Liên bang Nga chiếm ưu thế ra sao trong cuộc đua thống trị Bắc Cực?

Bắc Cực đang trở thành chiến trường địa chính trị mới, nơi các cường quốc cạnh tranh ảnh hưởng và khai thác tài nguyên. Trong cuộc đua này, Liên bang Nga đang chiếm ưu thế với mạng lưới căn cứ quân sự vững chắc, đội tàu phá băng hùng hậu và tuyến hàng hải chiến lược giúp rút ngắn hành trình thương mại toàn cầu. 

Chú thích ảnh
Tàu phá băng của Nga hoạt động ở Bắc Cực. Ảnh: Sputnik

Theo Wall Street Journal, Bắc Cực đang trở thành một điểm nóng địa chính trị mới, nơi các cường quốc toàn cầu đang tranh giành ảnh hưởng và lợi ích chiến lược. Trong bối cảnh này, Nga đang cho thấy những bước tiến đáng kể, xây dựng một vị thế ngày càng vững chắc tại khu vực địa lý quan trọng.

Theo các nhà nghiên cứu, Bắc Cực đang nóng lên nhanh gấp gần bốn lần so với phần còn lại của hành tinh. Hiện tượng này, được gọi là "sự mở rộng Bắc Cực", đang mở ra những cơ hội mới về giao thông và khai thác tài nguyên. Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) cho biết diện tích băng biển đã giảm từ hơn 4,3 triệu km vuông năm 1979 xuống còn 2,7 triệu km vuông vào năm 2024 - một diện tích tương đương với Argentina.

Lợi thế quân sự với mạng lưới căn cứ chiến lược

Nga đã khôi phục và mở rộng mạng lưới căn cứ quân sự tại Bắc Cực một cách nhanh chóng và hiệu quả. Căn cứ Nagurskoye là minh chứng rõ nét nhất. Được trang bị hệ thống phòng không S-300 và hệ thống tên lửa chống hạm Bastion, căn cứ này có thể tiếp nhận máy bay chiến đấu và máy bay ném bom chiến lược có khả năng mang vũ khí hạt nhân. Với khả năng đồn trú 150 binh sĩ trong điều kiện nhiệt độ xuống đến -30°C, đây là một điểm tựa quân sự quan trọng.

Rob Huebert, quyền Giám đốc của Trung tâm Nghiên cứu Quân sự, An ninh và Chiến lược tại Đại học Calgary (Canada), nhấn mạnh rằng sự thù địch gia tăng đang thúc đẩy Nga và NATO quay trở lại triển khai quân sự tại khu vực.

Bên cạnh đó, sự cô lập quốc tế sau cuộc xung đột với Ukraine đã thúc đẩy mối quan hệ chặt chẽ giữa Nga và Trung Quốc tại Bắc Cực. Hai quốc gia này đã tiến hành các hoạt động quân sự chung, bao gồm: các cuộc tuần tra chung, các chuyến bay chung của máy bay ném bom gần Alaska cùng hợp tác sâu rộng trong các dự án năng lượng và khai thác tài nguyên.

Ưu thế về tàu phá băng

Trong khi Mỹ chỉ có ba tàu phá băng, trong đó một tàu đã 50 năm tuổi, Nga sở hữu tới 30 tàu phá băng, nhiều trong số đó chạy bằng năng lượng hạt nhân. Những con tàu này không chỉ mạnh mẽ về sức mạnh công nghệ mà còn có thể hoạt động lâu hơn và hiệu quả hơn trên các vùng biển băng giá.

Với những lợi thế trên, Bắc Cực đang mang lại những giá trị kinh tế ấn tượng khi chiếm 10% GDP, 17% doanh số bán dầu và 80% sản lượng khí đốt tự nhiên cùng 33% tổng sản lượng đánh bắt cá của Nga. 

Tuyến đường biển mới: Lợi thế logistic

Tuyến đường biển phía Bắc của Nga giúp kết nối giữa Thượng Hải (Trung Quốc) và Rotterdam (Hà Lan) có thời gian di chuyển ngắn hơn khoảng hai tuần so với tuyến qua Kênh đào Suez. Số lượng tàu thương mại sử dụng tuyến này đã tăng từ 631 tàu năm 2014 lên 1.300 tàu vào năm 2024.

Nga đã tuyên bố chủ quyền với các nguồn tài nguyên chưa được khai thác dưới đáy biển Bắc Cực. Quân đội Nga đang thu thập bằng chứng địa lý để chứng minh rằng dãy núi ngầm Lomonosov là một phần lãnh thổ của Nga, một khu vực được cho là giàu dầu mỏ và khí đốt.

Có thể thấy, với các chiến lược đa chiều, Nga đang nhanh chóng khẳng định vị thế thống trị tại Bắc Cực. Sự hợp tác chặt chẽ với Trung Quốc, lợi thế về cơ sở hạ tầng, quân sự và tiềm năng kinh tế đang giúp Moskva gia tăng ảnh hưởng tại khu vực then chốt này.

Công Thuận/Báo Tin tức (Theo wsj.com)
Đan Mạch tăng chi tiêu quốc phòng ở Bắc Cực
Đan Mạch tăng chi tiêu quốc phòng ở Bắc Cực

Hôm qua, Đan Mạch cho biết sẽ chi hơn 2 tỷ USD để tăng cường sự hiện diện quân sự của nước này ở Bắc Cực, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump bày tỏ sự quan tâm trong việc kiểm soát Greenland, một lãnh thổ tự trị của Đan Mạch.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN