Làn sóng COVID-19 thứ 2 tại châu Phi tồi tệ hơn nhiều làn sóng đầu tiên

Một phân tích mới cho thấy làn sóng dịch COVID-19 thứ hai đã tấn công châu Phi mạnh hơn làn sóng đầu tiên.

Chú thích ảnh
Làn sóng COVID-19 thứ 2 tại châu Phi tồi tệ hơn nhiều làn sóng đầu tiên. Ảnh: CNN

Kênh CNN (Mỹ) dẫn nguồn nghiên cứu được công bố trên tạp chí The Lancet đưa tin số ca mắc mới hàng ngày trên khắp châu Phi đã cao hơn khoảng 30% trong đợt bùng phát dịch thứ hai.

Dữ liệu chỉ ra rằng lục địa này đã ghi nhận trung bình 18.273 ca mắc mới hàng ngày trong thời gian cao điểm của làn sóng dịch bệnh đầu tiên vào giữa tháng 7/2020. Đến cuối tháng 12/2020, con số này đã tăng lên mức trung bình 23.790 ca mỗi ngày, vào thời điểm 36 trong tổng số 55 quốc gia thuộc Liên minh châu Phi đang trải qua làn sóng thứ 2 của dịch COVID-19.

Tiến sĩ John Nkengasong, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Phi, một trong những tác giả của nghiên cứu, cho biết làn sóng thứ 2 nghiêm trọng hơn có thể do một số yếu tố gây ra. Một trong số đó là việc nới lỏng các biện pháp phòng dịch, như đeo khẩu trang, giãn cách xã hội xã hội, cũng như sự xuất hiện của các biến thể mới nguy hiểm và dễ lây lan hơn.

"Những điều này cho thấy cần tăng năng lực xét nghiệm, khôi phục các chiến dịch y tế công cộng. Điều này nhằm nhấn mạnh lại tầm quan trọng của việc tuân thủ các biện pháp phòng dịch, để đạt được cân bằng giữa việc kiểm soát dịch COVID-19 và duy trì nền kinh tế và sinh kế của người dân," ông Nkengasong nói.

Tuy nhiên, ông Nkengasong cho rằng chỉ các biện pháp y tế công cộng sẽ không đủ để ngăn chặn làn sóng đại dịch ở châu Phi. Nếu không triển khai vaccine khẩn cấp, lục địa này chắc chắn sẽ phải chứng kiến làn sóng thứ 3, đã bắt đầu bùng phát ở một số quốc gia.

"Chủ nghĩa bảo hộ vaccine chắc chắn sẽ làm cho tình hình tồi tệ hơn, và gây bất lợi cho những nỗ lực toàn cầu để giành chiến thắng trong trận chiến chống COVID- 19”, ông nói thêm.

Chú thích ảnh
Một điểm xét nghiệm COVID-19 ở Nairobi, Kenya. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Các quốc gia châu Phi đang tụt hậu so với thế giới trong việc triển khai tiêm phòng COVID-19. Nguyên nhân do phần lớn các quốc gia trên lục địa này vẫn chưa nhận được bất kỳ đợt phân phối vaccine nào.

Các nước châu Phi chủ yếu dựa vào chương trình COVAX, một sáng kiến chia sẻ vaccine toàn cầu, cung cấp các liều vaccine giảm giá hoặc miễn phí cho các nước có thu nhập thấp hơn. Tuy nhiên, nguồn cung rất hạn chế. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ước tính khoảng 90 triệu liều sẽ được cung cấp cho châu Phi trong nửa đầu năm nay. Lượng vaccine này đủ để tiêm chủng cho 3% dân số châu lục. Khi vaccine sẵn có hơn, mục đích sẽ là tiêm chủng ít nhất 20% dân số vào cuối năm nay, WHO cho biết.

So sánh với Mỹ, quốc gia đang có kế hoạch cung cấp vaccine cho tất cả dân số trưởng thành vào đầu tháng 5. Anh đã tiêm chủng cho hơn một nửa số người trưởng thành và đang hướng tới việc cung cấp vaccine cho tất cả người dân vào cuối tháng 7. Liên minh châu Âu hôm 24/3 cũng cho biết họ hy vọng sẽ tiêm chủng cho 70% dân số vào cuối mùa hè.

Nghiên cứu cho biết dù số ca mắc và tử vong ở châu Phi nói chung vẫn còn thấp so với nhiều khu vực khác trên thế giới, song một số quốc gia thuộc châu lục này vẫn ghi nhận tỷ lệ lây nhiễm rất cao.

Từ giữa tháng 2 đến cuối năm 2020, châu Phi đã ghi nhận gần 3 triệu ca mắc COVID-19 và vượt ngưỡng 65.000 trường hợp tử vong. Trong đó, trên 82% ca bệnh tập trung chủ yếu ở 9 quốc gia.

Nam Phi là nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất, chiếm trên 38% tổng số ca mắc COVID-19 ở châu Phi. Maroc chiếm ​​gần 16% tổng số ca bệnh tại lục địa này, trong khi Tunisia, Ai Cập và Ethiopia mỗi quốc gia chiếm khoảng 5% tổng số ca bệnh trong lục địa.

Cape Verde, Nam Phi và Libya là 3 quốc gia ghi nhận tỷ lệ mắc bệnh cao nhất. Trong khi đó, 18 trong số 55 quốc gia đã có tỷ lệ trường hợp tử vong cao hơn mức trung bình toàn cầu.

Chú thích ảnh
Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho một nhân viên y tế tại Khartoum, Sudan. Ảnh: THX/TTXVN

Các tác giả của nghiên cứu cho rằng sự can thiệp sớm ở nhiều nước châu Phi đã khiến cho làn sóng dịch đầu tiên được kiểm soát một cách tương đối.

Nhà kinh tế học Yale Mushfiq Mubarak cho biết kinh nghiệm đối phó với các dịch bệnh trước đây cũng đã giúp một số nhà lãnh đạo châu Phi phản ứng nhanh chóng với đại dịch COVID-19.

Senegal, Rwanda, Mauritius và Liberia bắt đầu lập kế hoạch ứng phó với đại dịch COVID-19 ngay sau khi cảnh báo virus được gửi đi toàn cầu. Các quốc gia này bắt đầu sàng lọc và cách ly du khách tại sân bay. Ghana và Nigeria cấm cũng đã đi lại giữa các thành phố và ban hành lệnh giới nghiêm.

Ông Mubarak cho biết nhiều quốc gia châu Phi cũng tập trung vào việc mở rộng xét nghiệm và truy vết từ rất sớm trong đại dịch. Senegal đã xây dựng cơ sở hạ tầng cho phép cho kết quả xét nghiệm virus SARS-CoV-2 nhanh chóng, chỉ trong vòng 24 giờ. Rwanda và Sierra Leone đã tái sử dụng trang thiết bị HIV và Ebola để theo dõi, xét nghiệm và kiểm dịch. Nam Phi, Cameroon, Mauritania, Ghana, Rwanda, Senegal và các vùng của Nigeria đã xây dựng chiến dịch cộng đồng quy mô lớn gõ cửa từng nhà để kiểm tra, điều trị và cách ly bệnh nhân COVID-19 tiềm năng.

Chú thích ảnh
Nhân viên tang lễ chôn cất nạn nhân COVID-19 tại nghĩa trang Olifantsvlei, tây nam Joburg, Nam Phi hồi tháng 1/2021. Ảnh: Reuters

Phân tích 50 quốc gia có sẵn dữ liệu về các biện pháp giãn cách xã hội và sức khỏe cộng đồng, các nhà nghiên cứu cũng nhận thấy 36 quốc gia trong đó đã đưa ra những hạn chế nghiêm ngặt, trung bình 15 ngày trước khi ghi nhận trường hợp mắc bệnh đầu tiên. 14 quốc gia khác đã thực hiện phòng dịch trung bình chỉ 9 ngày sau ca nhiễm virus đầu tiên, sớm hơn nhiều quốc gia khác trên thế giới.

Đại đa số các quốc gia đều áp dụng các biện pháp, bao gồm kiểm soát việc đi lại quốc tế, đóng cửa trường học, cấm các sự kiện công cộng và tụ tập đông người.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu phát hiện ra dù làn sóng dịch bệnh thứ 2 nghiêm trọng hơn, nhưng các biện pháp y tế công cộng ngày càng ít nghiêm ngặt hơn. Họ cho rằng để ngăn chặn làn sóng đại dịch COVID-19 trở nên tồi tệ hơn, các nhà lãnh đạo châu Phi cần tăng gấp đôi các biện pháp y tế công cộng và hành động để cải thiện năng lực xét nghiệm của mình.

Hải Vân/Báo Tin tức
Vì sao ngày càng nhiều người trẻ ở Brazil mắc và tử vong vì COVID?
Vì sao ngày càng nhiều người trẻ ở Brazil mắc và tử vong vì COVID?

Trong giai đoạn đầu của đại dịch COVID-19 tại Brazil, người cao tuổi chiếm đại đa số những người mắc bệnh và tử vong. Nhưng kể từ năm nay, khi Brazil trượt vào những ngày tồi tệ nhất của đại dịch, số ca mắc bệnh nặng và tử vong đang rơi nhiều vào người trẻ tuổi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN