Con số dự báo nêu trên không tính đến khoản cắt giảm thuế trị giá 10 tỷ euro (11,36 tỷ USD) đưa ra vào năm 2019 và khoản chi bổ sung được Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thông báo mới đây nhằm nhượng bộ đối với người biểu tình.
Theo Thống đốc BoF, Francois Villeroy de Galhau, mặc dù phong trào biểu tình “đè nặng” và tác động đến hoạt động kinh tế cuối năm 2018, nhưng tình hình sẽ được cải thiện hơn vào đầu năm 2019.
Phép thử liều cao
Ba ngày trước kỳ nghỉ lễ Giáng sinh 2018 và Năm mới 2019, những người theo phong trào "Áo vàng" đã tiến hành cuộc biểu tình lần thứ 6 trên toàn quốc. Tình trạng đụng độ giữa người biểu tình với lực lượng an ninh vẫn diễn ra tại một số nơi, dù Chính phủ Pháp đã có những nhượng bộ trong nỗ lực chấm dứt các cuộc biểu tình bạo lực của phe "Áo vàng".
Theo Bộ Nội vụ Pháp, tổng cộng có khoảng 38.600 người tham gia các cuộc biểu tình trên khắp cả nước trong ngày 22/12/2018, giảm 66.000 người so với cuối tuần trước đó. Tại thủ đô Paris, các cuộc biểu tình của phe "Áo vàng" với khoảng 2.000 người tham gia ban đầu diễn ra ôn hòa, nhưng vài giờ sau đó, căng thẳng dâng cao và cảnh sát buộc phải sử dụng vũ lực để khống chế người biểu tình.
Bạo lực nổ ra khi những người biểu tình tìm cách phong tỏa giao thông tại khu vực đại lộ Champs-Elysees, nơi có rất nhiều cửa hàng vẫn mở cửa kinh doanh trong tuần lễ bận rộn trước dịp lễ Giáng sinh. Cảnh sát thành phố cho biết đã bắt giữ 142 người biểu tình và 19 đối tượng bị giam giữ.
Ngoài thủ đô Paris, biểu tình cũng nổ ra tại một số thành phố khác của Pháp, trong đó có Bordeaux, Caen, Lille, Lyon, Marseille , Nantes, Rouen Saint-Etienne và Toulouse.
Trong khi đó, gần biên giới Pháp - Tây Ban Nha, hàng trăm người biểu tình đã làm gián đoạn giao thông khi tụ tập quanh một đường cao tốc và dựng lều tại đây. Cảnh sát đã dùng hơi cay để giải tán những người biểu tình này.
Trước đó một ngày, Quốc hội Pháp đã thông qua gói biện pháp cắt giảm thuế đầu tiên do Tổng thống Emmanuel Macron công bố trong nỗ lực chấm dứt các cuộc biểu tình bạo lực của phe "Áo vàng".
Chỉ vài giờ sau quyết định này, Thủ tướng Edouard Philippe cũng đã đến thăm vùng Haute-Vienne ở miền Trung nước Pháp để tìm hiểu về sự bất bình của những người dân nông thôn đối với chính quyền địa phương.’
Sau những quyết định cải tổ quan trọng trong 18 tháng qua, chính quyền của Tổng thống Macron đang phải đứng trước hàng loạt yêu cầu của những người “Áo vàng”. Trong số đó có thể kể đến giảm giá xăng dầu, tăng mức lương tối thiểu, giảm thuế đánh vào thu nhập người lao động và người về hưu, khôi phục lại thuế đánh vào tài sản người giàu…
Theo các chuyên gia, nguyên nhân dẫn tới tình trạng khủng hoảng này ở Pháp là do việc tăng thuế dẫn đến tăng giá bán lẻ nhiên liệu, nhất là dầu diesel, được coi là nguyên nhân chính thúc đẩy người dân xuống đường, nhất là những người thu nhập thấp sống cách xa thành phố để tiết kiệm chi phí và dùng xe ô tô cá nhân làm phương tiện di chuyển chính.
Ngoài ra, người dân Pháp cũng lo lắng khi mức chi tiêu sụt giảm. Theo một cuộc khảo sát của Ipsos Sopra Steria, hơn 8/10 người Pháp cảm thấy rằng sức mua của họ đã giảm dần trong thời gian gần đây. Cảm giác này chiếm đa số trong tất cả các nhóm dân cư, đặc biệt những người về hưu. Khi mua sắm thực phẩm, 37% người Pháp chú ý đến chi tiêu ở mức 5 euro trở xuống. Chỉ 35% nói rằng có thể để được tiền tiết kiệm vào cuối tháng.
Cùng với lạm phát tăng, những quyết sách mới của Chính phủ như giảm trợ cấp nhà ở đối với người thu nhập thấp, tăng thuế đóng góp xã hội trích từ lương hưu... đã làm giảm sức mua của người dân.
Cuối cùng, việc bãi bỏ thuế đánh vào tài sản người giàu (ISF), được thông qua vào tháng 6/2018 đã khiến cho người dân bất bình và đòi Chính phủ phải khôi phục lại. Việc bỏ thuế này, theo lập luận của Chính phủ sẽ giúp cho giới chủ doanh nghiệp đầu tư trở lại mạnh hơn vào nền kinh tế, góp phần làm tăng việc làm và thu nhập cho người lao động. Tuy vậy, ngân sách Nhà nước sẽ mất 4 tỉ trên tổng số 1.100 tỉ euro các khoản đóng góp bắt buộc.
Các cuộc biểu tình của phong trào “Áo vàng” bắt đầu từ ngày 17/11/2018 thể hiện sự tức giận của người dân trước những khó khăn, bế tắc trong cuộc sống hàng ngày. Sự tức giận đã biến thành quá khích, dẫn đến bạo loạn tại thủ đô Paris và một số thành phố lớn. Những hình ảnh xe ô tô bị đốt, cửa hàng bị cướp phá, lực lượng an ninh cảnh sát bị tấn công lan truyền chóng mặt trên các phương tiện truyền thông đã làm cả thế giới sửng sốt, một đòn mạnh giáng vào các hoạt động thương mại và du lịch của Pháp.
Các nhà kinh doanh hết sức hoang mang, lo lắng về những hậu quả nghiêm trọng đối với hoạt động kinh tế của họ vào thời điểm những ngày lễ cuối năm 2018. Các cuộc biểu tình đi liền với cướp phá đã khiến các cửa hàng kinh doanh trên các tuyến phố trọng yếu phải đóng cửa vào ngày thứ Bảy. Theo nhận định của Liên minh thương mại Pháp, bên cạnh tổn thất hàng triệu euro, hình ảnh nước Pháp bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Hàng nghìn lượt du khách quốc tế đã hủy bỏ chuyến thăm Paris, kéo theo sự thiệt hại nặng nề của lĩnh vực dịch vụ nhà hàng và khách sạn.
Nỗ lực vượt qua khó khăn
Trước sức ép từ làn sóng biểu tình bạo lực của phong trào “Áo vàng” trên toàn quốc, Tổng thống Macron giữa tháng 12/2018 đã thông báo về một loạt những biện pháp như tăng mức lương tối thiểu (SMIC) thêm 100 euro/tháng kể từ đầu năm 2019. Tiền làm thêm giờ sẽ không phải chịu bất cứ thuế hoặc phí nào cũng như những khoản tiền thưởng cuối năm cho người lao động.
Đối với những người về hưu thu nhập ít hơn 2.000 euro/tháng, khoản tăng thuế "đóng góp chung" (CSG) để chi trả cho trợ cấp an sinh xã hội và trợ cấp gia đình nghèo, trích từ lương hưu của họ, sẽ được loại bỏ từ đầu năm sau.
Các biện pháp trên có thể dẫn tới “lỗ hổng” 10 tỷ euro (11,36 tỷ USD) trong ngân sách 2019 của Pháp, qua đó khiến thâm hụt ngân sách của Pháp vượt mức dự kiến tương đương 2,8% GDP trong năm 2019 và có thể phá vỡ mức trần 3% GDP theo quy định của EU.
Kết quả khảo sát của BoF về chỉ số môi trường kinh doanh (BCI) hằng tháng cũng cho thấy các cuộc biểu tình, vốn ảnh hưởng đến các chuỗi cung ứng và hoạt động bán lẻ đã tác động mạnh tới hoạt động kinh doanh trong tháng 11/2018. Chỉ số BCI trong lĩnh vực sản xuất đã giảm xuống 101 (điểm), từ mức 102 hồi tháng 10/2018 và là mức thấp nhất trong bốn tháng trở lại đây, chủ yếu do các cuộc biểu tình tác động tới những doanh nghiệp sản xuất ô tô và các công ty thực phẩm.
Dự kiến các cuộc biểu tình sẽ khiến nhịp độ tăng trưởng của kinh tế Pháp trong quý IV/2018 giảm xuống 0,2%, so với ước tính tăng 0,4% đưa ra trước đó. Trong khi đó, theo số liệu công bố cuối tháng 12/2018, Cơ quan Thống kê quốc gia Pháp (INSEE) dự đoán kinh tế Pháp sẽ tăng trưởng 1,5% năm 2018, giảm nhẹ so với mức dự báo tăng 1,6% đưa ra hồi tháng 10/2018. Tuy vậy, INSEE dự kiến tăng trưởng kinh tế Pháp sẽ hồi phục vào đầu năm 2019 sau những đợt biểu tình “Áo vàng” diễn ra trên toàn quốc.
Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire ngày 12/12/2018 bày tỏ ủng hộ việc kêu gọi các doanh nghiệp lớn góp phần vào nỗ lực đưa mức thâm hụt ngân sách năm 2019 của Pháp càng sát ngưỡng 3% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) theo quy định của Liên minh châu Âu (EU) càng tốt.
Nguồn tin từ Văn phòng Tổng thống Pháp cho hay sau một cuộc họp với lãnh đạo các doanh nghiệp nước này, dù không có kế hoạch tăng thuế đối với các công ty, song có thể điều chỉnh những mức cắt giảm thuế theo kế hoạch. Pháp dự kiến cắt giảm thuế doanh nghiệp năm 2019 từ mức 33,3% xuống còn 31% như một phần kế hoạch giảm thuế từng bước trong nhiệm kỳ Tổng thống Pháp của ông Macron.