Vừa bước sang tháng thứ 20, cuộc chiến ở Ukraine vẫn là tâm điểm chú ý hàng đầu của các cường quốc phương Tây, vốn đang tìm cách giúp Kiev chống lại Moskva.
Tuy nhiên, cùng lúc đó, căng thẳng đã leo thang ở một khu vực khác của châu Âu vốn vẫn rất bất ổn sau khi xung đột nổ ra vào những năm 1990.
Các nhà phân tích bày tỏ lo ngại rằng mối quan hệ giữa Serbia và Kosovo ngày càng trở nên thù địch trong những tháng gần đây. Bạo lực bùng phát ở miền Bắc Kosovo vào tháng 9 và Serbia đáp trả bằng cách tăng cường hiện diện quân sự ở biên giới với nước láng giềng.
Hiện có những lo ngại rằng mối bất ổn ở khu vực Đông Nam châu Âu này có thể dẫn đến một cuộc xung đột vũ trang tiếp theo, trong khi thế giới đang dồn sự chú ý vào cuộc chiến ở Ukraine.
Với bối cảnh chính trị và an ninh hiện tại, các nhà phân tích cho rằng bùng phát bạo lực ở miền Bắc Kosovo sẽ gióng lên hồi chuông cảnh báo nghiêm trọng.
Hai nhà nghiên cứu chính sách cấp cao Engjellushe Morina và Majda Ruge tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu (ECFR), nhận định: “Giải quyết tranh chấp giữa Kosovo và Serbia không còn chỉ là vấn đề chính trị mà là vấn đề an ninh nghiêm trọng đối với khu vực và châu Âu”.
Theo hai nhà nghiên cứu trên, đối với Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), lựa chọn hiện nay không còn là giữa thất bại và thành công của cuộc đối thoại, mà là giữa ổn định và leo thang bạo lực. Vế thứ hai rất có thể xảy ra.
Đối đầu công khai
Sự đối địch âm ỉ kéo dài giữa Serbia và Kosovo đã chuyển thành đối đầu công khai ở miền Bắc Kosovo trong những tháng gần đây.
Phía Bắc Kosovo, giáp Serbia, tập trung đa số người dân tộc Serb, trong khi cả khu vực có khoảng 93% là người dân tộc Albania. Serbia không công nhận Kosovo là một quốc gia độc lập.
Điểm bùng phát quan trọng gần đây là cuộc bầu cử địa phương vào đầu năm nay đã chứng kiến người dân tộc Albania đắc cử tại một số đô thị ở miền Bắc Kosovo. Kết quả đó đã gây ra sự phẫn nộ trong cộng đồng người Serb trong khu vực. Những người đã tẩy chay cuộc bỏ phiếu trên cho rằng yêu cầu quyền tự chủ nhiều hơn của họ đã không được đáp ứng.
Căng thẳng tiếp tục gia tăng hơn vào mùa hè và bùng phát vào cuối tháng 9. Tại thời điểm đó đã xảy ra vụ đấu súng giữa một nhóm người Serb được trang bị vũ khí hạng nặng và lực lượng cảnh sát đặc biệt Kosovo ở làng Banjska, khiến một sĩ quan cảnh sát và ba tay súng thiệt mạng.
Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã có sứ mệnh gìn giữ hòa bình ở Kosovo từ năm 1999 sau cuộc xung đột đẫm máu giữa người dân tộc Albania phản đối người dân tộc Serb và chính phủ Nam Tư năm 1998. Liên minh quân sự này đã phản ứng với sự cố hồi tháng 9 bằng cách triển khai thêm quân gìn giữ hòa bình tới khu vực, trong khi Serbia tăng cường hiện diện quân sự dọc biên giới với Kosovo.
Như Nhà Trắng mô tả, động thái này đã khiến giới chức Mỹ và châu Âu lo ngại sâu sắc về tình trạng bạo lực, cũng như việc tăng cường lực lượng quân sự “chưa từng có” ở đó.
Serbia phủ nhận việc tăng cường huy động quân sự gần biên giới Kosovo và cho biết họ không có ý định xâm lược nước láng giềng. Tuy nhiên, đầu tuần này, các quan chức quân sự cấp cao của Serbia cho biết lượng binh sĩ dọc biên giới đã giảm một nửa xuống còn khoảng 4.500 người. Qua đó, thừa nhận họ đã tăng cường hiện diện quân sự lên gấp đôi sau vụ bạo lực ở Banjska.
Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic cũng tìm cách trấn an phương Tây. Ông nói với tạp chí Financial Times rằng ông không có ý định ra lệnh cho lực lượng quân sự vượt biên giới vào Kosovo và điều này sẽ phản tác dụng đối với tham vọng gia nhập EU.
Bất chấp những lời cam đoan của nhà lãnh đạo Serbia, nhiều nhà phân tích quốc phòng cho rằng tình hình trong khu vực giống như một hộp mồi lửa, có khả năng bùng cháy chỉ bởi một tia lửa nhỏ nhất.
Ông Ian Bremmer, người sáng lập tổ chức tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group, nhận định: “Từ không có cuộc chiến tranh nào ở châu Âu, chúng ta có thể hình dung sẽ sớm xảy ra hai cuộc chiến tranh”.
Ông ví những căng thẳng này giống như cuộc xung đột bùng phát chớp nhoáng giữa Armenia và Azerbaijan gần đây. Căng thẳng đã lên đến đỉnh điểm vào tháng trước khi quân đội Azerbaijan chiếm giữ khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh trong một cuộc tấn công nhanh chóng với rất ít sự can thiệp từ bên ngoài.
Hai nhà phân tích Engjellushe Morina và Majda Ruge tại tổ chức cố vấn ECFR cho biết vào tuần trước rằng các vụ bạo lực ở phía Bắc đã làm suy yếu quá trình đối thoại vốn đã khó khăn giữa Serbia và Kosovo trong năm qua.
Họ lưu ý rằng Tổng thống Vucic mô tả vụ bạo lực mới nhất ở miền Bắc Kosovo là hành động phản kháng hợp pháp của người Serbia địa phương, nhưng loại và số lượng vũ khí thu giữ được cho thấy đây là một hoạt động chiến đấu phối hợp lớn hơn nhằm mục đích gây bất ổn cho khu vực.
Tình hình rối ren
Kosovo không có biển, bao quanh là Serbia, Bắc Macedonia, Albania và Montenegro. Nơi đây đã trở thành tâm điểm của căng thẳng sắc tộc ở vùng Balkan suốt nhiều thế kỷ, nhưng sự tan rã của liên bang xã hội chủ nghĩa Nam Tư vào năm 1992 đã dẫn đến một trong những cuộc xung đột xung đột chết người nhất gần đây của châu Âu.
Căng thẳng giữa Serbia và người dân tộc Albania lên đến đỉnh điểm trong cuộc chiến tranh Kosovo năm 1998 giữa các lực lượng Nam Tư, do Serbia lãnh đạo, và một nhóm nổi dậy Kosovo-Albania phản đối chính quyền Serbia và các chính sách áp bức của thủ lĩnh người Serb Slobodan Milosevic.
Hàng trăm nghìn người Albania ở Kosovo đã phải di dời do xung đột và nhiều tội ác chiến tranh do cả hai bên gây ra.
Xung đột kết thúc khi NATO can thiệp vào năm 1999, tiến hành các cuộc không kích vào lực lượng vũ trang Nam Tư cho đến khi họ rút khỏi Kosovo. Chiến dịch ném bom trên không của NATO vẫn còn gây tranh cãi cho đến ngày nay mặc dù đã đưa cuộc chiến tranh đó đến hồi kết.
Kosovo tuyên bố độc lập khỏi Serbia vào năm 2008 - một tuyên bố mà Serbia bác bỏ - và căng thẳng đã âm ỉ kể từ đó.
Tuy nhiên, Serbia có nguyện vọng gia nhập EU và không muốn gây nguy hiểm cho mục tiêu này hoặc gây phản ứng trực tiếp từ NATO. Ông Andrius Tursa, cố vấn về Trung - Đông Âu tại công ty tư vấn rủi ro Teneo, lập luận: “Một cuộc tấn công quân sự trực tiếp của quân đội Serbia vào miền Bắc Kosovo là rất khó xảy ra do sự hiện diện của lực lượng gìn giữ hòa bình NATO và nguy cơ bị phương Tây trừng phạt vì hành động đó”.
“Ngoài nhu cầu giảm leo thang cấp bách, triển vọng về một giải pháp bền vững hơn cho cuộc xung đột lâu dài giữa hai bên là rất mờ mịt, đặc biệt là khi các nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa dân tộc như Tổng thống Serbia Vucic và Thủ tướng Kosovo Albin Kurti vẫn nắm quyền”, ông Tursa nói.
Ông nói thêm rằng một thỏa thuận hồi đầu năm nhằm bình thường hóa quan hệ cho đến nay đã tỏ ra không hiệu quả. Dường như không bên nào sẵn sàng thỏa hiệp về các vấn đề cơ bản như chủ quyền của Kosovo và quyền lợi của các dân tộc thiểu số ở miền Bắc Kosovo.