Thoả thuận ngừng bắn – trao trả con tin giữa Israel và Hamas chuẩn bị đi vào thực thi, mở ra hi vọng mới cho cả hai bên về tương lai tươi sáng hơn, nhưng đây cũng là lúc nhìn lại những mất mát và khổ đau mà cuộc xung đột để lại để quyết tâm hơn trong xây dựng hoà bình bền vững.
Nội các Israel đã phê chuẩn thoả thuận ngừng bắn – trao trả con tin với ba giai đoạn thực thi. Trong giai đoạn đầu kéo dài 42 ngày, Hamas sẽ trả tự do cho 33 con tin Israel để đổi lấy 1.890 người Palestine bị giam giữ. Bên cạnh đó, 600 xe tải cũng được phép tiếp cận Dải Gaza mỗi ngày, trong đó có 50 xe chở nhiên liệu, nhằm giải quyết tình hình nhân đạo ngày càng trầm trọng tại vùng lãnh thổ này. Đồng thời, quân đội Israel sẽ rút dần khỏi khu vực và tạo điều kiện cho viện trợ nhân đạo quốc tế được đưa vào Dải Gaza.
Giai đoạn thứ hai của thỏa thuận dự kiến bắt đầu sau ngày thứ 16 của lệnh ngừng bắn. Nội dung chính sẽ tập trung vào đàm phán về việc chấm dứt xung đột một cách toàn diện, rút toàn bộ lực lượng vũ trang Israel khỏi Dải Gaza và thả tự do cho những con tin còn lại. Giai đoạn ba sẽ bao gồm việc trao trả thi thể các con tin đã tử vong và triển khai các chương trình tái thiết quy mô lớn tại Gaza, nơi đã chịu nhiều tổn thất nghiêm trọng do xung đột.
Cuối cùng, những nỗ lực của các nhà trung gian hoà giải, gồm Mỹ, Qatar và Ai Cập đã được đền đáp khi Israel và Hamas không chỉ giải quyết được những bất đồng vào phút chót mà cũng đã đặt bút ký thoả thuận ngừng bắn – trao trả con tin. Cả người dân Gaza và Israel đều đổ ra đường phố ăn mừng.
Quả thực, khi có hiệu lực, thoả thuận này sẽ giúp dừng giao tranh ở Gaza, tăng cường hỗ trợ nhân đạo cho thường dân Palestine và tạo điều kiện để các con tin Israel đoàn tụ với gia đình của họ sau 15 tháng bị giam giữ. So với thoả thuận ngừng bắn – trao trả con tin lần đầu đạt được vào tháng 11/2023, thỏa thuận đạt được lần này có ý nghĩa quan trọng hơn nhiều, bởi nó đem lại kỳ vọng về sự tồn tại của một lệnh ngừng bắn lâu dài và toàn diện ở khu vực vốn luôn nóng bỏng.
Trước hết, thoả thuận này có thể giúp chấm dứt cuộc chiến đã tàn phá Dải Gaza, vốn làm suy yếu nghiêm trọng phong trào kháng chiến vũ trang Hamas và đẩy gần như tất cả người dân Palestine trong vùng đất ven biển này trở thành "vô gia cư" khi phải đi “lang thang vô định” ngay chính trên quê hương mình. Bên cạnh đó, thoả thuận sẽ giúp mở ra triển vọng nối lại quá trình đàm phán Israel - Palestine về một giải pháp hai Nhà nước để phá vỡ bế tắc trong việc tìm giải pháp hợp lý, công bằng và bền vững cho cuộc khủng hoảng vốn đã kéo dài nhiều thập niên qua.
Ngoài ra, thoả thuận còn có thể làm giảm bớt căng thẳng trên toàn khu vực Trung Đông, nơi cuộc chiến Israel - Hamas đã kích hoạt phản ứng dây chuyền từng dẫn đến xung đột vũ trang dữ dội ở Bờ Tây, Liban và ở chừng mực nào đó tại cả Syria, Yemen và Iraq, đồng thời làm dấy lên lo ngại về một cuộc chiến tranh toàn diện với những hậu quả khôn lường. Nếu nhìn ở khía cạnh này, thỏa thuận cũng có thể giúp mở ra một cục diện mới ở Trung Đông, trong đó xu hướng thương lượng nhượng bộ lẫn nhau sẽ chiếm ưu thế hơn việc dùng vũ lực để giải quyết xung đột.
Ngoài bất đồng công khai vào phút chót, thoả thuận lần này được nhìn nhận là diễn ra tương đối thuận lợi cùng với những thay đổi về bối cảnh lớn trong khu vực cũng như trên thế giới mang tới những “điều kiện chín muồi” cho việc ngừng bắn – trao trả con tin.
Thứ nhất là việc cả Israel và Hamas đều thấy đây là thời điểm cần phải ngừng bắn.
Đối với Israel, việc trả đũa toàn diện Hamas và làm suy yếu đáng kể cả Iran lẫn Hezbollah đã đưa đến cục diện mới ở Trung Đông có lợi cho nước này. Mặc dù vậy, Israel cũng chỉ mới thực hiện được một nửa cam kết là "trừng phạt đích đáng Hamas", chứ chưa "đưa được toàn bộ con tin về nhà" như Thủ tướng Benjamin Netayahu nhiều lần tuyên bố. Đây chính là điều khiến người dân Israel vẫn chưa thể hài lòng và tiếp tục gây áp lực lớn lên chính phủ. Ngoài ra, dù chiến thắng quân sự của Israel có to lớn đến đâu thì về lâu dài, Israel cũng khó có thể trở nên yên bình và an toàn hơn, bởi "bạo lực sẽ sinh bạo lực", vấn đề chỉ là sớm hay muộn.
Về phía Hamas, cuộc tập kích táo bạo vào Israel ngày 7/10/2023 tuy mang lại cho họ tiếng vang, nhưng cuộc chiến ở Gaza đã làm phong trào này bị tổn thương nghiêm trọng. Gần đây, các đồng minh quan trọng tại Liban, Syria, Iraq và Iran đều đã suy yếu, khiến họ mất dần các điểm tựa từ “trục kháng chiến”. Đặc biệt, việc nhiều nhà lãnh đạo Hamas, bao gồm thủ lĩnh Yahya Sinuar lần lượt bị hạ sát khiến phong trào này rơi vào cảnh “rắn mất đầu”. Do đó, Hamas muốn có một lệnh ngừng bắn để tổ chức lại lực lượng.
Thứ hai là nhân tố Mỹ. Thỏa thuận này sẽ giúp Tổng thống sắp mãn nhiệm Joe Biden có được một thành tựu đáng kể trên mặt trận đối ngoại trong hành trang của mình khi rời nhiệm sở, đồng thời làm tăng thêm uy tín và tiếng nói của Washington ở khu vực.
Thỏa thuận cũng góp phần tạo thế cho Tổng thống đắc cử Donald Trump trước thềm chính thức trở lại Nhà Trắng vào ngày 20/1 và trở thành minh chứng cho sự trở lại thành công của chủ trương "hòa bình thông qua sức mạnh" mà ông Trump từng áp dụng trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên. Thoả thuận đồng thời giúp chính quyền mới của Mỹ có thêm thời gian và vật lực tập trung toàn diện hơn cho các mục tiêu còn lại trong chương trình nghị sự “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” (MAGA) đầy tham vọng.
Ngày 7/10/2023 khi các tay súng Hamas bất ngờ tấn công miền Nam Israel, dẫn tới đòn trả đũa của Israel, bắt đầu bằng những cuộc không kích dữ dội và tiếp theo là chiến dịch trên bộ ở Gaza. Xung đột tại dải đất ven biển của Palesinte gây ra hàng loạt thiệt hại cả về người lẫn vật chất.
Gần 47.000 người chết
Con số thống kê do cơ quan y tế ở Gaza do Hamas điều hành công bố ngày 18/1 cho thấy hơn 15 tháng chiến tranh giữa Israel và Hamas đã khiến 46.899 người thiệt mạng, tương đương với 2% dân số dải đất thuộc Palestin này vào trước chiến tranh.
Tuy nhiên, một nghiên cứu trên Tạp chí Y học Lancet gần đây cho rằng số người chết có thể cao hơn nhiều so với các con số của cơ quan y tế Gaza đưa ra. Đáng chú ý, theo cơ quan y tế ở Gaza, 59% trong số nạn nhân thiệt mạng là phụ nữ, trẻ em và người cao tuổi, nhưng phân tích của Liên hợp quốc vào tháng 11 lại chỉ ra rằng có tới 70% người thiệt mạng là phụ nữ và trẻ em.
Đối với nạn nhân bị thương, con số công bố ngày 18/1 của cơ quan y tế ở Gaza là 110.725 người, nhưng đáng chú ý là theo báo cáo ngày 3/1 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thì có tới 25% trong số này bị thương nặng và để lại ảnh hưởng lâu dài trong cuộc sống.
Gần 70% công trình đã bị phá hủy hoặc hư hại
Chiến dịch không kích dữ dội và phá hủy hàng loạt của Israel đã san bằng nhiều khu vực rộng lớn ở Gaza, khiến cả các khu dân cư trở nên gần như không thể ở được. Theo số liệu mới nhất của Liên hợp quốc được tờ The Guardian đăng tải ngày 18/1 thì có 9 trong 10 ngôi nhà tại đây đã bị phá hủy hoặc hư hại với chi phí tái xây dựng Gaza được Liên hợp quốc ước tính lên đến 40 tỉ USD.
Hình ảnh vệ tinh chụp trong tháng này tại Rafah, một thành phố phía Nam Gaza từng được coi là “an toàn”, cho thấy phần lớn các khu dân cư gần biên giới đã bị phá hủy gần như hoàn toàn. Thiết bị bay không người lái cũng ghi lại cảnh vào tháng 6 năm ngoái cho thấy các tòa nhà bị hư hại nặng và bị phá hủy trong trại tị nạn Jabaliya ở phía Bắc Gaza.
Dưới đây là video được nhân viên của Liên hợp quốc quay vào tháng 8/2024, cho thấy cảnh tàn phá tại Gaza (nguồn: X/UNWaterige):
Một chiến dịch của Israel thực hiện qua ba đợt đã biến trại này thành một vùng đất hoang tàn đầy đổ nát. Nói tóm lại, trường học, bệnh viện, nhà thờ Hồi giáo, nghĩa trang, cửa hàng và văn phòng đều đã liên tục bị tấn công. Israel tuyên bố các cuộc không kích chỉ nhằm vào các tay súng Hamas và cho rằng họ trú ẩn trong các tòa nhà, sử dụng dân thường làm lá chắn sống.
Các học giả Corey Scher từ Tổ chức giáo dục CUNY Graduate Center và Jamon Van Den Hoek từ Đại học Oregon State đã nghiên cứu mức độ thiệt hại tại Gaza dựa trên hình ảnh vệ tinh. Trong phân tích mới nhất tính đến ngày 11/1, họ ước tính rằng 59,8% các tòa nhà ở Dải Gaza đã bị hư hại hoặc phá hủy kể từ khi chiến tranh bắt đầu.
Thậm chí, con số ước tính của Trung tâm vệ tinh Liên hợp quốc (UNOSAT) còn cao hơn - có thể lên đến 69% các công trình đã bị phá hủy hoặc hư hại vào đầu tháng 12/2024. Liên hợp quốc cũng kết luận rằng 68% mạng lưới giao thông ở Gaza đã bị hư hại hoặc phá hủy.
90% người dân Gaza phải lang thang vô định trên mảnh đất quê hương
Số liệu của Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc được báo The Guardian ngày 18/1 dẫn lại ước tính có 1,9 triệu người dân ở Gaza đã phải di cư, chiếm khoảng 90% dân số khu vực này.
Hầu như toàn bộ 2,3 triệu người dân Gaza đã phải rời bỏ nhà cửa khi quân đội Israel tiến hành các cuộc tấn công liên tục trên toàn bộ lãnh thổ và ra các lệnh sơ tán diện rộng đối với các khu dân cư lớn.
An toàn là khái niệm “xa xỉ” với người dân Gaza vì ngay cả trong "khu vực nhân đạo" mà Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) yêu cầu người Palestine di chuyển đến để đảm bảo an toàn cũng xảy ra hàng chục cuộc tấn công.
Khủng hoảng nhân đạo
Trước khi Israel và Hamas đạt được thoả thuận ngừng bắn – trao trả con tin, 16 cơ quan Liên hợp quốc và tổ chức phi chính phủ (NGO) đã đưa ra báo cáo đánh giá an ninh lương thực, cho biết nguy cơ nạn đói sẽ tiếp diễn khắp Dải Gaza trong mùa đông này trừ khi giao tranh chấm dứt và nhiều viện trợ nhân đạo hơn đến được với các gia đình.
Theo báo cáo, giao tranh đã phá hủy sinh kế, làm giảm nghiêm trọng sản lượng lương thực và hạn chế nghiêm trọng cả các tuyến cung cấp thương mại lẫn nhân đạo. Báo cáo dự báo, nếu giao tranh không chấm dứt, trong những tháng tới, 1,95 triệu người tại Gaza (chiếm 91% dân số) sẽ đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng. Trong đó có khoảng 345.000 người sẽ phải đối mặt với tình trạng đói nghiêm trọng và 876.000 người sẽ ở mức đói khẩn cấp.
Thực tế cho thấy trong những tháng gần đây, viện trợ vào Gaza cũng đã giảm đáng kể trong những tháng chiến sự gần đây. Trước khi xung đột xảy ra, trung bình mỗi ngày sẽ có 500 xe tải viện trợ cho khu vực này. Nhưng đến tháng 10/2023, số lượng này bắt đầu giảm và không có xu hướng phục hồi cho đến nay.
Tuy nhiên, dù đoàn xe viện trợ có thể tới Gaza thì không phải lúc nào nó cũng được đến đúng nơi dự kiến. Các nhân viên viện trợ đã cảnh báo về việc nhiều băng nhóm tội phạm chặn các chuyến giao hàng viện trợ và cướp bóc, khi luật pháp và trật tự ở khu vực này gần như không tồn tại.
Nói tóm lại, việc Israel và Hamas đạt được thoả thuận ngừng bắn – trao đổi con tin là một bước tiến quan trọng nhằm mang lại sự an định cho Gaza. Nhưng với lịch sử xung đột phức tạp kéo dài và việc mất niềm tin sâu sắc giữa Israel và Hamas trong hàng chục năm qua, cả Israel và Hamas cần phải có quyết tâm chính trị cao.
Đồng thời để chấm dứt nỗi thống khổ chiến tranh, ngay sau khi các bên ngừng giao tranh, việc cần thiết là phải triển khai mạnh mẽ các hoạt động nhân đạo cho người dân ở Dải Gaza, trước hết là về lương thực, thực phẩm và thuốc men, dụng cụ y tế để đảm bảo những nhu yếu phẩm thiết yếu nhất cho người dân ở đây.
Tiếp đó, công cuộc tái thiết Gaza về mọi mặt từ đống đổ nát hoang tàn, đòi hỏi một số tiền khổng lồ mà người Palestine chắc chắn không thể tự đảm đương được. Điều này không chỉ đòi hỏi sự ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế cho một nền hòa bình bền vững và công bằng trong khu vực, mà cộng đồng quốc tế, các quốc gia và các định chế tài chính quốc tế cũng cần chung tay góp sức tái thiết Gaza.
Bài: Hà Ngọc/Báo Tin tức
Ảnh: TTXVN
Trình bày: Hà Linh/Báo Tin tức
19/01/2025 03:42