên sự góp sức của các nhà báo trong chiến dịch này. Họ đã có mặt ở cánh rừng gần hang Tham Luang từ những ngày đầu tiên của chiến dịch, đã lăn lộn cùng lực lượng cứu hộ trên những con đường lầy lồi, chịu đựng sự tra tấn của đàn muỗi rừng trong nhiều này.

Theo ghi nhận của nhà chức trách Thái Lan đã có hơn 1.000 phóng viên trong nước và quốc tế đến đưa tin về chiến dịch này. Họ đã thực hiện sứ mệnh của mình - truyền đi những tin tức về diễn biến chiến dịch, ca ngợi các tấm gương dũng cảm, những hành động nhân văn và chia sẻ cả nỗi đau mất mát.

Mỗi khi những chiếc trực thăng chở người bay từ hang Tham Luang về thành phố Chiang Rai cách đó 70km thì tất cả các nhà báo đều ngẩng mặt lên nhìn với niềm hy vọng về một tin tức tốt lành nào đó.

Không thể nào quên được cảnh tất cả các nhà báo đều vỗ tay hoan hô khi nghe được tin rằng tất cả thành viên của đội bóng thiếu niên đã được đưa ra khỏi hang an toàn. Và cho đến khi ban chỉ huy chiến dịch họp báo lần cuối xong, họ vẫn phải nán lại khu trại tạm ẩm ướt, dưới con mưa đêm và hoàn thành nốt bản tin của mình.

Cuộc cứu hộ ở hang Tham Luang Nang Non đã thành công mỹ mãn. Tất cả những người mắc kẹt đều đã được đưa ra khỏi hang sâu an toàn và tiếp tục được chữa trị các tổn thương thể xác và tinh thần.

Và các giá trị nhân văn được nêu cao trong suốt chiến dịch này có thể sẽ giúp góp phần hàn gắn, điều trị và chữa lành một khiếm khuyết vết thương tâm hồn con người hiện đại - sự ích kỷ và thờ ơ với nỗi đau hay tình cảnh khốn khó của người khác.

Sơn Nam (P/v TTXVN tại Thái Lan)
Các nguyên thủ thế giới hoan nghênh chiến dịch 'thần kỳ' giải cứu đội bóng thiếu nhi Thái Lan
Các nguyên thủ thế giới hoan nghênh chiến dịch 'thần kỳ' giải cứu đội bóng thiếu nhi Thái Lan

Sau khi chiến dịch giải cứu đội bóng thiếu niên Thái Lan thành công tốt đẹp, các nhà lãnh đạo trên khắp thế giới đã đồng loạt lên tiếng chúc mừng và hoan nghênh chiến dịch được coi là “kỳ tích” này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN