Thách thức mới đối với Thủ tướng Angela Merkel

Kết quả cuộc bầu cử nghị viện bang ngày 13/3 ở Đức vừa qua đã tạo thêm thách thức cho Thủ tướng Angela Merkel.

Thủ tướng Đức Angela Merkel. Ảnh: AFP/ TTXVN

Kết quả này xuất hiện trong bối cảnh người đứng đầu Chính phủ Đức đang phải đối mặt với hàng loạt khó khăn, đặc biệt trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng người di cư trầm trọng nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2, vốn gây ra nhiều bất đồng trong chính nội bộ nước Đức cũng như trong toàn Liên minh châu Âu (EU).

Tỷ lệ ủng hộ đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) của bà Merkel ở cả ba bang Baden-Württemberg, Rheinland-Pfalz và Sachsen-Anhalt đều sụt giảm mạnh, cá biệt tại bang miền Tây Baden-Württemberg, lần đầu tiên trong lịch sử, CDU để mất vị trí là đảng mạnh nhất vào tay đảng Xanh. Ngay sau cuộc bầu cử, bà Merkel đã phải thừa nhận đây là “một ngày khó khăn với CDU”.

Tuy nhiên, dù thất bại, song với những gì mà nữ Chủ tịch kỳ cựu của CDU từng phải đương đầu trước cuộc bầu cử, nhất là những chỉ trích gay gắt ngay trong nội bộ CDU lẫn các đảng liên minh đối với chính sách nhập cư của bà, thì kết quả trên không phải là điều quá thất vọng. Nhiều nhà quan sát trước đó nhận định phần lớn cử tri sẽ quay lưng lại với CDU.

Một cuộc thăm dò dư luận Đức trước các cuộc bầu cử cho thấy có tới 59% số người được hỏi bày tỏ rất không hài lòng với chính sách của nhà lãnh đạo Đức đối với cuộc khủng hoảng người tị nạn. Trong quá trình tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng người di cư, bà Merkel không chỉ đơn độc ở bình diện châu Âu, mà ngay trong chính nội bộ đảng bảo thủ cũng như liên đảng “kết nghĩa chị em” là Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CSU), luôn có những tiếng nói mạnh mẽ phản đối chính sách giải quyết khủng hoảng mà bà đưa ra.

Sau các cuộc bầu cử, Thủ tướng Merkel nhấn mạnh rằng những bất đồng giữa CDU và CSU vừa qua là điều “thật khó chấp nhận” với cử tri - những người lâu nay vốn một lòng ủng hộ liên đảng bảo thủ. Phát biểu trên đã gián tiếp phê phán sự đối đầu của Chủ tịch CSU Horst Seehofer với chính sách giải quyết khủng hoảng người di cư. Mâu thuẫn của liên đảng bảo thủ có lúc bị đẩy lên mức cao chưa từng có với việc CSU dọa đưa chính phủ ra tòa hoặc đơn phương áp dụng các biện pháp riêng trong trường hợp khẩn cấp để hạn chế người tị nạn vào Đức.

Với Thủ tướng Merkel nói riêng và các chính đảng truyền thống nói chung, một thử thách không nhỏ lúc này là phải đối phó với sự trỗi dậy của đảng có tư tưởng cực hữu “Sự lựa chọn vì nước Đức“ (AfD), một đảng có tư tưởng bài ngoại, hoài nghi đồng euro và mới được thành lập từ năm 2013 song đã giành ghế tại nghị viện 8 bang ở Đức.

Nguy hiểm hơn là tại bang miền Đông Sachsen-Anhalt, AfD đã trở thành đảng mạnh thứ hai, chỉ kém chút ít đảng CDU đứng đầu, song bỏ xa đảng về thứ ba (đảng Cánh tả) tới 8%. AfD nhận được tỷ lệ ủng hộ cao không phải do có đường lối gì xuất sắc mà do lôi kéo được lá phiếu của số cử tri trung dung, những người bất mãn với chính sách của chính phủ, không kể một phần lực lượng có tư tưởng cựu hữu hay phátxít mới ở ba bang này.

Thực trạng trên cũng tương tự như ở Pháp trong các cuộc bầu địa phương cuối năm ngoái khi đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia (FN) có quan điểm chống nhập cư và bài châu Âu bất ngờ giành thắng lợi lớn. Trong khi đó, các chính đảng ở Pháp không có một chiến lược rõ ràng nhằm đối phó với sự trỗi dậy của các tư tưởng cực hữu trong bối cảnh đất nước đang phải đương đầu với nhiều thách thức, như vấn đề an ninh sau các vụ tấn công khủng bố, tỷ lệ thất nghiệp ở mức cao, hay làn sóng người tị nạn vào châu Âu.

Sau các cuộc bầu cử ở ba bang, bà Merkel vẫn khẳng định sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách giải quyết cuộc khủng hoảng người di cư hiện nay, đó là hướng tới một giải pháp toàn châu Âu, trong đó có hợp tác hành động với Thổ Nhĩ Kỳ. Kết quả bầu cử ngày 13/3 là điều mà Thủ tướng Merkel đã lường trước, bởi tiến trình giải quyết cuộc khủng hoảng người tị nạn cho tới nay dường như vẫn đang “giậm chân tại chỗ".

Nữ Thủ tướng Đức từng đặt nhiều kỳ vọng vào hai cuộc gặp thượng đỉnh EU-Thổ Nhĩ Kỳ, song vụ đánh bom ở Ankara hôm 17/2 đã buộc Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu phải hủy bỏ chuyến công du tới Brussels (Bỉ), trong khi tại cuộc gặp ngày 7/3, với vị thế “chiếu trên”, Thổ Nhĩ Kỳ đã bất ngờ đưa ra hàng loạt yêu sách mới khiến EU không thể tìm được ngay câu trả lời chung. Vì thế, mong muốn của bà Merkel ít nhất đạt được một thoả thuận với Thổ Nhĩ Kỳ trước khi diễn ra các cuộc bầu cử nghị viện bang ở Đức đã không thể trở thành hiện thực.

Kiên quyết với chính sách đã chọn, biến các thách thức thành ý chí sắt đá và thậm chí đặt cược tương lai chính trị cá nhân và của CDU vào “canh bạc” người di cư là những gì mà nữ Thủ tướng Merkel đang thể hiện, dù trong nội bộ liên đảng tiếp tục có những tiếng nói yêu cầu CDU phải có sự thay đổi sau thất bại trong các cuộc bầu cử.

Bà đặt niềm tin vững chắc vào hướng đi hiện nay, cách duy nhất để tìm ra một giải pháp bền vững, dù một bộ phận cử tri hoài nghi. Trên thực tế, với bổn phận là một quốc gia đầu tàu châu Âu, Berlin phải tìm kiếm một giải toàn diện cho các vấn đề mà nước Đức nói riêng và châu Âu nói chung đang phải đối mặt.

Mạnh Hùng (P/v TTXVN tại CHLB Đức)
Bầu cử Đức: Thất bại nặng nề với Thủ tướng Merkel
Bầu cử Đức: Thất bại nặng nề với Thủ tướng Merkel

Đảng Liên minh Dân chủ cơ đốc giáo (CDU) của Thủ tướng Đức Angela Merkel đã phải đón nhận thất bại nặng nề ở ba bang, dù vẫn là đảng mạnh nhất tại Sachsen-Anhalt.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN