Một Merkel yếu sẽ đẩy châu Âu vào khó khăn

Dưới đầu đề trên, nhật báo kinh tế tài chính hàng đầu của Italy "Il Sole 24 Ore" đã bình luận về những khó khăn của Thủ tướng Đức Angela Merkel và tác động của điều này đối với châu Âu.

Thủ tướng Angela Merkel. Ảnh: AFP/TTXVN

Sau đây là nội dung bài viết: Cựu Thủ tướng Đức Helmut Kohl đã làm điều này trước bà: "Bơi" ngược dòng để đối đầu với sự phản kháng của Ngân hàng Trung ương Đức, và ông không ngừng lại. Nếu như không có sự dũng cảm ấy, trong đó có việc chấp nhận tỉ giá quy đổi một ăn một giữa đồng mark của Đông Đức và Tây Đức, cuộc thống nhất nước Đức có lẽ chắc chắn vẫn chỉ là một giấc mơ. Trong nhiều năm, và có lẽ mãi mãi là như thế.

Thủ tướng Angela Merkel đã đi theo con đường của bà, đối mặt với cuộc khủng hoảng di cư bằng cách thực hiện chính sách mở cửa cho những người Syria trong một sứ mệnh đạo đức, hơn là chính trị và kinh tế. Bà tin rằng nước Đức có thể chào đón họ "vào nhà" và họ sẽ hòa nhập vào cuộc sống nơi này. Bà nghĩ châu Âu cũng sẽ như thế. Ngay cả thất bại trong cuộc bầu cử khu vực ngày 13/3 vừa qua, đặc biệt là ở Badem-Wurtemberg, cũng không làm thay đổi quan điểm của bà: "Tôi sẽ không thay đổi chính sách. Chúng ta đã có nhiều tiến bộ, nhưng chúng ta thiếu một giải pháp lâu bền. Tôi vẫn tin một cách chắc chắn rằng cần một giải pháp chung trên toàn châu Âu. Nhưng sẽ mất thời gian".

Trong bối cảnh này, sự lạc quan và thiện chí của bà Merkel có thể như một ngọn đèn soi sáng tương lai phía trước cho tất cả, trong đó có cả những người tị nạn. Tuy nhiên, vẫn cần phải thận trọng bởi Merkel không phải là Kohl và bởi nước Đức và châu Âu không còn chia sẻ chung những quan điểm và giải pháp nữa. Cả Đức lẫn châu Âu đều rơi vào khó khăn mà không ai nhận ra nữa, đặc biệt là châu Âu. Thách thức lớn với nữ Thủ tướng Đức đầu tiên trong lịch sử là ở phía châu Âu, chứ không phải là nước Đức, như Kohl đã từng trải qua, và vì thế, thách thức trở nên lớn hơn. Nhưng tính cấp bách của tình hình là như nhau, và Merkel muốn chiến thắng.

Người di cư và tị nạn cố tìm cách vượt sông sang Macedonia từ các trại tị nạn ở khu vực biên giới Hy Lạp-Macedonia ngày 14/3. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong nhiều năm, Liên minh châu Âu (EU) đã tồn tại dưới sự lãnh đạo của nước Đức. Nhờ bà Merkel, EU đã nhiều lần vượt qua những khó khăn tưởng chừng như không thể vượt qua, chẳng hạn như Grexit (Hy Lạp rời khỏi EU). Tuy nhiên, sau thất bại của Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) trong cuộc bầu cử hôm 13/3, đã có một số thay đổi. Mặc dù bà Merkel vẫn tiếp tục ngồi trên ghế Thủ tướng Đức cho tới cuộc bầu cử vào năm tới, song vị thế của bà đang yếu đi chưa từng có và bà sẽ trở nên cô đơn hơn tại châu Âu.

Hơn nữa, điều này xảy ra trong một thời điểm mà tất cả đều nhận thức được sự suy kiệt niềm tin từ bên trong khối EU. Khu vực đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng đến giờ chưa có phương cách chữa trị, với những rắc rối đến từ mọi phía: cuộc khủng hoảng di cư và thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ - thỏa thuận được xem là cứu cánh để giải quyết cuộc khủng hoảng này; tình hình kinh tế ngặt nghèo và lạm phát gia tăng, bất chấp giá dầu thấp và đồng euro yếu; các ngân hàng ở khắp châu Âu đứng trước nguy cơ tái cấu trúc và những điều chỉnh thị trường không chắc chắn dù Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Châu Âu Mario Draghi đã tung ra nhiều biện pháp mạnh mẽ; và đáng chú là cuộc trưng cầu dân ý sẽ được tổ chức ở nước Anh vào tháng 6 này để quyết định xem Anh sẽ ở lại hay rời bỏ EU.

Trong khi ấy, xét ở góc độ của cuộc khủng hoảng di cư, những nỗ lực của bà Merkel không đem lại hiệu quả. Những cuộc thương lượng với phía Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ buộc EU phải trả một cái giá khá đắt về tài chính mà còn đối mặt với tính pháp lí, điều khiến cho nhiều người tin rằng, cuộc họp thượng đỉnh sắp tới giữa EU với Thổ Nhĩ Kỳ sẽ khó đạt được những thành công như mong đợi. Cuộc khủng hoảng không chỉ làm chia rẽ khối Schengen, việc đóng lại con đường Balkan cũng đồng nghĩa với việc "chẹt cổ" Hy Lạp, đẩy Áo và các nước Đông Âu ra xa khỏi quỹ đạo của nước Đức, đồng thời khiến cho trục Đức-Pháp chính thức tan rã.

Tổng thống Pháp Francois Hollande đã lớn tiếng tuyên bố rằng việc miễn thị thực cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 6 tới là điều kiện "không thể chấp nhận được", trong khi việc cung cấp một khoản tài chính lớn cho một quốc gia không hề tôn trọng tự do báo chí và quyền của người thiểu số, đi ngược lại các giá trị cơ bản của hâu Âu là điều "phi lí". Rất nhiều nước đồng ý với quan điểm này của Pháp. Thật khó hình dung nước Đức sẽ thế nào nếu như một ngày tinh thần dân tộc ở nước Đức trỗi dậy mạnh mẽ, người dân phản đối đồng euro và xuất hiện một làn sóng chống chính phủ mạnh mẽ như ở nhiều quốc gia EU khác.

Đây sẽ là sự kết thúc của Hiệp ước Schengen và của một châu Âu mở rộng, không biên giới, điều trái ngược hoàn toàn với những tham vọng của bà Merkel, người muốn làm nên lịch sử, như Helmut Kohl, kiến trúc sư của quá trình thống nhất đất nước và chứ không phải là người sẽ tiêu diệt nó.

TTXVN/Tin Tức
Thách thức mới đối với Thủ tướng Angela Merkel
Thách thức mới đối với Thủ tướng Angela Merkel

Kết quả cuộc bầu cử nghị viện bang ngày 13/3 ở Đức vừa qua đã tạo thêm thách thức cho Thủ tướng Angela Merkel.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN