Đối với đảng Dân chủ, cuộc đua giành lá phiếu đề cử gần như đã ngã ngũ từ vạch xuất phát khi đương kim Tổng thống Joe Biden đang không có đối thủ, “một mình một ngựa” về đích và cầm chắc tấm vé đại diện ra tranh cử tổng thống tháng 11. Trong khi đó, bên đảng Cộng hòa, màn so găng của hai ứng cử viên, cựu Tổng thống Donald Trump và cựu Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Nikki Haley ít nhiều mang màu sắc hình thức. Sở dĩ nói vậy vì hiện ông Trump đang dẫn trước với thế áp đảo sau khi đã giành chiến thắng tại 6/7 cuộc bầu cử sơ bộ trước đó của đảng Cộng hòa và hiện có 244 phiếu đại biểu. Bà Haley mới có một chiến thắng ở Đặc khu hành chính Washington D.C và đang có 43 phiếu đại biểu. Hầu hết kết quả thăm dò mới đây cho thấy ông Trump dẫn điểm với khoảng cách vượt trội trước bà Haley tại tất cả 15 bang trong ngày “Siêu Thứ ba”.
Với diễn biến hiện nay, giới quan sát nghiêng về kịch bản cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới sẽ là màn tái đấu giữa hai chính khách cao tuổi là ông Biden (81 tuổi) và cựu Tổng thống Trump (78 tuổi). Ông Biden cũng là ứng cử viên cao tuổi nhất từng tham gia một cuộc bầu cử tổng thống. Câu hỏi đặt ra là tại sao hai chính khách này, chứ không phải là ai khác, lại chiếm thế thượng phong trong một chính trường Mỹ vốn hết sức sôi động với nhiều gương mặt mới đầy triển vọng.
Trước tiên, câu trả lời nằm ở tâm lý của cử tri. Về phương diện pháp lý, Hiến pháp Mỹ chỉ quy định tuổi tối thiểu để có thể đăng ký tranh cử tổng thống là 35 tuổi, song không quy định tuổi tối đa. Báo The Hills ngày 2/3 đăng bài viết cho rằng trên thực tế người dân Mỹ ngày càng có xu hướng thích các ứng cử viên cao tuổi và điều này đã diễn ra qua hàng chục cuộc bầu cử tổng thống.
Giai đoạn từ năm 1880-1976, hai đảng Dân chủ và Cộng hòa chỉ có 4 ứng cử viên trên 60 tuổi là Benjamin Harrison, Franklin D. Roosevelt, Harry Truman và Dwight Eisenhower. Tuy nhiên, từ sau năm 1976, hai đảng đã đề cử 9 ứng cử viên trên 60 tuổi, 5 ứng cử viên trên 70 tuổi hoặc hơn. Kể từ năm 1960 tới nay, nước Mỹ mới chỉ chứng kiến 4 ứng cử viên tổng thống ở độ tuổi 40, gồm John F. Kennedy, Richard Nixon, Bill Clinton và Barack Obama. Năm nay, trong tổng số 14 ứng cử viên tuyên bố tranh cử của cả hai đảng, chỉ có duy nhất ông Vivek Ramaswamy dưới 40 tuổi (39 tuổi), trong khi 4 ứng viên ngoài 60 tuổi và 6 ứng cử viên hơn 70 tuổi.
Tâm lý cử tri Mỹ đặt niềm tin nhiều hơn vào các ứng cử viên cao tuổi càng rõ nét kể từ khi nước này áp dụng phương thức bầu cử sơ bộ mới. Trong Thời kỳ Cấp tiến (1896–1916), nước Mỹ bùng nổ mãnh liệt phong trào đòi cải cách chính trị và hoạt động xã hội. Giai đoạn này, cử tri bắt đầu yêu cầu được tham gia nhiều hơn vào tiến trình bầu chọn ứng cử viên của đảng và sau đó hình thức bầu cử sơ bộ bỏ phiếu kín ra đời. Khác với cơ cấu đại hội trước đây, nơi ban lãnh đạo đảng nắm quyền rất lớn trong việc lựa chọn ứng cử viên tổng thống của đảng, hệ thống bỏ phiếu kín giúp cử tri có nhiều quyền hơn trong việc lựa chọn ứng cử viên yêu thích. Theo NBC News, đặt niềm tin vào những người cao tuổi cũng là trào lưu chủ đạo của chính trường Mỹ trong nửa thế kỷ qua. Cử tri Mỹ ngày càng ưu tiên lựa chọn các chính trị gia và nhà lập pháp cao tuổi, theo đó Thượng viện Mỹ hiện nay có độ tuổi trung bình cao thứ hai trong lịch sử nước này, trong khi độ tuổi trung bình của các hạ nghị sĩ hiện cao thứ ba. Hàng loạt nghị sĩ có ảnh hưởng trên chính trường Mỹ cũng đều cao tuổi, trong đó lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Chuck Schumer năm nay 73 tuổi, lãnh đạo phe thiểu số Mitch McConnell 82 tuổi, Thượng nghị sĩ Cộng hòa Chuck Grassley vừa tái cử ở tuổi 90 và chưa hề có ý định về hưu.
Lý do thứ hai liên quan tới sự ổn định trong nội bộ của mỗi chính đảng. Theo báo New York Times, sau khi giành kết quả tích cực hơn dự kiến tại cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ 2022, các chính khách đảng Dân chủ đều từ bỏ ý định "cạnh tranh" với ông Biden trong cuộc đua quyền lực. Theo nghị sĩ bang New York Jamaal Bowman, đảng Dân chủ cần sự ổn định và ông Biden là người cho thấy điều đó.
Tương tự, phía đảng Cộng hòa dường như chưa chấp nhận mạo hiểm đặt niềm tin vào ứng cử viên khác. Cùng với thời gian, qua các cuộc bầu cử sơ bộ tại một số bang trước đó, cựu Tổng thống, tỷ phú Trump vẫn là người có lượng cử tri ủng hộ đông đảo và cũng có những chính sách đáp ứng tốt nhất các ưu tiên của phe Cộng hòa. Cựu Tổng thống Trump từng phải đối mặt với gần 10 đối thủ giờ chỉ còn lại một đối thủ duy nhất là bà Nikki Haley. Hàng loạt ứng cử viên đảng Cộng hòa nối tiếp nhau bỏ cuộc và tuyên bố ủng hộ cựu Tổng thống Trump, đồng nghĩa với lá phiếu của các cử tri ủng hộ họ giờ thuộc về ông Trump.
Một yếu tố nữa phải kể tới là vấn đề kinh tế, vốn là chủ đề chi phối mọi cuộc bầu cử Mỹ. Trong cuộc thăm dò của Đại học Suffolk/USA Today hồi tháng 1, khoảng 60% cử tri tốt nghiệp đại học nói sẽ ủng hộ ông Trump trong cuộc họp kín hoặc bầu cử sơ bộ của đảng Cộng hòa, tức là tăng gấp đôi so với năm 2022. Cựu thống đốc Nam Carolina Nikki Haley và Thống đốc Florida Ron DeSantis chỉ giành được lần lượt 14% và 6% ủng hộ. Nguyên nhân hàng đầu dẫn đến thay đổi này là vấn đề kinh tế. Thời kỳ ông Trump cầm quyền, nền kinh tế Mỹ tăng trưởng khá ổn định, lạm phát duy trì ở mức thấp. Trong bối cảnh chi phí sinh hoạt gia tăng, nhiều cử tri tin ông Trump là lựa chọn hàng đầu để cải thiện nền kinh tế Mỹ trong tương lai. Cuộc khảo sát mới nhất của FT-Michigan Ross cho thấy 67% cử tri đảng Cộng hòa tin tưởng ông Trump hơn bất kỳ ứng cử viên nào khác trong việc điều hành nền kinh tế Mỹ.
Về phía đảng Dân chủ, đương kim Tổng thống Biden cũng được cử tri ủng hộ khi mà nền kinh tế Mỹ trong 4 năm qua về cơ bản đã vượt qua những "cơn gió ngược", thời gian gần đây liên tiếp đón nhận những tín hiệu tích cực khi cơn bão lạm phát được xoa dịu, chi tiêu tiêu dùng tăng trưởng mạnh, thị trường việc làm ổn định.
Kết quả các cuộc thăm dò dư luận mới nhất cho thấy các cử tri của đảng Cộng hòa vẫn coi ông Trump là người có khả năng nhất để đánh bại ứng cử viên đại diện đảng Dân chủ trong cuộc đua tổng thống năm 2024. Trong bối cảnh đương kim Tổng thống Biden không có đối thủ trên đường đua của đảng Dân chủ, việc ông Trump giành ưu thế trong các bầu cử sơ bộ của phe Cộng hòa cũng là điều dễ hiểu. Còn đối với đảng Dân chủ, không ít cử tri nghĩ rằng chính Tổng thống Biden là người đã "đánh bại" ông Trump 4 năm trước.
Cuộc đua giành đề cử của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa vẫn còn nhiều vòng đấu phải vượt qua, song có vẻ mọi con đường đang dẫn tới kịch bản "tái đấu" giữa hai ứng cử viên Joe Biden và Donald Trump.