Một tuần trở lại đây, số người đăng ký tiêm chủng theo ngày ở thành phố này đã đạt kỷ lục với khoảng 60.000 người đăng ký, cao gấp 10 lần mức tối thiểu, thậm chí có ngày lên tới hơn 80.000. Đây là tín hiệu tích cực khi người dân đã thay đổi nhận thức về tiêm phòng COVID-19.
Làn sóng dịch mới bất ngờ bùng phát mạnh ở Nga từ giữa tháng 6, với hai tâm dịch là thủ đô Moskva và cố đô Saint Petersburg, được cho xuất phát từ nhiều nguyên nhân, song giới chuyên gia lưu ý tới việc tỷ lệ người dân tiêm chủng khá thấp, bất chấp Nga là nước đầu tiên đăng ký vaccine và cũng tự sản xuất được nhiều loại vaccine. Hiện người Nga có 4 loại vaccine để lựa chọn gồm Sputnik V, Sputnik Light, EpiVacCorona và KoviVak.
Tâm lý do dự, "ngại" tiêm, chưa tin tưởng vào vaccine, lo lắng tác dụng phụ hay cho rằng không cần tiêm vì dịch bệnh đã được kiểm soát là những nguyên nhân chính khiến người dân Nga không tích cực đi tiêm chủng, dù rằng việc tiêm chủng hoàn toàn miễn phí. Một cuộc khảo sát của Trung tâm nghiên cứu xã hội Levada thực hiện hồi tháng 5 vừa qua cho thấy 62% người dân Nga được hỏi nói rằng họ không sẵn sàng tiêm vaccine, 55% cho biết họ không đặc biệt lo ngại về việc sẽ mắc COVID-19.
Việc người dân chần chừ, không tích cực tiêm vaccine không phải là câu chuyện của riêng nước Nga. Ngay tại Mỹ, một trong những nước đứng đầu thế giới về tỷ lệ tiêm chủng với khoảng 54% dân số đã được tiêm 1 mũi và 46% tiêm đủ, vẫn có một bộ phận dân chúng không sẵn sàng đi tiêm. Khảo sát của Gallup được thực hiện tại Mỹ cuối tháng 5 cho thấy vẫn còn 24% người trưởng thành Mỹ không có kế hoạch đi tiêm vaccine và đáng chú ý là trong số này có tới 78% cho biết sẽ không suy nghĩ lại (51% trong đó khẳng định chắc chắn không đi tiêm dù vì lý do gì, tương ứng là cứ 5 người Mỹ thì có 1 người khẳng định không đi tiêm). Các lý do khiến người Mỹ do dự đi tiêm gồm muốn đợi để xác nhận vaccine an toàn (lý do phổ biến nhất, 23%), tin rằng nhiễm virus không khiến họ bị bệnh nặng (20%), lo ngại vì thời gian phát triển vaccine quá nhanh (16%), nhìn chung không tin tưởng mọi loại vaccine (16%), lo ngại dị ứng (10%).
Một thống kê khác của Gallup thực hiện nửa cuối năm ngoái, khi virus SARS-CoV-2 đang hoành hành trên toàn cầu, cho thấy 68% người trưởng thành được hỏi trên khắp thế giới cho biết sẵn sàng đi tiêm vaccine miễn phí khi đến lượt, trong khi 32% đưa ra câu trả lời là không. Tỷ lệ trên tương ứng với mức khoảng 1,3 tỷ dân trên thế giới còn do dự. Theo Gallup, tỷ lệ người dân đồng ý đi tiêm ở các nước không đồng đều, dao động từ mức 96% như ở Myanmar cho đến chỉ 25% như ở Kazakhstan. Chỉ số này cách xa so với mức 70-90% mà giới chuyên gia cho rằng cần phải đạt được để hình thành miễn dịch cộng đồng. Cũng theo thống kê trên, kể cả khi những người có câu trả lời "sẽ tiêm" sau đó thực sự đi tiêm, thì cũng chỉ có 38 trong tổng số 116 quốc gia và vùng lãnh thổ được khảo sát có thể đạt mục tiêu ít nhất là 70% dân số đã tiêm chủng.
Tại Mỹ, mặc dù tiêm chủng đại trà đã dần được chứng minh là một yếu tố chính giúp giảm mạnh số ca mắc và tử vong do COVID-19 trong những tháng gần đây, song tỷ lệ người đi tiêm đang giảm đáng kể trong những tuần qua. Hầu hết người muốn được tiêm chủng đều đã đi tiêm, trong khi nhóm còn lại không thực sự hào hứng. Việc làm sao để tiếp tục khuyến khích người dân đi tiêm nhằm đạt miễn dịch cộng đồng (70%) hiện được cho là một thách thức. Ngày 22/6, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã thừa nhận sẽ không thể đạt được mục tiêu đề ra, theo đó khoảng 70% người dân Mỹ trưởng thành sẽ được tiêm ít nhất 1 liều vaccine ngừa COVID-19 trước hạn chót là ngày Quốc khánh 4/7.
Giới chuyên gia chỉ ra rằng vấn đề tiêm chủng vaccine đang tác động tới các mối quan hệ xã hội khi không ít người đã được tiêm nhưng vẫn bất an vì các thành viên khác trong gia đình, họ hàng, bạn bè hay những người xung quanh lựa chọn không đi tiêm. Khảo sát của Gallup chỉ ra khoảng 53% người trưởng thành ở Mỹ được hỏi cho biết họ lo lắng về những người lựa chọn không đi tiêm, trong đó có 25% tỏ ra rất lo lắng. Cũng theo khảo sát, trong số những lo ngại về dịch bệnh tại Mỹ hiện nay thì nỗi lo về những người chưa đi tiêm vaccine đã trở thành mối lo ngại hàng đầu, vượt qua cả những lo lắng như tình trạng thiếu các biện pháp giãn cách, thiếu nguồn lực y tế bệnh viện hay thiếu dụng cụ xét nghiệm. Tâm lý lo lắng đặc biệt dễ nhận thấy ở nhóm người cao tuổi và những người có bệnh nền, những người có nguy cơ cao hơn nếu không may nhiễm bệnh. Với nhóm này, việc hình thành miễn dịch cộng đồng là yếu tố rất quan trọng để họ có thể trở lại cuộc sống bình thường. Chuyên gia Sherita Golden ở Đại học John Hopkins (Mỹ), khẳng định càng nhiều người đi tiêm phòng thì vòng bảo vệ dành cho những người cao tuổi và những người có bệnh nền càng an toàn hơn, giúp họ an tâm hơn khi chung sống cùng một cộng đồng.
Vấn đề tiêm phòng cũng tác động tới các mối quan hệ xã hội của những người trong độ tuổi trẻ hơn ở Mỹ. Hiện ngày càng nhiều người có xu hướng lên kế hoạch tổ chức các sự kiện trọng đại trong đời như đám cưới với khách mời được yêu cầu đã tiêm phòng. Một khảo sát không chính thức trên truyền thông xã hội Mỹ hồi tháng 3 cho thấy ít nhất 20% các cặp đôi được hỏi cho biết họ sẽ đưa mục “đã tiêm phòng COVID-19” vào danh sách những yêu cầu bắt buộc với khách đến dự lễ “vì một đám cưới an toàn cho tất cả mọi người”. Việc tiêm vaccine cũng giúp nhiều người Mỹ có cơ hội được trải nghiệm những dịch vụ cần tiếp xúc trực tiếp như một số dịch vụ mai mối, hẹn hò trên các nền tảng truyền thông xã hội tại Mỹ hiện cũng xuất hiện nội dung về tình trạng tiêm phòng vaccine trong hồ sơ thông tin.
Từ thực tế đó, các chuyên gia cho rằng ngoài các biện pháp khuyến khích như tặng quà, việc tăng cường tuyên truyền về vai trò của vaccine trong khôi phục cuộc sống hằng ngày sẽ có tác dụng. Một yếu tố quan trọng là những người chưa đi tiêm sẽ cảm thấy có động lực đi khi ngày càng nhiều người mà họ quen biết, người thân và bạn bè đi tiêm. Một nghiên cứu được hãng khảo sát Harris Poll thực hiện cho thấy có tới 60% người được hỏi cho biết họ đi tiêm vaccine vì nóng lòng được gặp gỡ bạn bè và người thân.
Các chuyên gia Đại học John Hopkins cho rằng chỉ riêng sự xuất hiện của vaccine không đủ để đẩy lùi virus, mà cả cộng đồng phải cùng tiếp nhận vaccine, để thứ vũ khí này có thể phát huy toàn bộ năng lực ngăn chặn virus và bảo vệ mạng sống cho mọi người, bởi dù các vaccine hiện có chưa thể khống chế hoàn toàn tất cả những biến thể của virus, song có tác dụng ngăn chặn không để bệnh diễn biến nặng và gây tử vong.
Với COVID-19, giới chuyên gia khẳng định con người càng do dự thì càng cho virus thêm thời gian để tiếp tục lây lan trong cộng đồng, thêm cơ hội biến đổi và trở nên nguy hiểm hơn, bởi vậy, tiêm vaccine không chỉ là để bảo vệ bản thân mà còn giúp bảo vệ những người xung quanh, bảo vệ cộng đồng. Như lời chuyên gia Sherita Golden, dù không ai có thể chắc chắn khi nào đại dịch sẽ qua đi, nhưng với lựa chọn đi tiêm vaccine, mỗi người đều đang góp một phần sức lực để chặng đường trở về cuộc sống bình thường trở nên gần hơn.