Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Barack Obama có cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên trong hai ngày 7 - 8/6/2013 tại khu nghỉ dưỡng Sunnylands, bang California (Mỹ). Hình thức gặp gỡ này được cho là xưa nay hiếm trong lịch sử quan hệ Mỹ - Trung, vì thế, dù không phải chính thức song cuộc gặp vẫn được dư luận đặc biệt quan tâm khi xét tới bối cảnh Mỹ nhất quyết triển khai chiến lược “xoay trục” về châu Á trước một Trung Quốc ngày càng “quyết đoán”.
Cơ hội thiết lập mối quan hệ cá nhân
Theo nhận định của chuyên gia nghiên cứu cao cấp Kenneth G.Lieberthal của Viện Brookings (Mỹ), có lẽ mục tiêu quan trọng nhất của cuộc gặp thượng đỉnh lần này là cho phép mỗi nhà lãnh đạo có được sự cảm nhận thực sự về đối phương. Nếu suôn sẻ, mỗi người sẽ tự rút ra kết luận cho mình kiểu: “Tôi biết tay này rồi. Tôi nghĩ tôi có thể làm việc với ông ta được”.
Ông Barack Obama tiếp ông Tập Cận Bình khi còn là Phó Chủ tịch Trung Quốc năm 2012. Ảnh: Internet |
Tất nhiên, có khả năng là một hoặc cả hai người sẽ kết luận rằng ông ta không thể “hiểu” hoặc tin tưởng đối phương, và tương lai của mối quan hệ sẽ phản ánh thực tế này. Mối quan hệ cá nhân giữa các nhà lãnh đạo có vai trò hết sức quan trọng trong mối quan hệ giữa các nước lớn.
Ngoài việc mang lại cơ hội để tăng cường hiểu biết lẫn nhau, các cuộc thảo luận trong cuộc gặp thượng định lần này cũng sẽ giải quyết những vấn đề then chốt trong mối quan hệ Mỹ -Trung. Sẽ không có thỏa thuận được ký kết, song cuộc gặp là cơ hội để hai bên đạt được đồng thuận về các vấn đề chủ chốt. Cuộc gặp sẽ được cho là thành công nếu như hai nhà lãnh đạo nhất trí được về các hoạt động kế tiếp và trọng tâm của sự hợp tác tương lai.
Các chủ đề nóng dự đoán sẽ được hai nhà lãnh đạo Trung - Mỹ bàn thảo gồm tình hình CHDCND Triều Tiên, an ninh mạng và cáo buộc của Mỹ về gián điệp mạng Trung Quốc, sự ổn định tại châu Á khi Mỹ “xoay trục” và các vấn đề kinh tế, thương mại song phương.
Đối với vấn đề Triều Tiên, hai nhà lãnh đạo có thể sẽ bàn thảo về việc thiết lập đối thoại cấp cao tăng cường, cả dân sự và quân sự, về các tình huống tiềm tàng trong tương lai trên bán đảo Triều Tiên để hiểu rõ quan điểm của nhau về vấn đề này. Từ trước tới nay, Mỹ và Trung Quốc chưa từng đối thoại như vậy, và những bất trắc hiện nay cho thấy sự cần thiết phải có các cuộc đối thoại.
Vấn đề an ninh mạng sẽ là chủ đề nóng bỏng khi mà gần đây các quan chức Mỹ đã công khai khẳng định sự “dính líu” của chính phủ Trung Quốc đối với hoạt động gián điệp mạng nhằm vào Mỹ. Trước sức ép ở trong nước, ông Obama chắc chắn sẽ phải “làm găng” về vấn đề này, khẳng định nó sẽ tổn hại tới mối quan hệ hai nước nếu ông Tập Cận Bình không nhanh chóng có hành động để giảm các nỗ lực có tổ chức từ phía Trung Quốc nhằm đánh cắp các bí mật quân sự và kinh tế của Mỹ.
Về phần mình, ông Tập Cận Bình sẽ có thể chất vấn ông Obama về chiến lược tái cân bằng, hay còn gọi là “xoay trục”, tại châu Á của Washington, vốn làm gia tăng căng thẳng và sự không tin tưởng lẫn nhau trong những năm gần đây. Mỹ nói rằng chiến lược tái cân bằng tại châu Á luôn coi Trung Quốc là trọng tâm, song Trung Quốc cho rằng chiến lược “xoay trục” là nhằm kiềm chế sự trỗi dậy của nước này. Cuộc gặp tại California sẽ là cơ hội quan trọng để ông Obama giải thích rõ hơn về chiến lược này cũng như những mục tiêu của nó.
Các vấn đề thương mại và kinh tế cũng là chủ đề quan trọng. Sự quan tâm của Mỹ tập trung vào việc tiếp cận thị trường và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Còn sự quan ngại của Trung Quốc tập trung vào khía cạnh bảo đảm an ninh cho các khoản đầu tư của nước này tại Mỹ cũng như lý do Mỹ hạn chế xuất khẩu công nghệ sang Trung Quốc. Tất nhiên, các vấn đề này không mới, song cần thiết bởi Chủ tịch Tập Cận Bình rõ ràng muốn tiến hành cải cách kinh tế trong nước, mở ra thêm cơ hội cho sự tham gia lớn hơn, hiệu quả hơn của Mỹ.
Định hình “quan hệ nước lớn kiểu mới”?
Một vấn đề được dư luận quan tâm là khả năng Trung Quốc và Mỹ cùng bắt tay xây dựng “mối quan hệ nước lớn kiểu mới” mà Bắc Kinh đã từng đề xuất. Theo “Tạp chí phố Wall", giới chức Mỹ đón nhận ý tưởng này một cách “lạnh nhạt” dù Tổng thống Barack Obama hồi tháng 4/2013 có nói rằng Washington sẽ phối hợp với Bắc Kinh việc xây dựng mối quan hệ kiểu này. Một số quan chức Mỹ và châu Á cho rằng “quan hệ kiểu mới” này ám chỉ yêu cầu Mỹ đừng có “nhúng mũi” vào sân sau của Trung Quốc.
Khi còn là Phó Chủ tịch nước, ông Tập Cận Bình trong chuyến thăm Mỹ tháng 2/2012 đã đề cập tới việc Washington và Bắc Kinh cần phải xây dựng “mối quan hệ nước lớn kiểu mới”, đề cập tới 4 lĩnh vực mà hai bên có thể có những nỗ lực chung lớn hơn nhằm xây dựng một mối quan hệ như vậy, bao gồm: Tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau và niềm tin chiến lược; Tôn trọng “những quan ngại chủ chốt và lợi ích cốt lõi” của nhau; Làm sâu sắc hơn sự hợp tác có lợi cho cả hai; Thúc đẩy sự hợp tác và phối hợp trong các vấn đề quốc tế và các vấn đề toàn cầu.
Tháng 5/2012, ông Hồ Cẩm Đào, khi đó là Chủ tịch nước, cũng nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc thiết lập một kiểu quan hệ như vậy với Mỹ trong bài phát biểu tại Đối thoại Kinh tế và Chiến lược Trung - Mỹ lần thứ 4 tại Bắc Kinh. Trong cuộc gặp với ông Barack Obama bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G-20 sau đó, ông Hồ Cẩm Đào cũng đưa ra “đề xuất bốn điểm về mô hình mới cho các mối quan hệ nước lớn giữa Bắc Kinh và Washington”.
Thứ nhất, Mỹ và Trung Quốc tiếp tục đối thoại trên các lĩnh vực, nỗ lực tăng cường sự tin tưởng lẫn nhau và tiếp tục duy trì liên hệ cấp cao. Thứ hai, Mỹ và Trung Quốc tiếp tục làm sâu sắc “sự hợp tác hai bên cùng thắng” trong các lĩnh vực truyền thống, trong khi theo đuổi mức độ hợp tác tương tự trong các vấn đề đang nổi lên. Thứ ba, hai nước cần phải “kiểm soát hợp lý những khác biệt” và giảm thiểu sự can thiệp hay sự chia rẽ do những yếu tố bên ngoài. Thứ tư, Mỹ và Trung Quốc cần phải chia sẻ các trách nhiệm quốc tế để đối phó tốt hơn đối với các thách thức toàn cầu, và duy trì “sự tương tác lành mạnh” tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Lịch sử cho thấy việc các cường quốc mới nổi thách thức các cường quốc đã được thiết lập thường dẫn tới kết cục là một cuộc chiến tranh. Theo nhận định của Giáo sư David Shambaugh thuộc Đại học George Washington (Mỹ), chuyên gia nghiên cứu về khoa học chính trị và các vấn đề quốc tế, ông Tập Cận Bình và giới lãnh đạo Bắc Kinh đã sáng suốt khi mong muốn xây dựng “mối quan hệ nước lớn kiểu mới”. Nó hết sức cần thiết bởi “mối quan hệ kiểu cũ” với sự nghi kỵ và cạnh tranh đang chiếm ưu thế trong các mối quan hệ song phương. Mối quan hệ cạnh tranh có thể sẽ dễ dàng trượt dốc trở thành mối quan hệ thù địch nếu không được kiểm soát cẩn trọng. Lịch sử quan hệ Trung - Mỹ trong 1/4 thế kỷ qua cho thấy những nỗ lực thực sự từ hai bên để kiểm soát mối quan hệ tốt hơn là cùng nhau tán dương những khẩu hiệu trống rỗng.
Lê Dương (tổng hợp)