Trong gần 20 năm qua, ông Olaf Scholz là chính trị gia quen thuộc trên chính trường Đức. Suốt quá trình đó, ông đã kinh qua nhiều cương vị công tác khác nhau, như nghị sỹ Quốc hội Đức (1998-2001 và 2002-2011); Tổng thư ký đảng SPD (2002-2004); lãnh đạo đoàn nghị sỹ SPD trong Quốc hội Đức (2005-2007); Bộ trưởng Bộ Lao động và Xã hội liên bang (2007-2009); Thị trưởng thành phố Hamburg (2011-2018); Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Tài chính liên bang (2018-2021). Ông được đánh giá là người điềm tĩnh, khiêm tốn, có sự phấn đấu kiên trì, bề dày kinh nghiệm chính trường và hiểu rõ tình hình đất nước.
Trên mỗi cương vị công tác, ông đều để lại những dấu ấn riêng. Đặc biệt, trong giai đoạn giữ cương vị Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính vừa qua, ông đã rất thành công trong việc đề xuất áp dụng mức thuế tối thiểu toàn cầu đối với các doanh nghiệp cũng như triển khai các gói hỗ trợ chưa từng có, giúp doanh nghiệp và người dân Đức vượt qua cuộc khủng hoảng COVID-19.
Nhậm chức trong bối cảnh nước Đức đang phải đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là cuộc khủng hoảng COVID-19, người dân Đức đang hết sức mong đợi tân Thủ tướng Olaf Scholz và nội các của ông nhanh chóng triển khai các quyết sách đối nội, đối ngoại mạnh mẽ giúp đẩy lùi đại dịch, tiếp tục phát triển kinh tế, đảm bảo cuộc sống ổn định cho người dân và khẳng định vị thế, vai trò của nước Đức trên trường quốc tế.
Việc đầu tiên trong chương trình nghị sự tại quốc hội sẽ là thảo luận và quyết định một loạt biện pháp mới nhằm kiểm soát dịch bệnh, như tiêm vaccine bắt buộc cho các nhân viên y tế, tăng quyền hạn cho các địa phương để có thể ra lệnh phong tỏa một số địa điểm như nhà hàng, quán bar trong đại dịch. Chính phủ mới cũng sẽ bàn thảo kỹ việc quy định tiêm chủng bắt buộc đối với người dân.
Trước một số ý kiến trái chiều đối với các biện pháp phòng dịch và tiêm chủng, phát biểu ngay sau khi ký thỏa thuận liên minh với đảng Xanh và đảng FDP ngày 7/12, nhà lãnh đạo mới khẳng định việc nâng cao tỷ lệ tiêm chủng là điều không cần bàn cãi. Hành động biểu tình bạo lực của một bộ phận nhỏ dân chúng chống lại các biện pháp phòng dịch và tiêm chủng sẽ bị chính phủ mới coi là một "mối đe dọa" và bị phản đối kịch liệt.
Trong lĩnh vực kinh tế, chính phủ của Thủ tướng Scholz sẽ tích cực tái cơ cấu kinh tế, thúc đẩy nền kinh tế thị trường sinh thái xã hội với việc khuyến khích các công ty khởi nghiệp, các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo theo định hướng kinh tế xanh, thân thiện môi trường. Liên minh cầm quyền mới cũng đặt mục tiêu giữ vững vị thế là quốc gia công nghệ cao hàng đầu trên thế giới; tăng cường đầu tư cho giáo dục, nghiên cứu khoa học, phát triển các công nghệ mới và số hóa nền kinh tế, qua đó góp phần nâng cao tính cạnh tranh của nền kinh tế Đức trên trường quốc tế.
Trong các lĩnh vực như bảo vệ khí hậu, năng lượng, giao thông, xây dựng, nhiệm vụ của chính phủ mới của Đức sẽ rất nặng nề. Bài toán tăng cường các mô hình kinh doanh mới và sử dụng năng lượng tái tạo thay thế năng lượng hóa thạch, các công nghệ mới thay thế công nghệ cũ phát thải lượng khí thải lớn, hay mở rộng cơ sở hạ tầng giao thông và xây dựng nhà ở mới, sẽ cần những khoản đầu tư lớn. Liên minh cầm quyền cũng đã khẳng định "sẽ sử dụng số tiền bổ sung chưa từng có" để đạt được mục tiêu này. Tuy nhiên việc huy động nguồn vốn lớn trong bối cảnh hiện nay là điều không đơn giản, nhất là khi liên minh cầm quyền đã quyết định sẽ không phá vỡ quy định phanh nợ cũng như không tăng thuế.
Về an sinh xã hội, một trong những cam kết quan trọng nhất của tân Thủ tướng là tăng lương tối thiểu lên 12 euro/giờ (hiện tại là 9,6 eurro) sẽ được thực hiện trong thời gian tới. Bên cạnh đó, chính phủ mới sẽ triển khai thực hiện một loạt chính sách khác như giữ ổn định mức lương hưu, đảm bảo các quyền và chế độ cho trẻ em, xây dựng thêm 400.000 căn hộ mới mỗi năm trong đó 100.000 căn là nhà ở xã hội... Tất cả những chính sách này đều nhằm mục tiêu tăng cường gắn kết và đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân Đức.
Trong nội bộ liên minh cầm quyền, Thủ tướng Scholz được cho sẽ là người giúp giữ vững đoàn kết nội bộ, cân bằng lợi ích và quan điểm của các bên, thúc đẩy mối quan hệ liên minh chặt chẽ, sâu sắc để cùng hướng tới mục tiêu chung đưa nước Đức ngày càng tiến lên.
Về đối ngoại, phát biểu trước báo giới ngày 7/12, ông Scholz khẳng định chính sách đối ngoại của Đức là „chính sách kế thừa". Theo đó, bất kể quan hệ với các đối tác là Mỹ, Nga, Trung Quốc hay các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU), chính sách của chính phủ mới cơ bản sẽ tiếp nối chính sách của chính phủ tiền nhiệm. Trọng tâm chính sách đối ngoại của chính phủ 3 đảng được gọi là "Đèn giao thông" sẽ vẫn là EU, trong đó dành ưu tiên cao cho việc tăng cường sức mạnh và vị thế của EU trên trường quốc tế; đồng thời qua đó khẳng định vị thế, vai trò của quốc gia đầu tàu liên minh này. Tân Thủ tướng Đức cũng cho biết ông sẽ tôn trọng truyền thống của các chính phủ tiền nhiệm khi chọn Paris là điểm đến trong chuyến công du "ra mắt thế giới" đầu tiên (dự kiến vào ngày 10/12); tiếp theo sẽ là Brussels (Bỉ) để gặp gỡ các nhà lãnh đạo EU.
Sau EU, tân Thủ tướng Đức khẳng định việc tăng cường các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương và hợp tác với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ là ưu tiên tiếp theo trong chính sách đối ngoại của Đức. Điều này cho thấy rõ định hướng coi trọng các đồng minh và tính tiếp nối truyền thống trong chính sách đối ngoại của chính quyền mới.
Trong bối cảnh tình hình an ninh rìa phía Đông EU đang có nhiều căng thẳng, Thủ tướng Olaf Scholz tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của quan hệ Đức-Nga và mong muốn tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ này đi vào bền vững, thực chất hơn. Bên cạnh đó, tân Thủ tướng Đức cũng bày tỏ quan ngại về việc Nga triển khai quân ở biên giới với Ukraine. Ông khẳng định tôn trọng lợi ích của các nước láng giềng, đặc biệt là các đối tác ở Trung và Đông Âu; kêu gọi tuân thủ các nguyên tắc quốc tế, đặc biệt là nguyên tắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các quốc gia.
Với Trung Quốc, dù ít đề cập trực tiếp nhưng Thủ tướng Scholz và chính quyền của ông vẫn rất coi trọng mối quan hệ này, đồng thời sẽ có những sự điều chỉnh nhất định cho phù hợp.
Bên cạnh đó, một trong những thách thức của EU hiện tại là giải quyết vấn đề người di cư. Tân Thủ tướng Đức đã cam kết sẽ hỗ trợ tối đa cho Ba Lan để giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay tại khu vực biên giới giữa Ba Lan với Belarus.
Sau khi nhậm chức, tân Thủ tướng Olaf Scholz và nội các của ông sẽ ngay lập tức bắt tay vào công việc với những chương trình, kế hoạch dày đặc. Nhiệm vụ lãnh đạo nền kinh tế đầu tàu châu Âu là hết sức nặng nề, nhưng người dân Đức đang đặt hy vọng rất lớn vào thủ tướng mới và nội các của ông. Họ mong rằng với bản lĩnh của một nhà lãnh đạo dày dạn kinh nghiệm chính trường, vị "thuyền trưởng" Olaf Scholz sẽ tập hợp được sự đoàn kết toàn xã hội, đưa "con thuyền " nước Đức vượt qua mọi khó khăn và thách thức để hướng tới tương lai, theo đúng phương châm "Dám đạt nhiều tiến bộ hơn" của thỏa thuận liên minh mới.