Sư đoàn lính nhảy dù số 15, vừa được tái cơ cấu trong tháng 4 vừa qua khi chia thành các lữ đoàn nhỏ kết nối với những đơn vị quân sự trên bộ ở khắp Trung Quốc, từng có kinh nghiệm hoạt động ở Triều Tiên trong thời gian diễn ra chiến tranh Triều Tiên (1950-1953).
Sư đoàn này đóng quân tại Xiaogan, tỉnh Hồ Bắc với phần lớn lực lượng được triển khai tại tỉnh Hồ Bắc và Hồ Nam thuộc miền Trung Trung Quốc. Như vậy, nếu tính theo địa hình thì đây là khu vực lý tưởng để lực lượng lính nhảy dù có thể tỏa đi bất cứ địa điểm nào khắp Trung Quốc.
Một bài viết trên trang Sina có nhận định rằng những chiến dịch nhanh chóng và bảo đảm được việc phá hủy vũ khí hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên là rất cần thiết đối với Trung Quốc nếu chiến tranh nổ ra. Điều này để bảo đảm an toàn cho những thành phố lớn của Trung Quốc có thể nằm trong tầm tấn công của tên lửa thuộc Bình Nhưỡng.
Động thái nói trên của Sư đoàn lính nhảy dù số 15 của Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh Mỹ đã hết kiên nhẫn với Triều Tiên.
Ngày 27/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng một cuộc “xung đột ” với Triều Tiên có thể xảy ra từ chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng. Tại cuộc gặp với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hôm 30/6, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói: “Thời kỳ kiên nhẫn chiến lược với chính quyền Triều Tiên đã sụp đổ. Và nói thẳng ra thì sự kiên nhẫn đó đã kết thúc”.
Tổng thống Trump nói thêm: “Mục tiêu của chúng tôi là hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực. Tuy nhiên, Mỹ sẽ tự phòng vệ, luôn luôn như vậy và chúng tôi cũng bảo vệ cho các đồng minh”.
Hãng tin Reuters (Anh) đưa tin Mỹ từng đề nghị Trung Quốc tạo áp lực kinh tế và ngoại giao lên Triều Tiên để hạn chế chương trình hạt nhân và tên lửa nước này. Trung Quốc trong khi đó nhắc lại nhiều lần rằng ảnh hưởng của Bắc Kinh tới Triều Tiên có hạn chế và nước này đã làm mọi điều có thể.
Đây không phải lần đầu tiên Mỹ nói hết kiên nhẫn với Triều Tiên. Ngày 17/4, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence tuyên bố "thời kỳ kiên nhẫn chiến lược (với Triều Tiên) đã chấm dứt" và Bình Nhưỡng nên nhìn những gì Mỹ đã từng làm ở Syria và Afghanistan, đồng thời cảnh báo Triều Tiên đừng khiêu khích quyết tâm này hay “sức mạnh các lực lượng vũ trang của Mỹ”.
Ngay sau đó, Nga cũng có động thái động binh như Trung Quốc. Các đơn vị phòng không ở thủ đô Moskva của Nga bao gồm hệ thống phòng thủ tên lửa S-400, S-300 và Pantsir-S đã được đặt vào tình trạng báo động cao. Theo Bộ Quốc phòng Nga ngày 18/4, động thái trên là một phần trong các cuộc diễn tập sẵn sàng tính chiến đấu cho binh sĩ nước này.
Các chương trình tập trận mới của Nga diễn ra trước nguy cơ xảy ra một cuộc Chiến tranh thế giới thứ 3 bùng phát từ Bán đảo Triều Tiên. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố việc Mỹ không còn “kiên nhẫn chiến lược” với Bình Nhưỡng không góp phần vào giải quyết khủng hoảng, đồng thời hy vọng sẽ không có chuyện Mỹ lặp lại cuộc tấn công nhằm vào Triều Tiên như ở Syria.