Mục đích Mỹ tăng cường hiện diện quân sự ở Đông Âu

Lầu Năm Góc có kế hoạch triển khai một lữ đoàn thiết giáp tới Đông Âu vào tháng 2/2017.

Đây là một phần trong nỗ lực hiện nay của Mỹ nhằm luân chuyển binh lính tại khu vực này để trấn an các đồng minh vốn đang lo ngại về những mối đe dọa mà một nước Nga có thể tạo ra. Có thể nói, hành động này của Mỹ mang tính biểu tượng quan trọng vì xe tăng Mỹ sẽ hiện diện thường trực trở lại trên lãnh thổ châu Âu sau khi đã được rút dần trong hai thập niên kể từ khi Liên Xô trước đây sụp đổ.

Thông qua kế hoạch này, Mỹ muốn răn đe và ngăn ngừa mọi mưu toan tấn công của Nga, sau việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine và lực lượng nổi dậy chiếm cứ một phần lãnh thổ Ukraine. Một số chuyên gia Mỹ còn gợi lên kịch bản là Nga tấn công các nước Baltic để phá tan tính gắn kết của NATO.

Binh lính Mỹ sẽ tiếp tục được triển khai đến các nước Đông Âu.

Lầu Năm Góc và NATO đã đề cập đến việc triển khai luân phiên các lữ đoàn thiết giáp cùng với 4.200 binh lính ở Đông Âu, nhưng không đưa ra lịch trình cụ thể. Việc triển khai này nằm trong một loạt biện pháp được đề ra từ năm 2014 nhằm trấn an các đồng minh Đông Âu như mở các trung tâm hậu cần, đưa các trang thiết bị, chiến đấu cơ đến các quốc gia Baltic hoặc triển khai thêm tàu ở Biển Baltic và Biển Đen. Nữ phát ngôn của Lầu Năm Góc, bà Laura Seal, cho biết việc triển khai lữ đoàn thiết giáp này cùng với các trang thiết bị phục vụ lữ đoàn này sẽ giúp quân đội Mỹ tăng cường khả năng triển khai nhanh chóng các loại vũ khí và lực lượng tới châu Âu. Bà nhấn mạnh: "Đó sẽ là các trang thiết bị hiện đại nhất, và vào năm tới, sẽ thay thế các trang thiết bị huấn luyện lạc hậu mà chúng tôi có ở châu Âu trong những năm qua".

Bộ Quốc phòng Mỹ còn nói rõ thêm rằng 6 quốc gia có liên quan đến kế hoạch triển khai lữ đoàn thiết giáp này là Estonia, Latvia, Litva, Ba Lan, Rumani, Bulgari. Tuy nhiên, Bộ này chưa tiết lộ kế hoạch triển khai cụ thể. Quân đội Mỹ hiện đã có một đơn vị pháo binh Stryker đóng ở Vilseck (Đức), một lữ đoàn không vận ở Vincenza (Italy). Với đơn vị mới vừa được thông báo, quân đội Mỹ có khả năng có nguyên một sư đoàn sẵn sàng chiến đấu. Ngay từ năm ngoái, quân đội Mỹ đã gửi đến châu Âu đầy đủ trang thiết bị của một lữ đoàn thiết giáp, tức là 250 xe tăng, xe bọc thép, súng đại bác. Khoảng 62.000 binh lính Mỹ hiện đóng quân thường trực ở châu Âu.

Các quan chức cho biết quân đội Mỹ sẽ gửi thêm trang thiết bị liên lạc tới châu Âu để hỗ trợ cho các đơn vị đầu não, chẳng hạn như rađiô, máy tính và các trang thiết bị tối cần thiết khác.

Tháng 2/2016, Lầu Năm Góc tuyên bố sẽ chi 3,4 tỷ USD cho ngân sách năm 2017 để tăng cường các hoạt động luân chuyển binh lính và tổ chức các cuộc tập trận ở châu Âu. Kế hoạch này sẽ dẫn đến sự hiện diện thường trực của lữ đoàn thứ ba ở châu Âu, ngoài một đơn vị pháo binh Stryker đóng ở Vilseck (Đức), một lữ đoàn không vận ở Vincenza (Italy).

Bộ trưởng Quốc phòng Latvia, ông Raimonds Bergmamis, đã lên tiếng hoan nghênh quyết định trên của Mỹ, coi đó là minh chứng cụ thể cho chính sách không thay đổi của Tổng thống Mỹ Barack Obama đối với các đối tác Đông Âu của NATO. Ông Bergmamis nhắc lại phát biểu của Tổng thống Mỹ hồi tháng 9/2014 rằng "Tallin, Riga hay Vilnius cũng cần được bảo vệ không kém gì Berlin, Paris hay London".

Trong khi đó, phía Nga liên tục lên tiếng cảnh cáo về sự hiện diện thường trực của lực lượng chiến đấu của các quốc gia NATO ở khu vực giáp giới với Nga. Moskva cho rằng hành động này đi ngược lại hiệp định cơ bản quy định quan hệ Nga - NATO mà hai bên đã ký năm 1997.

Sau khi Nga can thiệp quân sự vào Ukraine và sáp nhập Crimea, các nước Đông Âu lo ngại rằng họ có thể là nạn nhân tiếp theo. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo Nga đã bác bỏ điều đó. Thứ trưởng Quốc phòng Nga Anatoly Antonov phát biểu trên đài phát thanh Deutsche Welle của Đức: "Hiện có những đồn thổi rằng Nga sẽ triển khai xe tăng tới các quốc gia Baltic, tới Sofia hoặc Budapest. Trên thực tế, Nga không hề có ý định hay kế hoạch làm như vậy. Nga không muốn chiến tranh. Vì vậy, đó là những lời đồn thổi nực cười".
TTK
Nga chỉ trích NATO làm trầm trọng thêm tình hình Đông Âu
Nga chỉ trích NATO làm trầm trọng thêm tình hình Đông Âu

Các hành động của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO) củng cố hướng Đông của tổ chức này, trong đó hành động mới nhất là quyết định của Mỹ bố trí thêm tại châu Âu một lữ đoàn thiết giáp, đã làm tình hình an ninh trong khu vực xấu đi nghiêm trọng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN