Mỹ- Trung: Cơ hội xây dựng quan hệ nước lớn kiểu mới

Mặc dù không phải là chuyến thăm chính thức cấp nhà nước, nhưng việc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ có cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Barack Obama đang hứa hẹn mở ra cơ hội xác định lại quan hệ giữa hai cường quốc lớn nhất thế giới trong nhiều năm tới theo hướng “quan hệ nước lớn kiểu mới”.

Trong thời gian qua, quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đã trải qua không ít thăng trầm, có lúc tưởng chừng đứng trước ngã rẽ trở thành đối thủ nhiều hơn là đối tác cạnh tranh. Tuy nhiên, trong xu hướng toàn cầu hóa kinh tế và đa cực hóa thế giới, quan hệ bình ổn giữa các nước lớn sẽ là tiền đề đảm bảo hệ thống quan hệ quốc tế diễn ra suôn sẻ, là điều kiện cần thiết cho việc duy trì ổn định và phục hồi kinh tế toàn cầu, đồng thời giải quyết các vấn đề nóng và loại bỏ các ẩn họa an ninh.

Tổng thống Obama gặp gỡ ông Tập Cận Bình khi còn là Phó chủ tịch Trung Quốc tại Nhà Trắng năm 2012. Ảnh: THX/TTXVN


Hai quốc gia đứng đầu hai nhóm nước phát triển và đang phát triển hiện đang đứng trước cơ hội lớn trong việc xây dựng quan hệ nước lớn kiểu mới theo hướng giữ vững quan hệ song phương từ tầm cao chiến lược và mục tiêu lâu dài, qua đó mang lại lợi ích thiết thực cho hai nước, đảm bảo hòa bình, ổn định, phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Tuy nhiên, mối quan hệ đó chỉ được thiết lập khi Mỹ - Trung thúc đẩy hợp tác, đối thoại bằng thái độ tích cực; giải quyết thỏa đáng những bất đồng, mâu thuẫn trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau; không ngừng tăng thêm nội hàm chiến lược trong quan hệ đối tác nhằm tăng cường sự tin cậy lẫn nhau, hợp tác cùng có lợi.

Là hai nền kinh tế lớn nhất nhì thế giới, GDP của Mỹ và Trung Quốc chiếm xấp xỉ 1/3 GDP toàn cầu, kim ngạch thương mại song phương dự kiến vượt 500 tỷ USD trong 2013. Vì thế, bất kỳ biến động nhỏ nào trong nền kinh tế, tài chính của mỗi nước đều ảnh hưởng lớn tới nhau và tới nền kinh tế thế giới. Hơn nữa, do cùng là ủy viên thường trực HĐBA LHQ nên nhiều công việc quốc tế lớn cần tới sự tham gia tích cực của hai nước này.

Nói như lời của cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, hai nước Mỹ và Trung Quốc có thể không giải quyết được mọi vấn đề, nhưng bất kỳ vấn đề lớn nào trên thế giới mà không có sự hợp tác của hai quốc gia này đều khó có thể giải quyết. Vì thế, Washington hy vọng Bắc Kinh cũng sẽ đóng vai trò ngày càng tích cực hơn trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu.

Bên cạnh đó, Trung Quốc và Mỹ cũng là hai nước lớn nhất khu vực châu Á – Thái Bình Dương, nơi được coi là động lực phát triển của thế giới, nên quan hệ giữa hai nước gần như đóng vai trò chủ đạo trong việc định hình các chuyển động chính trị, kinh tế ở khu vực này, quyết định tương lai của khu vực cũng như của thế giới. Nói như vậy có nghĩa là dù xét dưới bất kỳ góc độ nào, quan hệ Mỹ - Trung cũng đã vượt xa phạm trù hai nước và mang ý nghĩa quốc tế rộng lớn. Hai nước đã trở thành khối “cộng đồng vận mệnh và cộng hưởng lợi ích” không thể tách rời.

Trong thời gian qua, quan hệ Mỹ - Trung đã xảy ra không ít căng thẳng liên quan đến sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc và chiến lược xoay trục an ninh của Mỹ từ Tây sang Đông. Sự cạnh tranh và kiềm chế lẫn nhau giữa Mỹ và Trung Quốc đã tạo ra một vòng xoáy địa chính trị - địa an ninh mới ở châu Á – Thái Bình Dương, làm bùng phát nhiều điểm nóng trong khu vực, đồng thời tạo ra một cuộc đua tranh sức mạnh và tăng cường tiềm lực quân sự của nhiều nước.

Trong bối cảnh như vậy, cuộc gặp thượng đỉnh giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Obama có ý nghĩa rất quan trọng trong việc tăng cường sự hiểu biết và xây dựng lòng tin nhằm gạt bỏ những bất đồng, từ đó củng cố thêm một bước quan hệ vừa hợp tác, vừa cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc.

Cuộc gặp sẽ tập trung thảo luận chiến lược tương lai của quan hệ Mỹ-Trung, nêu bật cách mỗi nước nhìn nhận về vai trò của nhau trong việc đối phó với những thách thức hiện nay. Hai nhà lãnh đạo sẽ đề cập thẳng thắn các vấn đề khúc mắc giữa hai nước, từ an ninh mạng, mất cân bằng thương mại, tỷ giá đồng nhân dân tệ, an ninh - an toàn hàng hải ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, vấn đề hạt nhân của Triều Tiên,... tới “niềm tin chiến lược” vốn đang rất thiếu trong quan hệ hai nước.

Có thể nói tuy chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Tập Cận Bình chỉ kéo dài hai ngày, nhưng hai nhà lãnh đạo sẽ có khá nhiều thời gian để phát triển quan hệ cá nhân cũng như thảo luận các vấn đề quan trọng trong quan hệ giữa hai nước. Ông Tập Cận Bình sẽ thể hiện được hình ảnh của một nhà lãnh đạo mới ở Trung Quốc tự tin và mạnh mẽ trong quan hệ bình đẳng với Mỹ trong bối cảnh ban lãnh đạo mới ở Bắc Kinh đang đẩy mạnh triển khai chính sách ngoại giao toàn diện với tất cả các nước và khu vực.

Ông Obama sẽ có cơ hội để hiểu rõ hơn nhà lãnh đạo sẽ “chèo lái" đất nước Trung Quốc trong nhiều năm tới, đồng thời có thể trấn an các đồng minh ở châu Á – Thái Bình Dương về một tương lai hòa bình và ổn định thông qua việc cải thiện quan hệ Mỹ - Trung, một trong những trục quan hệ chính trên bàn cờ thế giới thế kỷ 21. Kết quả tích cực nhất của cuộc gặp sẽ cho phép hai nhà lãnh đạo làm việc theo hướng tăng cường hơn nữa sự sẵn sàng hợp tác để cùng nhau giải quyết các vấn đề toàn cầu và tạo lòng tin sâu sắc hơn, từ đó đặt nền tảng mới cho mối quan hệ giữa hai cường quốc.


Vũ Hà

Nga, Trung Quốc đều hài lòng về chuyến thăm của ông Tập Cận Bình
Nga, Trung Quốc đều hài lòng về chuyến thăm của ông Tập Cận Bình

Chiều 23/3, tại dinh thự Gorki ở ngoại ô Moscow, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã hội đàm với Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đang ở thăm chính thức cấp nhà nước Liên bang Nga từ ngày 22-24/3.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN