Người tị nạn Trung Đông tại EU. Nguồn: ITAR – TASS |
Tháng 9/2017 đã là thời hạn cuối cùng để CH Séc hoàn thành chỉ tiêu. Các động thái của CH Séc cho thấy nước này đang sử dụng phương thức "đổi tiền để từ chối" người nhập cư.
Tờ báo điện tử Prague-express.cz cho biết, năm 2016 Séc đã chi 200,7 triệu koruna (hơn 8 triệu USD) cho chương trình khắc phục khủng hoảng nhập cư, chủ yếu là để giúp các nước Bắc Phi, Syria, Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp và Serbia.
Trong hai năm 2013 và 2014 tổng số tiền dành cho mục đích này chỉ là 47,5 triệu koruna và vào năm 1015 tăng lên 100 triệu koruna.
Theo Đài truyền hình Séc, trong bức thư gửi tới Cao ủy châu Âu về các vấn đề nhập cư và nội vụ Dimitris Avramopoulos vào ngày 10/9, Bộ trưởng Nội vụ Séc Milan Chovanec khẳng định: "Séc đóng vai trò tiên phong trong cuộc chiến với khủng hoảng di dân và giúp đỡ các nước là xuất phát điểm của dòng người nhập cư vào EU. Hàng trăm cảnh sát Séc được gửi tới biên giới các nước khác, Séc cũng chi nhiều viện trợ hơn cho châu Phi".
Trước đó, phát biểu tại cuộc họp báo sau phiên họp của Chính phủ vào đầu tháng 6/2017, Bộ trưởng Nội vụ Milan Chovanec cho biết: "Theo kiến nghị của Bộ Nội vụ, Chính phủ đã quyết định ngừng hiệu lực của hạn ngạch tại CH Séc, tính đến tình hình an ninh xấu đi và sự bất khả thi của toàn bộ hệ thống phân bổ người tị nạn. Chính phủ giao cho Bộ trưởng Nội vụ ngừng hoạt động trong lĩnh vực này. Điều này có nghĩa là Séc sẽ không nhận thêm người nhập cư từ lãnh thổ Hy Lạp và Italy theo sự phân bổ người tị nạn. Bộ Nội vụ được chọn là cơ quan nhà nước chuẩn bị đối phó với các biện pháp trừng phạt tiềm tàng từ phía EC. Tóm lại, từ nay cho đến tháng 9 – thời điểm còn hiệu lực của hệ thống phân bổ người tị nạn, CH Séc sẽ ngừng tham gia".
Bộ trưởng Nội vụ Séc Milan Chovanec cho rằng để giải quyết cuộc khủng hoảng di cư hiện nay thì cần làm theo kế hoạch do Slovakia đề ra khi đang giữ chức Chủ tịch EU là để các quốc gia EU tự nguyện đón những người nhập cư mà họ muốn nhận.
Còn các nước không muốn tiếp nhận người nhập cư thì tự nguyện tham gia việc bình thường hóa tình hình – gửi quân đội, cảnh sát tới biên giới bên ngoài của EU, giúp đỡ tài chính các quốc gia ở vùng chịu hậu quả chiến tranh. Có nghĩa là mỗi nước giữ lập trường riêng phù hợp với lợi ích, năng lực và kinh nghiệm lịch sử của mình về vấn đề nhập cư.
Bộ trưởng Chovanec lấy làm tiếc rằng kế hoạch của Slovakia bị "ném vào sọt rác" và quốc đảo Malta khi tiếp nhận chức Chủ tịch EU từ tay Slovakia lại ủng hộ việc phân bố người tị nạn theo hạn ngạch bắt buộc.
Ông lý giải rằng phận sự của ông là bảo đảm an ninh cho công dân của nước mình, tránh mọi sự đe dọa, trong đó có nguy cơ khủng bố đang hiện hữu ở châu Âu Lập trường của vị Bộ trưởng Nội vụ được hầu hết các chính khách của Séc ủng hộ, từ Đảng Dân chủ Tự do đến Đảng Cộng sản. Phong trào cực hữu Úsvit trước đây đã từng đòi Chính phủ từ chối hạn ngạch nhập cư dù có bị EC trừng phạt đi chăng nữa.
Chính khách Séc kiên quyết nhất trong việc khước từ hạn ngạch người tị nạn là Tổng thống Milos Zeman. Ông chủ trương thà CH Séc bị cắt tài trợ của EU chứ không nhận người nhập cư.
Ông tuyên bố: Không thể cho phép bất kỳ ai đe dọa chúng ta. Trong trường hợp xấu nhất thì Séc buộc phải từ bỏ các khoản trợ cấp chứ người nhập cư thì không thể nhận. Việc nhận hay không người tị nạn là vấn đề chủ quyền của CH Séc.
Thủ tướng Bohuslav Sobotka có thái độ thể hiện ngoại giao hơn: "Phán quyết của Tòa án EU không thể nào tác động tới thực tế là hệ thống phân bổ người tị nạn không hoạt động. Chúng ta vẫn phản đối hạn ngạch đó".
Tuyên bố của các chính khách Séc nói trên là phản ứng đáp lại lời cảnh cáo của Cao ủy châu Âu về các vấn đề nhập cư và nội vụ Dimitris Avramopoulos. Ông này tuyên bố sẽ trừng phạt các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) không tuân thủ hạn ngạch nhập cư, trong đó có Hungary, Ba Lan và không loại trừ CH Séc.
Ủy ban châu Âu (EC) đã lên kế hoạch tiếp nhận 160.000 người nhập cư đang tập trung tại Hy Lạp và Italy nhưng mới đón nhận được 17.000 người, nghĩa là chỉ thực hiện chưa đầy 10%.