Liệu 'Czexit' có xảy ra sau bầu cử Hạ viện?

Bình luận trên tờ Sunday Express mới đây, phóng viên Rebecca Perring cho rằng “Czexit” (CH Séc rời khỏi EU) có thể sẽ xảy ra vì CH Séc dường như đang muốn bầu một nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa dân túy, phản đối việc hội nhập sâu hơn vào Liên minh châu Âu (EU) và liên hệ chính sách tiếp nhận người tị nạn của Thủ tướng Đức Angela Merkel với chủ nghĩa khủng bố.

Một cuộc thu thập chữ ký tại Praha để kiến nghị Séc rút khỏi EU. Ảnh: Trần Quang Vinh/TTXVN

Theo bà Perring, ông Andrej Babis, cựu Bộ trưởng Tài chính CH Séc, đang tiến hành cuộc vận động tranh cử hướng tới những người Czech cảm thấy bị "bỏ quên" ở "câu lạc bộ Brussels" (tức EU). Bên cạnh đó, những lời tuyên bố phản đối EU của ông đang thu hút được sự quan tâm và theo các cuộc thăm dò dư luận, ​​ông Babis sẽ nắm quyền sau cuộc bầu cử Hạ viện Séc sắp tới.

Chiến thắng của ông Babis sẽ là một cú giáng mạnh đối với EU, vốn đang tìm cách ngăn chặn chủ nghĩa dân túy đang nổi lên, mà gần đây đã được thể hiện rõ ở Đức sau khi Đảng AfD (Sự lựa chọn vì nước Đức) giành được 12,6% phiếu bầu trong cuộc bầu cử ở Đức.

Chiến thắng của ANO vào ngày 20/10 tới có thể củng cố quan điểm chống lại EU của người Séc vào thời điểm Pháp và Đức đang kêu gọi hội nhập EU sâu rộng hơn trong nỗ lực nhằm xây dựng lại khối này. Trong khi đó, phong trào ANO của ông Babis lại đang "khoe khoang" về những chính sách, trong đó phác thảo những kế hoạch nhằm loại bỏ quyền lực của EU, trong đó có việc từ chối gia nhập khu vực đồng tiền chung châu Âu. Cuộc khảo sát gần đây nhất của cơ quan khảo sát Median cho thấy Đảng Dân chủ xã hội (CSSD) chỉ giành 14,5% phiếu, so với 26,5% của ANO và đứng trước Đảng Cộng sản Séc-Morava với 13%.

Ông Babis, 63 tuổi, nổi lên với những bình luận gây nhiều tranh cãi sau cuộc tấn công khủng bố tại chợ giáng sinh ở Berlin (Đức) hồi năm ngoái. Vị tỷ phú người Slovakia này cho rằng Thủ tướng Đức Merkel phải chịu trách nhiệm về sự tàn bạo nói trên và người di cư "không có chỗ" ở châu Âu.

Séc từ lâu đã có bất đồng với EU liên quan đến phân bổ hạn ngạch người nhập cư và tuyên bố sẽ từ chối nhận người tị nạn theo kế hoạch này. Praha đã từ chối lời kêu gọi lặp đi lặp lại của các quan chức thuộc những cơ quan điều hành EU nhằm đẩy nhanh tốc độ tiếp nhận 2.691 người tị nạn mà EU đã đề ra cho Séc.

EU đã cảnh báo Séc về nguy cơ mất nguồn tài trợ, trừ phi Praha tiếp nhận người di cư theo hạn ngạch để chia sẻ gánh nặng khủng hoảng tị nạn. Trong khi đó, khoảng cách giữa Đông và Tây trong EU dường như gia tăng liên quan đến cuộc khủng hoảng di cư khi bà Merkel ủng hộ việc tiếp nhận người tị nạn tại Đức, trong khi Hungary, CH Séc, Ba Lan kiên quyết chống nhập cư.

Jiri Pehe, nhà bình luận chính trị nổi tiếng và là cố vấn cho cựu tổng thống Séc Vaclav Havel, nói: "Có một nguy cơ là CH Séc giờ đây có thể hướng đến loại chủ nghĩa dân túy đang  tồn tại ở Hungary và Ba Lan. Họ có thể gây thiệt hại rất nhiều trong EU".

Tuy nhiên, Matthew Mokhefi-Ashton, chuyên gia chính trị và chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Đại học Nottingham-Trent nói với Express.co.uk rằng mặc dù ông Babis phản đối EU, nhưng ông này có lẽ sẽ không kêu gọi cuộc trưng cầu dân ý về “Czexit”.

Ông nêu rõ: "Tôi nghĩ ông ấy (Babis) sẽ tiếp tục nói về việc phản đối EU, nhưng tôi sẽ rất ngạc nhiên nếu ông ta thực sự kêu gọi một cuộc trưng cầu ý dân. Nếu ông Babis thất bại, ông ta sẽ mất uy tín. Nếu ông ta thành công, ông Babis sẽ phải tính toán những khoản cắt giảm lớn trong chi tiêu công. Đó sẽ là một sự thiệt hại".

Công Thuận (P/v TTXVN tại Séc)
Séc 'đổi tiền để từ chối' người nhập cư
Séc 'đổi tiền để từ chối' người nhập cư

Theo phóng viên TTXVN tại Prasha, tính đến ngày 16/9, CH Séc mới đón được 12 người nhập cư từ Hy Lạp trong khi hạn ngạch bắt buộc của Liên minh châu Âu (EU) dành cho nước này là 2.600 người.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN