Lực lượng nổi dậy đang tan rã trên đấu trường Syria

Có thể nói chưa bao giờ các nhóm phiến quân lại có nguy cơ đứng bên bờ sụp đổ như lúc này do bị chia rẽ bởi những áp lực từ bên ngoài, mâu thuẫn nội bộ và bất đồng sâu sắc về việc có nên đối thoại với Tổng thống Bashar al-Assad hay không.

Phiến quân Syria bị thương trong một cuộc đụng độ.


Trong khi đó, sự thống trị của lực lượng khủng bố al-Qaeda đối với các nhóm phiến quân Syria đang bị tan vỡ kể từ tuần trước. Ngày 3/1, người Syria trong hầu hết các thị trấn và thành phố do phiến quân kiểm soát đã tổ chức các cuộc biểu tình lớn phản đối sự can thiệp của tổ chức Nhà nước Hồi giáo Iraq và Cận Đông (ISIS, hay ISIL) có liên hệ với tổ chức khủng bố Al-Qaeda. Các cuộc biểu tình đã bùng phát thành cuộc đụng độ giữa ISIS và hai nhóm nổi dậy - nhóm Jaish al- Mujahideen mới được thành lập và nhóm Mặt trận cách mạng Syria. Các cuộc đụng độ bắt đầu ở khu vực phía tây Aleppo, sau đó lan rộng ra ít nhất ba tỉnh khác gồm Idlib, Raqqa và Deir Ezzor.

Đây là một trong những làn sóng giao tranh nóng bỏng nhất trong những tháng gần đây tại Syria. Sự xuất hiện của ISIS trong năm qua là điều tồi tệ nhất đối với các lực lượng nổi dậy tại Syria, bởi vì những hành động tàn bạo của lực lượng này đã khiến cho những người ôn hòa nhất tại các khu vực do ISIS chiếm đóng phải bỏ trốn hoặc gia nhập vào các nhóm cực đoan; ngăn cản các nhà báo và nhân viên cứu trợ hoạt động và làm sâu sắc thêm sự chia rẽ giữa lực lượng nổi dậy tại Syria.

Trên thực tế, hành động của ISIS đã gây khó khăn rất nhiều trong việc cơ động lực lượng và cắt đứt đường tiếp tế vũ khí, hậu cần, kỹ thuật, đánh chiếm sở chỉ huy, kho vũ khí, thiết lập các trạm kiểm soát tại các khu vực chiến lược, bắt giữ các tay súng và \lãnh đạo của các nhóm phiến quân khác… Ví dụ, chỉ vài ngày trước khi cuộc đụng độ nổ ra, ISIS đã thiết lập 9 trạm kiểm soát trên tuyến đường từ thị trấn Atmeh tới thành phố Maarat al- Nouman, gần biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ trong khi cuối tháng 11/2013, ISIS chỉ có 2 trạm kiểm soát trên tuyến này.

Mặc dù ISIS ngày càng lấn tới, nhưng rất nhiều nhóm phiến quân khác e ngại đụng độ với lực lượng này. Một phần là vì lo sợ sự phản ứng của hai nhóm nổi dậy lớn nhất Syria: Mặt trận Hồi giáo và Jabhat al- Nusra. 

Tuy nhiên, tình thế đã thay đổi. Liên minh đối lập trong đó có 2 lữ đoàn thuộc Mặt trận Hồi giáo trước đây vốn có quan hệ rất gần gũi với ISIS như Ahrar al-Sham và Suqour al-Sham đã chống lại ISIS. Cụ thể, Quân đội Syria Tự do (FSA), lực lượng đối lập Syria được Mỹ và phương Tây hậu thuẫn, mới đây đã tổ chức các đợt tấn công nhằm vào các khu vực thuộc quyền kiểm soát của ISIS tại Aleppo, Idlib và Hama. Cuộc tấn công này được cho là “cuộc cách mạng thứ 2” nhằm khẳng định nhóm phiến quân nào mạnh nhất và cuối cùng sẽ kiểm soát Syria nếu Tổng thống Assad bị lật đổ.

Trước đó, Tướng MNA Rihal, thủ lĩnh của FSA đã ra tối hậu thư yêu cầu ISIS phải dừng ngay các chiến dịch của mình và từ bỏ nỗ lực trong việc tạo ra "sự chia rẽ tôn giáo" giữa các lực lượng chống Assad. "Chúng tôi đã gửi đến ISIS một tối hậu thư yêu cầu trong 48 giờ tới phải đầu hàng và từ bỏ vũ khí để được an toàn. Thời hạn của tối hậu thư sẽ kết thúc vào sáng thứ sáu, 10/1. Chúng tôi đang cho họ thấy sự thiện chí từ phía FSA và đã ra tối hậu thư để không dẫn đến một vụ thảm sát. Chúng tôi đang cố gắng ngăn chặn một cuộc đổ máu", ông Rihal nói.

Nhưng ISIS sẽ không rút khỏi đấu trường Syria một cách cam chịu. Người phát ngôn của lực lượng này đã dùng những từ ngữ mạnh mẽ nhất kêu gọi thánh chiến như tấn công tự sát, sử dụng bom xe chống lại dân thường… Ủng hộ lời kêu gọi này gần đây nhất, ngày 9/1, một quả bom xe đã phát nổ tại trung tâm tỉnh Hama khiến ít nhất 18 người thiệt mạng.

Cuộc "huynh đệ tương tàn" giữa các nhóm đối lập ôn hòa với những lực lượng cực đoan thuộc ISIS là một lợi thế đối với chính quyền Tổng thống Assad. Nhân cơ hội này, quân đội Syria đã giành được nhiều thắng lợi trong những tháng gần đây, giải phóng được nhiều khu vực quan trọng. Có thể nói, chính quyền Tổng thống Assad chưa bao giờ lại mạnh mẽ và tự tin hơn như lúc này. Thực tế, dường như chính phủ Syria là bên duy nhất đang thật sự mong muốn đến với hội nghị Geneva sắp tới.


CT (theo FP/AP)

'Geneva 2' không phải là 'giải pháp kỳ diệu' cho vấn đề Syria
'Geneva 2' không phải là 'giải pháp kỳ diệu' cho vấn đề Syria

Thực chất, không một nước nào thật sự mong muốn đến dự hội nghị hòa bình về Syria, hay còn gọi là Geneva 2, dự kiến sẽ diễn ra ở thành phố Montreux của Thụy Sỹ ngày 22/1. Chế độ Tổng thống Syria Bashar al-Assad sẽ chỉ tham dự khi vẫn được coi là một chính phủ hợp pháp của người dân nước này.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN