Vào ngày 25/2/2022, một ngày sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, Liên minh châu Âu (EU) đã ngay lập tức áp đặt các biện pháp trừng phạt chưa từng có nhằm gửi một tín hiệu rõ ràng rằng sẽ có hậu quả nghiêm trọng cho những hành động quân sự của Moskva.
Các biện pháp trừng phạt nhắm vào Tổng thống Nga Vladimir Putin và các quan chức thân cận cũng như các công ty và một số lĩnh vực của nền kinh tế Nga. Trong những tháng tiếp theo, chế độ trừng phạt chống lại Nga đã được mở rộng thêm nhiều lần nữa, đánh vào mặt hàng xuất khẩu có giá trị nhất của nước này sang châu Âu - dầu và khí đốt - và hạn chế quyền tiếp cận các sản phẩm có thể được sử dụng trong cuộc chiến ở Ukraine.
Nhìn bề ngoài, EU sẽ tiếp tục áp đặt các biện pháp trừng phạt mới, vì những kế hoạch quân sự của Nga tại Ukraine không có dấu hiệu giảm nhiệt. Nhưng bất chấp các biện pháp trên diện rộng được áp đặt và cam kết của Brussels để duy trì chúng, một số nhà quan sát cho rằng họ đã thất bại trong ý định làm suy yếu nước Nga.
Nền kinh tế Nga dường như kiên cường hơn dự kiến và quân đội Nga vẫn duy trì khả năng nhắm vào các mục tiêu ở Ukraine. Hơn nữa, hàng hóa bị trừng phạt vẫn đang tìm đường đến Nga và đến chiến trường ở Ukraine.
Trong một báo cáo mới đây, Công ty tư vấn rủi ro Corisk có trụ sở tại Na Uy cho rằng các biện pháp trừng phạt không hoạt động theo cách như mong đợi chính là do các bên áp dụng đang tự phá hủy chúng.
Phân tích dữ liệu hải quan từ 12 quốc gia EU, Na Uy, Anh, Mỹ và Nhật Bản cho thấy việc lách lệnh trừng phạt xuất khẩu đối với Nga lên tới 8 tỷ euro (8,5 tỷ USD) vào năm 2022.
Trong số các quốc gia được nghiên cứu, Đức dường như là nước xuất khẩu hàng hóa bị trừng phạt lớn nhất sang Nga; tiếp theo là Litva. Cả hai cung cấp một nửa số hàng hóa mà phương Tây không cho phép bán cho Moskva.
Nghiên cứu cho thấy các doanh nghiệp châu Âu, đặc biệt là các doanh nghiệp Đức, sử dụng các nước thứ ba để bán sản phẩm của họ cho Nga. Điều này thể hiện rõ qua việc phân tích dữ liệu xuất khẩu đối với hàng hóa bị trừng phạt, bao gồm các mặt hàng xa xỉ như đồ trang sức và nước hoa, công nghệ tiên tiến, như chất bán dẫn tiên tiến và máy tính lượng tử, máy móc và thiết bị vận tải.
Đầu năm 2022, xuất khẩu các mặt hàng này của phương Tây sang Nga giảm mạnh, nhưng lại tăng vọt sang các nước láng giềng của Nga. Gần một nửa số hàng "xuất khẩu song song" này được chuyển qua Kazakhstan và phần còn lại được phân chia giữa Gruzia, Armenia, Kyrgyzstan và các nước khác.
Điều quan trọng, danh sách các sản phẩm bị trừng phạt bao gồm hàng hóa lưỡng dụng có thể được sử dụng cho cả mục đích dân sự và quân sự, chẳng hạn như máy bay không người lái, xe cộ và một số hóa chất.
Trong vùng chiến sự, xe tải cỡ trung rất quan trọng để vận chuyển hàng hóa hậu cần đến tiền tuyến. Đó là lý do tại sao những chiếc xe như vậy được đưa vào danh sách trừng phạt. Do đó, xuất khẩu xe tải diesel của Đức sang Nga ở nhóm này đã giảm xuống 0 vào tháng 5/2022. Tuy nhiên, doanh số bán những chiếc xe tải tương tự cho Armenia đã tăng theo cấp số nhân và đạt mức gấp 5 lần so với những gì Đức đã bán cho Nga trước đó vào tháng 9.
Lithuania cũng xuất khẩu nhiều loại hàng hóa bị trừng phạt sang Nga, nhưng thông qua một tuyến đường khác là Belarus. Vilnius dường như đã tăng doanh số bán xe cho nước láng giềng gấp 10 lần trong khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 9/2022. Do xuất khẩu sang Nga đã giảm xuống 0 và nhu cầu ô tô của Belarus khó có thể tăng đáng kể như vậy, có vẻ như những mặt hàng này sau đó được tái xuất sang Nga.
Sợi hóa học Polyamide là một sản phẩm lưỡng dụng khác đã đến Nga, “phá vỡ” lệnh trừng phạt. Chất liệu hóa học này có thể được sử dụng trong sản xuất áo giáp, áo dành cho phi công quân sự và nhiều mặt hàng quân sự và dân sự khác. Cho đến tháng 6/2022, Đức hầu như không xuất khẩu Polyamide sang Kazakhstan. Sau khi các lệnh trừng phạt được đưa ra, nhu cầu của Kazakhstan đối với loại hàng này đã bùng nổ và đến tháng 10, Kazakhstan đã nhập khẩu 200 tấn từ các nhà sản xuất Đức.
Điều đáng chú ý là Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev từng thể hiện quan điểm kêu gọi chấm dứt bạo lực ở Ukraine, từ chối công nhận việc Nga sáp nhập lãnh thổ Ukraine và cam kết hạn chế lách lệnh trừng phạt trên lãnh thổ Kazakhstan. Chính phủ của ông Kassym-Jomart Tokayev được cho là đã đưa ra các biện pháp kiểm soát hải quan chặt chẽ hơn đối với hàng hóa điện tử nhập khẩu vào Nga và đang xem xét giám sát hải quan trực tuyến để theo dõi hàng hóa qua biên giới. Liệu những nỗ lực này có thực sự hạn chế dòng chảy của hàng hóa bị trừng phạt hay chỉ đơn thuần là các biện pháp mang tính hình thức vẫn chưa có câu trả lời.
Mỹ cũng đã nhiều lần cảnh báo các nước châu Âu về các hình phạt có thể xảy ra nếu không tuân thủ các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga. Hồi tháng 4, Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ về Khủng bố và Tình báo Tài chính Brian Nelson đã đến thăm Thụy Sĩ, Italy, Áo và Đức để thảo luận về việc chia sẻ thông tin tình báo liên quan những thực thể có khả năng trốn tránh lệnh trừng phạt.
Bộ Tài chính Mỹ cũng giải thích những điều mà các tổ chức tài chính cần lưu ý khi họ xác định các mạng lưới mua sắm của Nga. Chúng bao gồm các hồ sơ dự thầu từ các công ty không có hồ sơ theo dõi và ít hoặc không có sự hiện diện trên trang web, việc hạn chế cập nhật thường xuyên hoặc mới nhất đối với người dùng cuối hoặc người được trả tiền, đặc biệt là các doanh nghiệp tại các quốc gia trung chuyển liên quan đến lĩnh vực điện tử hoặc máy móc.