Tuy nhiên, đây không phải là những chú dê bình thường, loài động vật móng guốc này đang trở thành “vũ khí” mới của California trong cuộc chiến chống cháy rừng và chúng đang được chăn thả rộng rãi trên khắp bang.
Ông Michael Choi, Giám đốc điều hành Fire Grazers, doanh nghiệp chuyên cho thuê dê dọn bụi cỏ ở các sườn đồi và những địa hình khó tiếp cận, cho biết công ty có 700 con dê và gần đây họ đã phải mở rộng đàn để đáp ứng nhu cầu tăng cao.
“Chúng tôi được đón nhận rất tích cực ở bất kỳ nơi nào. Tôi nghĩ khi mọi người nhận thức rõ hơn về ý tưởng và tác động đến môi trường, họ sẽ có ý thức hơn về những phương pháp bảo vệ cảnh quan khỏi hỏa hoạn. Vì vậy, chắc chắn có nhu cầu lớn hơn và đó là xu hướng ngày càng tăng”, ông nói.
California đã trở thành tâm điểm của cuộc chiến chống cháy rừng, khi các vụ cháy ngày càng trở nên thường xuyên, có sức tàn phá mạnh hơn và quy mô lớn hơn kể từ năm 1980. Năm 2021, California phải đối mặt với tình trạng hỏa hoạn chưa từng có. Theo CalFire (Sở Lâm nghiệp và Phòng cháy chữa cháy California, cơ quan cứu hỏa của bang), chỉ riêng một đám cháy đã thiêu rụi hơn 3.885 km2 rừng.
Mùa cháy rừng năm 2022 có mức độ tàn phá nhẹ nhàng hơn khi trên 1.214 km2 đã bị thiêu rụi so với mức trung bình 5 năm là 9.307 km2. Năm nay, tháng 8 mát mẻ và ẩm ướt hơn mức trung bình ở California, nhưng trên 1/4 triệu hecta rừng đã bị đốt cháy và khiến 4 người thiệt mạng.
Nghiên cứu cho thấy các yếu tố - như điều kiện nóng hơn, khô hơn do biến đổi khí hậu - là nguyên nhân chính làm tăng nguy cơ và mức độ nghiêm trọng của các vụ cháy rừng. Tuy nhiên, các nghiên cứu khác cho rằng quản lý đất đai đóng vai trò quan trọng, vì việc tích tụ cây chết và bụi cây khô sẽ tạo ra nguồn nhiên liệu nguy hiểm dẫn đến những đám cháy lớn và nghiêm trọng.
Trong bối cảnh đó, các nhà quản lý đất đai thường sử dụng thuốc diệt cỏ và lao động thủ công để dọn các bụi cây khô. Tuy nhiên, các cơ quan và giới chức thành phố cũng đang thử nghiệm nhiều phương pháp khác bền vững và tiết kiệm chi phí hơn - chẳng hạn như sử dụng dê.
Bà Karen Launchbaugh, Giáo sư sinh thái học tại Đại học Idaho, người đã thực hiện nhiều nghiên cứu về việc chăn thả cừu, dê và gia súc, cho biết: “Dê đặc biệt hữu ích ở những nơi như California và Địa Trung Hải, những nơi có nhiều bụi rậm. Dê làm rất tốt công việc đó, chúng có miệng phù hợp và là loài ăn cây bụi”.
Không giống như các loài động vật móng guốc khác, dê có miệng hẹp và sâu, cho phép chúng ăn có chọn lọc các bụi cây thân gỗ. Chúng cũng có thể đứng bằng 2 chân sau để gặm cỏ ở độ cao trung bình 2m, đồng thời có lưỡi và môi rất linh hoạt. Bà Launchbaugh cho biết thêm: “Chúng cũng có khả năng giải độc các hợp chất và vì vậy chúng có thể ăn thực vật có độc”.
Bà Launchbaugh nói rằng bà nhận thấy nhiều quan chức thành phố và người quản lý đất đai đã cởi mở hơn trong nỗ lực tận dụng dê như một phương pháp mới để giảm thiểu nguy cơ cháy rừng.
“Tôi rất phấn khích vì khi bắt đầu nghiên cứu vấn đề này, chúng tôi không biết nó sẽ đi đến đâu. Và giờ đây, có đủ công việc cho những người kiếm sống bằng nghề chăn thả. Các thành phố cũng sẵn sàng trả tiền cho công việc đó bởi họ biết điều đó tạo nên sự khác biệt”, bà nói.
Dê có đặc tính háu ăn. Chúng thường ăn cỏ dại, bụi rậm, lá rủ thấp và bụi cây khô – tất cả đều là nhiên liệu gây hỏa hoạn. Trong hướng dẫn ứng phó với cháy rừng của California, giới chức khuyến cáo người dân loại bỏ tất cả thảm thực vật chết và cắt cỏ xuống còn 10cm – công việc mà một con dê có thể thực hiện dễ dàng, nhiệt tình và không cần phải nhắc nhở. Dê cũng có thể thoải mái ăn cỏ trong nhiệt độ 37,7 độ C trở lên và leo lên các sườn núi dốc mà người lao động khó tiếp cận.
“Dê là loài leo núi bẩm sinh. Chúng có thể leo lên những ngọn đồi dốc mà không gặp vấn đề gì. Chúng len lỏi vào mọi vách đá mà con người rất khó tiếp cận và chúng ăn hầu hết mọi thứ”, ông Choi nói.
Tại Glendale, thành phố thuộc quận Los Angeles, 300 con dê đang làm việc chăm chỉ trên rặng núi Verdugo, dọn sạch 5,6 ha trong suốt hai tuần. Thành phố này được xếp vào loại khu vực “có nguy cơ hỏa hoạn rất cao”. Để giảm thiểu rủi ro, ông Patty Mundo, thanh tra quản lý thực vật của Sở cứu hỏa Glendale, đã sử dụng đàn dê của ông Choi từ năm 2018. Mục đích là tạo vùng đệm giữa các ngôi nhà và không gian đất trống để nếu xảy ra hỏa hoạn, ngọn lửa sẽ không lan nhanh và ngăn chặn hoàn toàn đám cháy bùng phát. Vùng đệm giúp bảo vệ nhà cửa khỏi hỏa hoạn rất quan trọng ở bang có trên 60.000 cộng đồng có nguy cơ cháy rừng.
Ở Tây Sacramento, ông Jason Puopolo, Giám đốc điều hành công viên của thành phố, cho biết họ đã sử dụng dê từ năm 2013 như một phương pháp sáng tạo và bền vững với môi trường, giúp quản lý tốt hơn việc giảm nhiên liệu cháy.
Ông Puopolo cho biết lợi ích lớn nhất là giảm rủi ro và thương tích tiềm ẩn tại nơi làm việc ở những khu vực khó tiếp cận. Khu vực Tây Sacramento có những con đê dốc và nhiều rừng rậm. Người lao động có nguy cơ cao bị thương ngay cả khi trượt ngã.
Sự chăm chỉ của những chú dê đã được đền đáp xứng đáng. Lực lượng cứu hỏa thành phố đã ghi nhận đàn dê đã giúp ngăn chặn một trận hỏa hoạn năm 2022, cứu được một khu dân cư.
“Trưởng đội cứu hỏa cho biết nếu đàn dê không dọn cỏ trong cánh đồng trước đó thì đám cháy có thể còn tồi tệ hơn rất nhiều. Nhờ đàn dê gặm bụi cây trong khu vực cao tới 10 cm, nên đội cứu hỏa đã có thể nhảy vào ngọn lửa và cứu các căn hộ”, Puopolo nói. Ông cho biết dê cũng rất hữu ích trong việc kiểm soát các loài xâm lấn, chẳng hạn như cây mù tạt đen.
Sử dụng dê để dọn cỏ đã trở thành thói quen từ hàng thế kỷ trước ở các nước châu Âu như Italy, Hy Lạp và Tây Ban Nha. Một nghiên cứu về mức độ hiệu quả của việc chăn thả dê ở Địa Trung Hải trong việc ngăn chặn hỏa hoạn cho thấy đây có lẽ là biện pháp hợp lý nhất về mặt sinh thái để ngăn chặn cháy rừng. Mặc dù phương pháp này mới xuất hiện ở California, nhưng các thí nghiệm thu hút động vật móng guốc tham gia phòng chống hỏa hoạn đã diễn ra trong hơn 1 thập kỷ.