Theo tờ Newsweek, mặt trận Kherson đã tương đối yên tĩnh kể từ khi thành phố thủ phủ tỉnh này được Ukraine chiếm lại vào tháng 11/2022. Sông Dnipro rộng và chảy xiết vắt qua đây tạo thành một ranh giới tự nhiên giữa lực lượng Ukraine ở bờ Tây (hữu ngạn sông) và quân Nga đang kiểm soát phía Đông (tả ngạn)
Trong khi các đội quân cơ giới đang đụng độ ác liệt tại các tỉnh Zaporizhzhia, Donetsk và Luhansk ở phía đông, thì các lực lượng dọc hạ lưu sông Dnipro đang chơi “trò mèo vờn chuột” qua sông.
Ukraine tuyên bố đã thành công trong việc thiết lập các khu vực kiểm soát nhỏ tại các khu định cư Krynky, Pishchanivka và Poyma – tất cả đều nằm ở bờ Đông sông Dnipro (bên phía Nga kiểm soát), bất chấp các cuộc phản công liên tục của Nga. Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga qua email để yêu cầu bình luận nhưng chưa nhận được phản hồi.
Hôm 22/11, Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) cho biết lực lượng Kiev vẫn tiếp tục hoạt động, đồng thời trích dẫn báo cáo của các blogger Nga rằng các đơn vị Ukraine đã "mở rộng vùng kiểm soát của họ ở phía tây Krynky", cách thành phố Kherson khoảng 40km về phía Đông Bắc và chỉ 1,6km từ sông Dnipro, "giao tranh đang diễn ra gần khu dân cư này”.
ISW trích dẫn đoạn phim được định vị địa lý về các cuộc tấn công bằng pháo nhiệt áp TOS-1A của Nga vào quân đội Ukraine ở khu vực Krynky, đồng thời lưu ý đến thông tin từ các blogger Nga về các cuộc tấn công mới của Ukraine nhằm vào Poyma – cách thành phố Kherson khoảng 10km về phía Đông và cách sông Dnipro 3km, cũng như Pishchanivka, nằm cách thành phố Kherson 13km về phía Đông và cách sông 3km.
Mục tiêu của Ukraine sau khi vượt sông
Kênh War Gonzo Telegram - do Semyon Pegov, một trong những blogger quân sự nổi tiếng – đã công bố bản đồ chiến trường cho thấy những thành tựu gần đây của Ukrainae và dự đoán mục tiêu chính của Kiev.
“Mục tiêu [của Ukraine] là đến được đường cao tốc M-14”, Pegov viết, đề cập đến con đường nối tất cả các thành phố lớn ở miền Nam Ukraine, từ Odesa ở phía Tây đến Mariupol ở phía Đông. Con đường này chạy qua Kherson và tới thành phố Melitopol đang bị Nga kiểm soát, trước khi men theo bờ biển Azov đến biên giới Nga. Lực lượng Ukraine ở Krynky và Poyma chỉ cách đường cao tốc M-14 chưa đầy 5km.
Con đường này dường như là xương sống của cái gọi là "cầu đất liền" nằm trên lãnh thổ Ukraine, nối Crimea với Nga. Giữ được “cầu đất liền” có lẽ là thành công nổi bật nhất của Nga trong 20 tháng xung đột. Lực lượng của Kiev đã cố gắng tiến vào “cầu đất liền” thông qua mặt trận Zaporizhzhia và Donetsk, nhưng cho đến nay vẫn bị cản trở bởi lực lượng phòng thủ dày đặc của Nga.
Hoạt động tăng cường dọc sông Dnipro có thể gây ra mối đe dọa mới. Pegov viết: “Nếu Ukraine dạt được thành công, Lực lượng vũ trang Nga sẽ gặp vấn đề nghiêm trọng”.
Ivan Stupak - cựu sĩ quan Cơ quan An ninh Ukraine (SBU) và hiện là cố vấn cho ủy ban tình báo, quốc phòng và an ninh quốc gia của Quốc hội Ukraine - nói với Newsweek rằng lực lượng của Kiev đã cố gắng tiến sang bờ Đông của sông trong ít nhất 4 tháng qua.
Ông Stupak nói: “Các hoạt động trước đó đã thất bại; chúng tôi mất rất nhiều binh lính, nhiều binh sĩ thiện chiến, những người lính giàu kinh nghiệm”.
Nhưng giờ đây, Ukraine dường như đã đạt được một số vị trí ở bờ Đông mà nước này có thể tận dụng để tiến công. "Tôi dám chắc chắn rằng chiến dịch này có thể thành công", ông Stupak nói thêm, đồng thời lưu ý rằng có khoảng 300 binh sĩ Ukraine hoạt động ở bờ Đông, hầu hết là lính thủy đánh bộ được huấn luyện bài bản.
Ông nói: “Ít nhất một số thiết bị hạng nặng cũng đã được chuyển sang tả ngạn”, bao gồm cả những cây cầu di động do Đức sản xuất để hỗ trợ việc qua lại bằng đường thủy.
Chuyên gia Stupak cũng nhận định đường cao tốc M-14 là một "mục tiêu tốt", mặc dù ông gợi ý rằng các lực lượng Ukraine trong khu vực có thể có mục tiêu cuối cùng là vượt qua tỉnh Kherson đến tận cảng Skadovsk ở Biển Đen, cắt đứt các lực lượng Nga đang bảo vệ khu vực Mỏm Kinburn. Ông nói thêm rằng bước tiến như vậy sẽ đặt Crimea dưới sự "kiểm soát hỏa lực" của hệ thống HIMARS do Mỹ sản xuất mà Ukraine đang sở hữu.
Ukraine cần làm gì?
Các chuyên gia quân sự cho rằng, để biến thành công nhỏ thành bước đột phá lớn, các lực lượng Ukraine cần phải triển khai thêm binh sỹ ở tả ngạn bằng cách vượt qua con sông rộng lớn và các khu vực đầm lầy đầy thách thức.
Theo nhà phân tích quân sự người Nga, Michael Nacke, nhiệm vụ trước mắt của Ukraine là “cắt đứt các tuyến đường tiếp tế của Nga”. “Để thực hiện nhiệm vụ này họ phải liên tục mở rộng 'đầu cầu' đổ bộ trong bối cảnh Nga đang chịu tổn thất đáng kể ở khu vực Kherson”.
Mặc dù hoạt động của Ukraine ở bờ Đông sông Dnipro đang tiến triển, nhưng lại diễn ra trong điều kiện vô cùng khó khăn vì con sông cũng là trở ngại nghiêm trọng đối với công tác hậu cần. Ukraine không chỉ gặp thách thức trong quá trình điều chuyển nhân sự, phương tiện chiến đấu và trang thiết bị hạng nặng vượt sông mà còn phải chịu hỏa lực dày đặc từ phía Nga. Hơn nữa, do Kiev không có lực lượng tiếp viện nên mọi hoạt động đều rất rủi ro.
ISW cho rằng Ukraine đã đưa được một số lượng nhỏ thiết giáp hạng nặng tới tả ngạn sông Dnipro, với sự hỗ trợ của phương tiện đổ bộ. Nhưng vượt sông luôn là nhiệm vụ cực kỳ khó khăn, ngay cả với những binh sỹ được huấn luyện tốt.
Hoạt động của Ukraine tại bờ Đông sông Dnipro đã gây áp lực lớn cho Nga, buộc Moskva phải chuyển một phần lực lượng dữ trữ tới Kherson và giảm sức chiến đấu ở một số khu vực khác trên mặt trận. Tuy vậy, để mở tuyến đường thẳng tới Crimea, Kiev cần phải triển khai hàng nghìn binh sỹ và phương tiện hạng nặng ở tả ngạn con sông.
Nhà phân tích Mykola Bielieskov của Ukraine cho rằng: “Thách thức lớn đối với Ukraine là đảm bảo hoạt động bền vững của các đơn vị vượt sông. Kiev cần phải có đầy đủ thiết bị bắc cầu và chuẩn bị kỹ lưỡng về mặt hậu cần. Bởi bất kỳ cây cầu tạm nào cũng dễ bị phá hủy trước hỏa lực trên không và trên bộ của Nga nếu Kiev không có các biện pháp ngăn chặn phù hợp”.