'Geneva 2' không phải là 'giải pháp kỳ diệu' cho vấn đề Syria

Theo mạng tin "Gulfnews" ngày 9/1, cuộc chiến tại Syria là một cuộc xung đột phức tạp với việc nhiều bên nước ngoài đóng các vai trò gây tranh cãi. Thực chất, không một nước nào thật sự mong muốn đến dự hội nghị hòa bình về Syria, hay còn gọi là Geneva 2, dự kiến sẽ diễn ra ở thành phố Montreux của Thụy Sỹ ngày 22/1.

Chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad sẽ chỉ tham dự khi vẫn được coi là một chính phủ hợp pháp của người dân nước này. Ngoài ra, chính quyền Assad sẽ chỉ công nhận một mục trong chương trình nghị sự: đó là chống khủng bố. Và nếu buộc phải chấp nhận nguyên tắc thành lập một chính phủ lâm thời như Hội nghị Geneva 1 đã đề xuất hồi tháng 6/2012, nhiều khả năng chính phủ Syria sẽ rút lui khỏi hội nghị này.

Trong khi đó, Saudi Arabia, Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ lại mong muốn hội nghị phán quyết rằng thời kỳ cầm quyền của ông Assad đã hết và ông này sẽ không giữ vai trò gì trong thời kỳ chuyển giao - điều mà phái đoàn chính phủ Syria sẽ không bao giờ chấp nhận hay thậm chí đề cập về nó. Pháp và Anh xét theo một số khía cạnh nào đó ủng hộ lập trường này.

Người tị nạn Syria tại trại tị nạn Quru Gusik ở miền bắc Iraq ngày 29/12/2013. Ảnh: AFP-TTXVN


Trên thực địa, lực lượng đối lập tại Syria đang bị chia rẽ hơn bao giờ hết. Lực lượng này không nhìn thấy bất cứ lợi lộc gì từ việc tham gia hội nghị này. Một đối tác chủ yếu trong Liên minh Dân tộc Syria (SNC) đã quyết định sẽ tẩy chay hội nghị.

Nga và Mỹ, hai bên "chủ trì" chính của hội nghị, nhất trí rằng cách thức duy nhất để giải quyết cuộc khủng hoảng ở Syria kéo dài 3 năm qua khiến hơn 130.000 người thiệt mạng là một giải pháp chính trị. Nga là nước ủng hộ chính đối với chế độ Assad và phản đối bất cứ sự can thiệp nào của bên ngoài vào công việc nội bộ của Syria. Trong khi quan điểm của Mỹ vẫn có điều gì đó "bí ẩn". Washington ủng hộ một thỏa thuận chính trị, nhưng lại không chắc chắn về số phận của ông Assad. Ngoài ra, không thể không đề cập đến vai trò của Iran - đồng minh quan trọng nhất đối với Syria - nhưng cho đến nay vẫn chưa có tên trong danh sách khách mời tới dự Hội nghị Geneva 2. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov sẽ gặp gỡ vào tuần tới để thảo luận một loạt vấn đề liên quan đến Syria, bao gồm cả sự tham gia của Iran.

Ngoài các phe phái chính trị, còn có các lực lượng vũ trang trên chiến trường, bao gồm hàng chục nhóm đối lập. Một số ủng hộ Hội nghị Geneva 2 hay một thỏa thuận chính trị với chính phủ, nhưng đối với chính quyền Assad, tất cả những lực lượng này là một phần của một âm mưu khủng bố được sự hậu thuẫn của nước ngoài nhằm gây bất ổn cho Syria. Những lực lượng này sẽ không có chỗ trên bàn đàm phán thậm chí kể cả mong muốn được tham dự.

Hiện nay, có rất nhiều kịch bản có thể xảy ra. Thứ nhất, Hội nghị Geneva 2 sẽ vẫn diễn ra nhưng sẽ thất bại ngay sau tuyên bố khai mạc. Nga và Mỹ vẫn chưa đạt được sự thống nhất về một lộ trình mà tất cả các bên có thể chấp nhận được - một nhiệm vụ hầu như là bất khả thi. Kịch bản thứ hai là hội nghị sẽ kéo dài trong vài ngày nhưng cả chế độ Assad và lực lượng đối lập sẽ không thể thu hẹp được những bất đồng chia rẽ giữa hai bên. Thứ ba, chính quyền Assad và lực lượng đối lập dưới áp lực của cộng đồng quốc tế sẽ nhất trí trên nguyên tắc về việc thành lập một chính phủ lâm thời và sẽ bàn thảo chi tiết về thỏa thuận này sau.

Trong tất cả các kịch bản, việc tổ chức Hội nghị Geneva 2 sẽ không phải là một giải pháp kỳ diệu cho vấn đề Syria. Chính quyền Syria muốn thuyết phục thế giới rằng Syria không chỉ phải đối phó với các cuộc nổi dậy ở trong nước. Chính quyền Syria muốn chứng minh rằng đang chiến đấu chống lại những kẻ khủng bố, giống như ở Iraq, Ai Cập, Algeria hay các khu vực khác. Trong khi đó, phe đối lập đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức. Lực lượng này phải chứng minh cho thế giới biết rằng nó đại diện cho người dân Syria và đại đa số người dân nước này mong muốn có sự thay đổi chế độ và một hệ thống chính trị mới được xây dựng trên các lý tưởng dân chủ, đa nguyên và nhà nước dân sự.

Hầu hết các nhóm đối lập và liên minh chống chính quyền Syria đều mong muốn thành lập một quốc gia Hồi giáo ở Syria. Các lực lượng đối lập đang ở thế bị động và bằng việc từ chối công nhận lực lượng này, chính quyền Syria cho rằng hiện không có đối tác để tiến hành các cuộc đàm phán. Chính vì những lý do trên, kịch bản nhiều khả năng nhất là tiến trình chính trị sẽ vẫn diễn ra một cách từ từ và cuộc chiến trên chiến trường cũng sẽ vẫn xảy ra.

Cuộc đấu đá nội bộ huynh đệ tương tàn giữa các nhóm đối lập ôn hòa với những lực lượng cực đoan thuộc Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Cận Đông (ISIS) là một lợi thế đối với chính quyền Tổng thống Assad, nhưng nó cũng có thể báo hiệu một nỗ lực nhằm loại bỏ các tay súng cấp tiến có mối liên hệ với mạng lưới al-Qaeda nhằm mục đích đoàn kết các lực lượng đối lập còn lại trước thềm Hội nghị Geneva 2. Có thể nói, chính quyền Tổng thống Assad chưa bao giờ lại mạnh mẽ và tự tin hơn như lúc này. Thực tế, dường như chính phủ Syria là bên duy nhất đang thật sự mong muốn đến với hội nghị sắp tới.


Mạnh Hùng

Trung Quốc: Vấn đề Syria chỉ có thể giải quyết bằng chính trị
Trung Quốc: Vấn đề Syria chỉ có thể giải quyết bằng chính trị

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói rằng vấn đề Syria chỉ có thể được giải quyết bằng con đường chính trị.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN