“Ít nhất chúng ta cũng không tệ như Mỹ”. Đó là những lời tự an ủi của nhiều người Canada khi xảy ra làn sóng COVID đầu tiên.
Nhưng chính tâm lý tự mãn đó có thể đã góp phần làm bùng lên làn sóng thứ hai nguy hiểm hơn tại Canada lúc này. Làn sóng dịch tiếp theo đang kéo căng năng lực của các bệnh viện ở hầu khắp đất nước cho dù giới chức y tế đã áp đặt các biện pháp phong tỏa và hạn chế.
“Điều mà bạn đang nói đến là chúng ta khá hơn quốc gia bị dịch nặng nhất thế giới”, ông Amir Attaran, Giáo sư luật và y tế công cộng tại Đại học Ottawa trả lời phỏng vấn CNN. Trong nhiều tháng, Giáo sư Attaran là một nhà phê bình không mệt mỏi, cảnh báo rằng, bằng cách đo lường bản thân so với thước đo của Mỹ, thì phản ứng trước COVID-19 của Canada chắc chắn sẽ chùn bước.
Và đúng là đã có sự chùn bước. “Trong những ngày qua, chúng tôi đã chứng kiến những kỷ lục về ca lây nhiễm mới ở một số lớn các tỉnh. Các ca nhập viện tăng mạnh, nhiều gia đình đang mất người thân và những người dễ tổn thương đang gặp rủi ro. Chỉ vì chúng ta đang tiến gần hơn tới vaccine không có nghĩa chúng ta có thể tự mãn”, Thủ tướng Justin Trudeau cảnh báo trong cuôc họp báo ngày 7/12.
Trong làn sóng dịch đầu tiên, người Canada chủ yếu tuân thủ, thận trọng và nghiêm túc với việc ở nhà, đeo khẩu trang và chấp hành các yêu cầu của giới chức y tế công cộng. Đại dịch khi đó cũng hiếm khi bị chính trị hóa.
Nhưng tới đầu mùa Thu, giới chức y tế Canada cảnh báo rằng các cuộc tụ họp gia đình đang dẫn đến gia tăng các ca nhiễm và tình trạng lây nhiễm cộng đồng.
Sau đó, Lễ Tạ ơn của người Canada vào đầu tháng 10 đã đẩy tình hình trầm trọng hơn khi tỷ lê lây nhiễm tăng cao trong nhiều tuần sau đó.
Những con số dữ liệu của Canada đang lao theo chiều hướng tiêu cực. Nước này đã ghi nhận con số ca nhiễm và tử vong mới cao kỷ lục trong tháng qua, theo dữ liệu từ trường Đại học John Hopkins.
Tới chiều ngày 10/12 (theo giờ Việt Nam), Canada ghi nhận trên 435.000 ca lây nhiễm và gần 13.000 ca tử vong. Theo Cơ quan Y tế Công cộng Canada, các ca nhiễm mới theo ngày hiện cao gấp 10 lần so với hồi mùa Hè.
Cũng trong mùa Hè vừa qua, có những ngày liên tiếp Canada không ghi nhận ca tử vong nào do COVID-19, còn hiện tại, mỗi ngày nước này có trên dưới 100 bệnh nhân không qua khỏi.
Nhờ các biện pháp theo dấu người nhiễm, tình hình Canada hiện vẫn khả quan hơn nhiều so với Mỹ, nhưng giới chức nước này cảnh báo công suất của các bệnh viện đang tiến dần đến điểm tới hạn, trong khi năng lực xét nghiệm vẫn đang bị hạn chế. Những tuần qua, Cơ quan Y tế Công cộng Canada cho biết trung bình khoảng 75.000 người Canada được xét nghiệm mỗi ngày. Điều đó có nghĩa nước này đang tiến hành xét nghiệm với tỉ lệ trên dân số chỉ bằng một nửa so với ở Mỹ. Tình trạng thiếu xét nghiệm cho phép virus âm thầm lây lan và gây tử vong, chủ yếu tại các nhà dưỡng lão.
Vaccine phòng COVID sắp được lưu hành nhưng lịch trình phân phối vẫn là một vấn đề khi Thủ tướng Trudeau cho biết Canada đang đảm bảo một trong những danh mục vaccine đa dạng nhất trên thế giới. Một phân tích của CNN cho thấy Canada có thể dễ dàng có gấp 4-5 lần số vaccine cần thiết để tiêm chủng cho toàn bộ dân số khoảng 38 triệu người.
Chính phủ Canada đã ký thỏa thuận với Pfizer về bắt đầu chuyển giao sớm 249.000 liều vaccine. Đợt chuyển giao này chủ yếu mang tính biểu tượng, vì chỉ là một phần nhỏ trong 20 triệu liều vaccine Pfizer mà Canada đã đặt mua trước.
Mối lo ngại nằm ở chỗ, bất chấp những thỏa thuận mạnh mẽ về đảm bảo mua vaccine, người Canada sẽ được chủng ngừa muộn hơn các công dân châu Âu và Mỹ. “Điều đó gây sốc, tôi thực sự không chờ đợi như vậy khi tôi cảnh báo Canada sẽ chậm trễ. Thực sự đau lòng bởi điều đó sẽ phải trả giá bằng sinh mạng”, Giáo sư Attaran thất vọng.
Ngoài ra, những tuần áp đặt phong tỏa dường như không có hiệu quả. Khắp đất nước Canada, giới chức y tế có chung một lời kêu gọi: Họ xin người dân ở nhà, không gặp gỡ và luôn đeo khẩu trang. Lời kêu gọi đó được hỗ trợ bởi các quy định phong tỏa và hạn chế khác nhau tại nhiều thành phố trên toàn quốc, bao gồm những trung tâm đô thị như Toronto, Motreal và Vancouver. Nhưng có rất ít bằng chứng cho thấy lệnh phong tỏa và hạn chế đang có tác động lớn kiềm chế tỉ lệ lây nhiễm.
Tại Toronto, nơi đã trải qua gần 3 tuần của lệnh phong tỏa lần thứ hai, các ca lây nhiễm tiếp tục tăng mạnh, liên tục phá vỡ kỷ lục nhiễm mới. Câu chuyện tương tự xảy ra ở tỉnh Alberta, nơi các quy định hạn chế đã không thể ngăn làn sóng lây lan cộng đồng.
Giáo sư Attaran cho rằng cả Alberta và các vùng khác của Canada đã không áp đặt lệnh phong tỏa đủ sớm. “Điều người Canada làm sai cũng là điều mà nhiều nơi trên thế giới đã sai”, ông Attaran nói, và bổ sung rằng các biện pháp nửa vời sẽ gây mất thời gian hơn để kiểm soát được dịch.