Theo tờ Washington Post, tàu khu trục Đô đốc Gorshkov và tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân Kazan của Nga đã đến La Habana, Cuba ngày 12/6 sau khi kết thúc các cuộc tập trận ở Bắc Đại Tây Dương.
Chuyến thăm La Habana, đồng minh lâu năm của Moskva, diễn ra chưa đầy hai tuần sau khi chính quyền Tổng thống Joe Biden cho biết sẽ cho phép Ukraine sử dụng vũ khí do Mỹ cung cấp để chống lại một số mục tiêu quân sự bên trong lãnh thổ Nga.
Bộ Quốc phòng Nga thông báo bốn tàu Nga đã cập cảng La Habana sau cuộc tập trận quân sự ở Bắc Đại Tây Dương. Các tàu này sẽ ở lại đến ngày 17/6.
Bộ Ngoại giao Cuba và Nga cho biết các tàu này không mang theo vũ khí hạt nhân, “vì vậy việc họ dừng chân ở Cuba không phải là mối đe dọa đối với khu vực”.
Dưới đây là những thông tin liên quan đến sự kiện "nóng" này ở vùng biển Caribe:
Tàu Nga tập trận phóng tên lửa độ chính xác cao trước khi vào cảng La Habana
Đội tàu Nga bao gồm tàu khu trục Đô đốc Gorshkov và tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân Kazan, một tàu chở dầu hạng trung và một tàu kéo cứu hộ. Ngay cả khi không có vũ khí hạt nhân, tàu khu trục và tàu ngầm này vẫn có khả năng phóng tên lửa siêu vượt âm Zircon, tên lửa hành trình Kalibr và tên lửa chống hạm Onyx, những vũ khí hiện đại đang được Nga chào hàng nhiều nhất.
Các quan chức quốc phòng Nga cho biết vài giờ trước khi vào cảng La Habana, đội tàu này đã hoàn thành cuộc diễn tập “sử dụng vũ khí tên lửa chính xác”. Các thủy thủ đã sử dụng mô phỏng máy tính để “đánh trúng” mục tiêu mà không cần phóng tên lửa thực.
Trong khi đó, ngày 12/6 tại Moskva, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã gặp người đồng cấp Cuba Bruno Rodríguez Parrilla. Ông Lavrov khẳng định Nga “tiếp tục ủng hộ La Habana theo yêu cầu chính đáng của nước này nhằm chấm dứt hoàn toàn và ngay lập tức” lệnh cấm vận kéo dài 62 năm của Washington đối với hầu hết hoạt động thương mại với Cuba và đưa nước này ra khỏi danh sách các quốc gia tài trợ khủng bố của Bộ Ngoại giao Mỹ.
Bộ Ngoại giao Cuba cho biết chuyến thăm phản ánh “mối quan hệ hữu nghị lịch sử” giữa La Habana và Moskva từ thời Liên Xô.
Vào đầu thập niên 1990, sau khi Liên Xô tan rã, sự hỗ trợ từ Moskva cho Cuba giảm mạnh. Nhưng mối quan hệ giữa hai nước được cải thiện dưới thời Tổng thống Putin. Ngoại trưởng Lavrov hôm 12/6 cho biết Moskva sẽ tiếp tục cung cấp hỗ trợ nhân đạo cho Cuba.
Bộ Ngoại giao Nga cũng cảm ơn Cuba vì “lập trường có nguyên tắc” đối với Ukraine. Về phần mình, ông Rodríguez Parrilla, Ngoại trưởng Cuba, cho biết nước này lên án “lập trường ngày càng hung hăng của chính phủ Mỹ và NATO”, bao gồm cả các lệnh trừng phạt chống Nga.
Ông Lavrov là vị khách thường xuyên tới Caribe. Ông đã đến Venezuela hồi tháng 2, nơi ông khẳng định sự ủng hộ của Nga đối với chính phủ của Tổng thống Nicolás Maduro. Nhà ngoại giao hàng đầu Nga cũng dừng chân ở Cuba trong chuyến đi đó.
Mỹ không nhận thấy mối đe dọa nhưng đang theo dõi sát
Người phát ngôn Lầu Năm Góc Sabrina Singh cho biết ngày 12/6 rằng Bộ Quốc phòng Mỹ đã theo dõi chuyến thăm của Nga tới Cuba kể từ khi nó được công bố vào ngày 6/6. Các tàu Hải quân và Cảnh sát biển Mỹ “sẽ tiếp tục theo dõi”. Kênh ABC News đưa tin ba tàu khu trục của Hải quân Mỹ, một tàu tuần duyên và các tàu khu trục của Canada và Pháp đang được triển khai theo dõi.
Bà Singh cho biết cuộc tập trận của Nga không gây ra mối đe dọa cho Mỹ. “Đây không phải là điều gây ngạc nhiên”, bà nói, “những chuyến thăm hải quân thường lệ” như vậy của người Nga đã diễn ra “dưới các chính quyền khác nhau”.
Trong khi đó, cộng đồng tình báo Mỹ đã đánh giá rằng chiếc tàu ngầm Nga chạy bằng năng lượng hạt nhân nhưng không mang theo vũ khí hạt nhân. Người phát ngôn an ninh quốc gia Nhà Trắng John Kirby cũng nói rằng không có dấu hiệu nào cho thấy vũ khí hạt nhân sẽ "hoạt động" trong thời gian các tàu Nga ở Caribe.
Đài CBS News đưa tin, hai tàu khu trục Mỹ và hai tàu kéo theo thiết bị sonar phía sau đang theo dõi tàu ngầm Nga. Một tàu khu trục khác và một tàu tuần tra của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Mỹ cũng theo dõi ba tàu Nga. Hải quân Mỹ còn sử dụng những chiếc thuyền nhỏ không người lái có gắn camera để theo dõi các tàu Nga khi chúng đến gần Cuba.