Khủng hoảng Eurozone: Italia có nối bước Tây Ban Nha?

Mặc dù cộng đồng kinh tế toàn cầu hoan nghênh quyết định của Khu vực đồng euro (Eurozone) cung cấp khoản cho vay lên tới 100 tỷ euro (125 tỷ USD) để giúp Tây Ban Nha vực dậy ngành ngân hàng nước này, nhưng người ta đang lo ngại các nhà đầu tư sẽ bắt đầu đánh giá Italia sẽ là "mắt xích" yếu tiếp theo của Eurozone, sau Tây Ban Nha.


Nỗi lo ngại này không phải vô căn cứ khi mà trong báo cáo vừa công bố, cơ quan xếp hạng tín nhiệm Moody's đã cảnh báo rằng khủng hoảng ngành ngân hàng của Tây Ban Nha có thể sẽ là "nguồn lây bệnh chủ yếu" cho Italia, bởi các ngân hàng tại nước này cũng dựa dẫm nhiều vào nguồn vốn từ Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).


 

Biểu tình ở Rôma tháng 11/2011 phản đối chính sách “thắt lưng buộc bụng” của chính phủ. Ảnh: Internet

 

Theo nhà báo Federico Fubini của Corriere della Sera, nhật báo bán chạy hàng đầu tại Italia, “đất nước hình chiếc ủng” hiện là nước duy nhất trong số các nền kinh tế đang gặp khó khăn ở Eurozone còn chưa đề nghị được cứu trợ", sau khi Hy Lạp, Ailen, Bồ Đào Nha và giờ là Tây Ban Nha lần lượt phải nhận sự giúp đỡ của châu Âu và các định chế tài chính quốc tế. Nếu Italia và Tây Ban Nha không có được sự ổn định về chi phí đi vay trên thị trường nợ, còn châu Âu không đạt được một thỏa thuận về hệ thống ngân hàng, thì "tình trạng bấp bênh sẽ gia tăng và các nhà đầu tư sẽ tỏ ra thận trọng với Italia hơn bao giờ hết".


Mặc dù niềm tin của các nhà đầu tư đối với thị trường Italia khả quan hơn so với Tây Ban Nha, do chi phí đi vay ở Italia thấp hơn ở Tây Ban Nha, song có vẻ như các nhà đầu tư ở Italia cũng có chiều hướng phản ứng tương tự như các nhà đầu tư ở Tây Ban Nha. Lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Italia ngày 8/6 đã tăng lên 5,745%, trong khi lãi suất trái phiếu của Tây Ban Nha đã leo lên mức 6,192%. Cũng giống như trường hợp đã xảy ra tại Tây Ban Nha, các ngân hàng Italia trong vài tháng gần đây đã mua một lượng lớn trái phiếu chính phủ nước nhà, qua đó bù đắp cho việc nhu cầu bên ngoài giảm, song vô hình chung lại khiến các ngân hàng nước này dễ bị tổn thương trước cuộc khủng hoảng nợ công.


Nhật báo Corriere della Sera cho rằng, chính những quan ngại về "nguy cơ lây lan khủng hoảng nợ" đã thôi thúc Thủ tướng kiêm Bộ trưởng tài chính Italia, Mario Monti giữ vai trò chủ chốt trong các cuộc đàm phán với kết quả là Eurozone quyết định dành khoản cho vay lên tới 100 tỷ euro cho các ngân hàng Tây Ban Nha hôm 9/6 vừa qua.


Tuy nhiên, trao đổi với nhật báo La Stampa, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chính sách châu Âu tại Brúcxen (Bỉ), Daniel Gros cảnh báo: "Sau khi Tây Ban Nha nhận được sự trợ giúp nói trên, nguồn quỹ còn lại sẽ không đủ để cứu Italia. Nước này sẽ rơi vào tình trạng không được bảo vệ và phải tự lực cánh sinh nếu tình hình xấu đi. Tại thời điểm này, kinh tế Italia vẫn trụ vững. Các cuộc đấu giá trái phiếu đang diễn ra suôn sẻ và thặng dư thương mại vẫn khả quan, song Italia cần nỗ lực hơn nữa".


Sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, hệ thống ngân hàng Italia đã hồi phục nhanh chóng và chưa từng một lần phải đề nghị sự cứu trợ ở trong nước cũng như từ nước ngoài. Trong những tháng gần đây, nhiều ngân hàng chủ chốt của nước này cũng đã tiến hành tái cơ cấu vốn thành công. Thêm nữa, các ngân hàng Italia không vướng phải các rủi ro trên thị trường bất động sản như Tây Ban Nha.


Tuy nhiên, bức tranh đã chuyển sang gam màu tối hơn, sau khi kinh tế Italia rơi vào suy thoái trong nửa cuối năm 2011, và nhất là sau khi Moody’s hồi tháng trước hạ mức xếp hạng tín nhiệm của 26 ngân hàng Italia, trong đó có cả hai "ông lớn" UniCredit và Intesa Sanpaolo. Trong khi đó, chương trình “thắt lưng buộc bụng” và cải cách cơ cấu đầy tham vọng của Thủ tướng Mario Monti cũng vấp phải sự phản đối của dư luận, do một số biện pháp như tăng thuế bắt đầu ảnh hưởng tới cuộc sống người dân.


Trong bài phát biểu trước khi Eurozone công bố khoản vay dành cho Tây Ban Nha, Thống đốc Ngân hàng Italia, IgnazioVisco nói: "Trước tình thế bế tắc tại Hy Lạp và những khó khăn lớn trong lĩnh vực ngân hàng của Tây Ban Nha, có thể thấy rằng nền kinh tế lại tiếp tục phải đối mặt với nhiều căng thẳng. Đối với Italia, tình trạng khẩn cấp vẫn chưa qua đi". Thống đốc Visco cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải tiến hành các cuộc cải cách để gia tăng niềm tin vào tiềm năng tăng trưởng của Italia, đồng thời đề cao tầm quan trọng của nguyên tắc tài chính, "ngay cả khi phải trả giá bằng một số khó khăn trong ngắn hạn".

 

TKT

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN