Người di cư chạy trốn hơi cay do cảnh sát Macedonia sử dụng nhằm ngăn dòng người bạo động đang tìm cách phá hàng rào biên giới ở Idomeni, Hy Lạp. Ảnh: AFP/ TTXVN |
Hôm 2/3, Ủy ban châu Âu (EC) đã quyết định thành lập một cơ chế pháp lý và ngân sách nhằm giúp Liên minh châu Âu (EU) đối mặt với "cuộc khủng hoảng nhân đạo sâu rộng". Điều này cho thấy EC chính thức thừa nhận châu Âu đang tham dự vào cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn đầu tiên trên lãnh thổ của mình.
Nó được minh chứng bằng những gì đang diễn ra tại Hy Lạp với 25.000 người tị nạn và nhập cư đang phải chôn chân ở đây trong những điều kiện vô cùng khốn khổ do Cộng hòa Macedonia đóng cửa biên giới và sử dụng hơi cay để đối phó với người di cư.
Như vậy, đây là lần đầu tiên EU sẽ triển khai một chiến dịch nhân đạo ngay tại châu lục của mình. Một nguồn tin châu Âu xác nhận EU có thể tận dụng được kinh nghiệm và kỹ năng thực hiện ngoài châu lục, tại các chiến dịch nhân đạo ở Nam Sudan, Syria hay tại các quốc gia bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Ebola.
Nhằm đối phó với làn sóng từ 2.000-3.000 người nhập cư mỗi ngày đến từ Thổ Nhĩ Kỳ, chính phủ Hy Lạp đã đưa ra một kế hoạch hành động nhân đạo với ước tính cần một khoản hỗ trợ tài chính khoảng 500 triệu euro. Trong giai đoạn 2016-2018, Ủy ban châu Âu quyết định chi 700 triệu euro để hỗ trợ cho các quốc gia tuyến đầu nhưng không đề cập đến số tiền cụ thể sẽ chi cho Hy Lạp.
Trong năm nay, EC sẽ sử dụng 300 triệu euro sẵn có trong quỹ khẩn cấp hiện có nhưng không hề được dự trù cho việc này (quỹ cho tị nạn và nhập cư – AMIF và quỹ cho an ninh nội bộ - ISF). Do đó, cần phải lập một nguồn quỹ mới trong khuôn khổ sửa đổi ngân sách EU sẽ được đưa ra trong 2 tuần nữa.
Cơ chế nhân đạo nội bộ EU sẽ cho phép áp dụng các tiến trình nhanh hơn cơ chế đang vận hành, tức là áp dụng tại các quốc gia chậm phát triển hay các chiến dịch đối với các tổ chức đặc biệt của Liên hiệp quốc, các tổ chức phi chính phủ nhân đạo hay các cơ quan đặc biệt của các quốc gia thành viên, với khả năng tài trợ 100% chứ không phải triển khai quỹ của quốc gia liên quan.
"Các nguồn tài chính hỗ trợ sẽ được sử dụng để mua các nhu yếu phẩm như lương thực, thực phẩm, thuốc, dụng cụ y tế hay giáo dục. Ngoài ra, có thể phân phát phiếu mua hàng nhằm góp phần vào thương mại địa phương", ủy viên châu Âu phụ trách viện trợ nhân đạo Christos Stylianidis tuyên bố với báo giới hôm 2/3.
Do ngân sách của EU chỉ được giới hạn trong 7 năm (2014-2020) nên vấn đề đặt ra hiện nay là liệu các ngân sách khác có được sử dụng để đảm bảo cho nhu cầu mới này không. Theo lãnh đạo EC, ngân sách nhân đạo bên ngoài sẽ không bị ảnh hưởng, tuy nhiên họ phải tìm kiếm nguồn ngân sách không sử dụng để chi cho cuộc khủng hoảng nhân đạo này.
Mong muốn của châu Âu hiện nay là sử dụng nguồn vốn mới để giảm dần người di cư ở Hy Lạp bằng cách xóa bỏ mong muốn ở lại Thổ Nhĩ Kỳ, vượt biển Aegean để vào châu Âu. Tuy nhiên, điều mà EU đang cần nhất hiện nay là các quy tắc Schengen được tôn trọng, các điểm nóng và việc tái bố trí người nhập cư đều hoạt động. Và đó là cách lục địa giàu có nhất trên thế giới cần tự tổ chức để quản lý theo cách ở Lebanon hoặc Nam Sudan nhằm tạo ra sự gắn kết nội khối.