Kỳ vọng 'mong manh' của Ukraine về hội nghị hoà bình ở Thụy Sĩ

Để công thức ​​hòa bình của Ukraine có tính toàn cầu, sự tham gia của các nước “Nam toàn cầu” là rất quan trọng. Tuy nhiên, chính quyền Ukraine đang gặp khó khăn đáng kể ở Nam Mỹ và châu Phi.

Chú thích ảnh
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (giữa). Ảnh: AFP/TTXVN

Theo bình luận của nhà phân tích cấp cao Krzysztof Nieczypor tại Trung tâm Nghiên cứu phương Đông (Ba Lan) mới đây, phần lớn hoạt động ngoại giao của Ukraine đang được dành cho nỗ lực thuyết phục thế giới ủng hộ việc chấm dứt xung đột với Nga theo các điều kiện của Kiev. Từ tháng 11/2022, Ukraine đã tìm cách quảng bá Công thức Hòa bình của Tổng thống Volodymyr Zelensky. Nó bao gồm 10 điểm với các yêu cầu liên quan trực tiếp đến cuộc xung đột đang diễn ra.

Kể từ khi bắt đầu thúc đẩy công thức hoà bình trên, yếu tố không thể thiếu là việc tổ chức hội nghị hòa bình với sự tham gia của càng nhiều lãnh đạo các quốc gia trên khắp thế giới càng tốt. Lần này, hội nghị sẽ diễn ra vào ngày 15 – 16/6 tới tại khu nghỉ dưỡng Bürgenstock của Thụy Sĩ và việc chuẩn bị được tiến hành trước bốn vòng họp phối hợp: tại Copenhagen, Jeddah, Malta và Davos.

Theo chính quyền Thuỵ Sĩ, hơn 70 phái đoàn đã xác nhận tham gia hội nghị, trong khi theo Kiev là hơn 100 phái đoàn, bao gồm đại diện của Pháp, Đức, Ấn Độ, Hàn Quốc, cũng như Liên minh châu Âu và Hội đồng châu Âu. Bất chấp hy vọng của Kiev, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ không tham dự, thay vào đó Phó Tổng thống Kamala Harris sẽ đại diện cho Mỹ. Trung Quốc từ chối tham gia sáng kiến ​​này.

Bất chấp những thông báo ban đầu của chính quyền Ukraine, hội nghị sẽ không phải là sự kiện cuối cùng đánh dấu tiến trình đàm phán về công thức của Tổng thống Zelensky, mà chỉ là cuộc họp trong số nhiều hội nghị với sự tham gia của các nhà lãnh đạo thế giới. Các chủ đề của nó cũng sẽ được rút gọn thành ba điểm không gây tranh cãi: đảm bảo an toàn hạt nhân, đảm bảo nguồn cung cấp thực phẩm, trao trả trẻ em Ukraine từ Nga và tiến hành trao đổi tù nhân. Ukraine muốn có sự tham gia rộng rãi nhất có thể để chứng tỏ sự ủng hộ của họ đối với việc giải quyết xung đột theo các điều kiện của Kiev.

Kể từ khi Tổng thống Zelensky công bố toàn bộ nội dung của công thức hòa bình, chính quyền Ukraine đã cố gắng tạo cho sáng kiến ​​này một đặc tính phổ quát, thể hiện nó như một mô hình tương lai để giải quyết các xung đột khác - hiện có và tiềm ẩn - trên thế giới. Theo tầm nhìn này, mỗi nước có thể tham gia đàm phán với các quan điểm riêng của mình và tham gia xây dựng các cơ chế luật pháp quốc tế phù hợp. Điều này nhằm khuyến khích những quốc gia không hoàn toàn ủng hộ các điều kiện của Ukraine để chấm dứt xung đột với Nga, nhưng quan tâm đến các cuộc đàm phán với các vấn đề đã chọn.

Mục đích cuối cùng nhằm đạt được sự đồng thuận về hai vấn đề được đề cập trong công thức - việc tạo ra cơ chế an ninh quốc tế và ký kết thỏa thuận chấm dứt giao tranh với Nga. Theo Tổng thống Ukraine, đây sẽ trở thành nền tảng để "cải thiện cấu trúc an ninh cho Ukraine, châu Âu và toàn thế giới, ngăn chặn các hành động tấn công tiếp theo".

Ngoài việc trình bày các đề xuất trên, chính quyền Ukraine còn chỉ trích hình thức hoạt động hiện tại của Liên hợp quốc là một tổ chức không có khả năng giải quyết các vấn đề toàn cầu và do đó cần phải cải cách triệt để. Công thức hòa bình của Ukraine được trình bày như một sáng kiến ​​dựa trên quy chế của Liên hợp quốc, nhưng không có các hạn chế như khả năng sử dụng quyền phủ quyết của các thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an. Việc quảng bá công thức như vậy một mặt nhằm mục đích quốc tế hoá sáng kiến ​​​​của Ukraine, mặt khác là nhằm làm suy yếu vị thế của Nga với tư cách là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo An Liên hợp quốc.

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) sẽ không tham dự hội nghị hoà bình về Ukraine trong tháng 6 năm nay tại Thuỵ Sĩ. Ảnh: AFP/TTXVN

Chặn đường dài phía trước

Khái niệm công thức hòa bình của Ukraine đề xuất việc tổ chức một hội nghị thượng đỉnh hòa bình toàn cầu, còn nhằm để những người tham gia thông qua một tuyên bố chung ủng hộ từng phần, hoặc tốt nhất là tất cả các điểm có trong công thức trên. Ban đầu, Kiev đặt nhiều hy vọng vào một hội nghị thượng đỉnh như vậy sẽ được tổ chức tại New York vào ngày kỷ niệm năm đầu tiên của cuộc xung đột - ngày 24/2/2023. Cuối cùng, ý tưởng này đã bị từ bỏ và chỉ giới hạn trong việc bỏ phiếu - trong một phiên họp được triệu tập đặc biệt của Đại hội đồng Liên hợp quốc - về một nghị quyết phản đối hành động của Nga ở Ukraine, trong đó có đề cập chung chung đến công thức.

Những ngày tiếp theo của hội nghị do đại diện chính quyền Ukraine chỉ định - tháng 7/2023, mùa thu năm 2023, tháng 2/2024 [9] - cũng không được đáp ứng được kỳ vọng của Kiev do thiếu sự hỗ trợ quốc tế với công thức của Tổng thống Zelensky.

Trong tình huống này, Kiev quyết định tổ chức các cuộc họp bổ sung với các cố vấn an ninh, nguyên thủ quốc gia và các quan chức cấp cao khác, trong đó các điểm của công thức sẽ được thảo luận trong những nhóm làm việc đặc biệt. Bốn cuộc họp như vậy đã được tổ chức từ tháng 6/2023 đến tháng 1/2024 tại Copenhagen, Jeddah, Malta và Davos.

Trong khi chính quyền Ukraine ban đầu hy vọng có một cuộc họp chung với sự tham gia của các nhà lãnh đạo thế giới, cuối cùng họ quyết định tổ chức hai (hoặc nhiều) hội nghị thượng đỉnh. Việc hoãn thời gian và sửa đổi phương thức tổ chức hội nghị nhằm tăng cường sự quan tâm của cộng đồng quốc tế đối với sáng kiến ​​này.

Để công thức ​​hòa bình của Ukraine có tính toàn cầu, sự tham gia của các nước “Nam toàn cầu” là rất quan trọng. Tuy nhiên, chính quyền Ukraine đang gặp khó khăn đáng kể ở Nam Mỹ và châu Phi trong việc giành được sự ủng hộ của họ trong cuộc chiến với Nga. Trở lại tháng 7/2022, Tổng thống Zelensky đã bị từ chối phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh Mercosur - một tổ chức quy tụ Brazil, Argentina, Uruguay và Paraguay. Đổi lại, vào tháng 6/2023, ông Zelensky đã tiếp một phái đoàn gồm bảy quốc gia châu Phi tại Kiev, họ cung cấp cho ông một kế hoạch chấm dứt xung đột nhưng không đề cập đến các vấn đề chính đối với Ukraine, như rút lực lượng Nga khỏi lãnh thổ Ukraine, bồi thường chiến tranh cho Kiev...

Những nỗ lực của Ukraine nhằm thuyết phục các quốc gia ở Nam toàn cầu chấp nhận sáng kiến của mình về việc chấm dứt xung đột đã bị cản trở đáng kể bởi ảnh hưởng mạnh mẽ của Nga ở đó, được củng cố bởi truyền thống hợp tác lâu đời giữa các quốc gia trên cả hai lục địa với Liên Xô và sự hiện diện chính trị và quân sự của Nga. Ukraine đặc biệt bị ảnh hưởng nặng nề bởi lợi thế ngoại giao của Nga trong quá trình phong tỏa các cảng Biển Đen. Ở nhiều nước châu Phi và Nam Mỹ, ban đầu họ đổ lỗi cho Kiev về “bóng ma” nạn đói trên thế giới.

Ông Nieczypor lưu ý, thất bại trong cuộc phản công của Ukraine vào năm 2023 và những thành công tiếp theo của Nga trên mặt trận cũng là những trở ngại đáng kể trong việc huy động cộng đồng quốc tế và giới tinh hoa chính trị tham gia hội nghị thượng đỉnh và ủng hộ các điều kiện của Ukraine để chấm dứt giao tranh. Kết quả là ngày càng có nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới có thái độ chờ xem, không muốn rõ ràng chọn một bên.

Vũ Thanh/Báo Tin tức (Theo osw.waw.pl/en)
Nguyên nhân Tổng thống Ukraine bất ngờ thay đổi lập trường với Trung Quốc
Nguyên nhân Tổng thống Ukraine bất ngờ thay đổi lập trường với Trung Quốc

Lời phàn nàn của Tổng thống Zelensky rằng Trung Quốc đang làm gián đoạn hội nghị thượng đỉnh hòa bình về Ukraine ở Thụy Sĩ dường như đi chệch khỏi lập trường chính thức trước đó của Kiev. Có thể có nhiều lý do cho sự thay đổi này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN