Diễn đàn "Interpreter" ngày 4/1 đã đăng bài bình luận của Giáo sư Rodger Shanahan, thuộc Viện Nghiên cứu Chính sách Chiến lược Lowy, cho rằng hành động của Saudi Arabia khi hành quyết 47 giáo sỹ có thế lực là mang tính khiêu khích và không phải là một tín hiệu tốt lành cho năm 2016.
Biểu tình tại thủ đô Baghdad, Iraq, phản đối quyết định xử tử Giáo sĩ Nimr al-Nimr của Saudi Arabia ngày 3/1. Ảnh: AFP/TTXVN |
Sau một năm thể hiện mình như một đối thủ Sunni nặng ký trong khu vực, Saudi Arabia đã mở đầu cho một năm mới với tuyên bố hành quyết 47 người trên khắp 12 thành phố, đây là ngày kết án nhiều nhất kể từ năm 1980.
Trong số 47 người bị kết án có 43 người thuộc dòng Sunni và 4 người thuộc dòng Shi'ite. Thế nhưng, trường hợp kết án giáo sỹ dòng Shi’ite Sheikh Nimr al-Nimr lại khiến cộng đồng quốc tế chỉ trích gay gắt nhất.
Vụ việc này bị các giáo sỹ dòng Shi’ite trong khu vực lên án và khiến các trụ sở ngoại giao của Saudi Arabia ở Tehran và Mashhad bị tấn công, phong trào bài Saudi Arabia diễn ra ở nhiều nước có phần đông dân số là người Shi’ite. Ngay cả Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) cũng bày tỏ sự thất vọng về việc kết án và bày tỏ quan ngại về bản chất cũng như tiến trình pháp lý của vụ hành quyết này.
Giáo sỹ Sheikh al-Nimr từ lâu ủng hộ quyền lợi của cộng đồng người Shi'ite ở tỉnh phía Đông của Saudi Arabia và công khai lên tiếng phản đối sự cai trị của gia đình hoàng gia. Ông đi đầu trong các cuộc biểu tình năm 2011 ở tỉnh phía Đông, đặc biệt, thái độ thẳng thắn của ông đã thu hút được sự ủng hộ của giới trẻ dòng Shi'ite. Giáo sỹ Sheikh Nimr được đào tạo tại các cơ sở tôn giáo ở Qum và luôn thể hiện mình như một đại diện cho lợi ích của Iran.
Saudi Arabia cho rằng sự thẳng thắn và ngoan cố của giáo sĩ Sheikh Nimr là mối đe dọa đối với trật tự lãnh đạo ở đất nước này, trong bối cảnh giới lãnh đạo Saudi Arabia đang phải đối mặt với nhiều thách thức an ninh ở trong và ngoài nước.
Họ bị rơi vào thế kẹt trong cuộc chiến giành ảnh hưởng ở khu vực với Iran, còn ở trong nước phải lại đối mặt với áp lực kinh tế đáng kể khi dầu mỏ (vốn đóng góp tới 73% thu nhập của chính phủ) giảm giá mạnh, cộng với đó là cuộc chiến tốn kém và không mang lại nhiều ý nghĩa ở Yemen. Những khó khăn kinh tế này đã ảnh hưởng tới hầu hết người dân do chính phủ cắt giảm đáng kể trợ cấp.
Giới chuyên gia đánh giá Saudi Arabia tử hình giáo sỹ Sheikh Nimr al-Nimr nhằm nhiều mục đích. Đầu tiên là để khẳng định thể chế gia đình trị không cho phép bất đồng chính kiến.
Hai là, kết hợp giữa vụ xử tử giáo sỹ người Shi’ite với việc chống lại tổ chức khủng bố al-Qaeda, Saudi Arabia muốn gửi thông điệp rằng nước này coi chủ nghĩa khủng bố bao gồm cả những người lên tiếng đòi cải cách.
Việc làm này cũng góp phần xoa dịu một số người bảo thủ quan ngại rằng những người Shi’ite chống đối có phần được đối xử nhẹ tay hơn những người Sunni chống đối.
Cuối cùng đây cũng được coi là thông điệp rõ ràng của Saudi Arabia coi cộng đồng người Shi’ite của mình và của các nước láng giềng lân cận nằm ngoài tầm kiểm soát của các cường quốc nước ngoài.
Các vụ hành quyết, được thực hiện nhằm gây ảnh hưởng ở trong nước, là bằng chứng mạnh mẽ hơn cho thấy chế độ gia đình trị tại Riyadh cho rằng mạnh tay với các mối đe dọa an ninh thực sự là cách tốt nhất để nhận được sự ủng hộ từ trong nước.