Được công bố hôm 28/6, báo cáo của Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ dài 116 trang với tên gọi “Sức mạnh quân sự Nga: Xây dựng một quân đội để hỗ trợ các tham vọng vĩ đại”, đã phác họa bức tranh về một nước Nga tự coi bản thân đối lập với Mỹ và nuôi dưỡng tham vọng đưa đất nước vĩ đại trở lại như thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
“Điện Kremlin tin rằng Mỹ đang đặt nền tảng cho việc thay đổi thể chế ở Nga”, báo cáo viết. Nga bắt đầu lo ngại về bàn tay của Mỹ trong thay đổi các thể chế thông qua cái gọi là Cách mạng Màu ở các nước Đông Âu đầu những năm 2000. Nga cũng thấy sự tham gia của Mỹ trong các cuộc cách mạng Mùa xuân Arab trong các năm 2010 và 2011, và việc lật đổ cựu Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych năm 2014.
Binh sĩ Nga trong cuộc diễu binh mừng Ngày chiến thắng trên Quảng trường Đỏ ở Moskva. |
Báo cáo đưa ra trong bối cảnh chính phủ Mỹ đang bị chia rẽ bởi làm thế nào xoay xở được mối đe dọa gia tăng từ Nga, trong khi Tổng thống Donald Trump đã dành những lời khen ngợi cho Tổng thống Nga Vladimir Putin. Trước thông tin cho rằng Tổng thống Trump đang chuẩn bị những nhượng bộ cho Nga trước khi cuộc gặp đầu tiên với ông Putin thì Quốc hội Mỹ đã lựa chọn các biện pháp cứng rắn với Nga.
Thượng viện Mỹ gần đây vừa thông qua một đạo luật cho phép áp đặt các lệnh cấm vận mới với Kremlin và gây khó khăn cho Nhà Trắng trong việc dỡ bỏ các lệnh cấm vận đối với Nga.
Theo như báo cáo, cộng đồng tình báo thấy ít tín hiệu lạc quan trong cải thiện quan hệ song phương. “Nga lo lắng các nỗ lực của Mỹ trong việc đưa ra một bộ các tiêu chuẩn quốc tế có thể chấp nhận đe doạ nền tảng của quyền lực Kremlin bằng cách cho phép nước ngoài can thiệp vào công việc nội bộ của Nga”, báo cáo viết.
Ý tưởng rằng Nga lường trước việc Mỹ sẽ nỗ lực lật đổ vai trò lãnh đạo của Nga phản ánh quan hệ ngoại giao giữa hai nước đang trong sự hoài nghi.
Tương tự, Nga đã cho rằng Mỹ là đạo diễn của các cuộc biểu tình ở Kiev vào cuối năm 2013 và điều này dẫn tới sự ra đi của Tổng thống Ukraine ủng hộ Nga là ông Yanukovych, người sau đó đã yêu cầu Nga can dự vào bán đảo Crimea.
Bên cạnh đó, báo cáo của Cơ quan Tình báo Quốc phòng cũng lưu ý đến sự gia tăng nhanh chóng trong chi tiêu quốc phòng của Nga, con số đã đạt tới mức kỷ lục thời kỳ hậu Liên Xô.
Mặc dù dự trù cho chi tiêu quốc phòng đã giảm xuống trong năm 2016, nhưng lượng ngân sách bổ sung vào cuối năm đưa tổng chi tiêu lên 61 tỷ USD, theo như báo cáo này. Lượng ngân sách này lớn gấp đôi chi tiêu quốc phòng hàng năm là 27 tỷ USD.
Bất chấp mối quan hệ kỳ lạ giữa Washington và Moskva, các cơ quan chính phủ Mỹ vẫn tiếp tục nhìn nhận Nga cẩn trọng cũng như tin tưởng vào lời tuyên bố của cựu ứng viên Tổng thống Mitt Romney rằng Nga là mối đe dọa địa chính trị chính của Mỹ.
Phát biểu với Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ ngày 28/6, ông Nicholas Burns – cựu đại sứ Mỹ tại NATO – khẳng định rằng: “Nga là đối thủ nguy hiểm nhất với chúng ta trên thế giới hiện nay”.