Trước thềm cuộc gặp, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng bày tỏ hy vọng, các cuộc đàm phán sẽ có được “kết quả tốt đẹp”. Nhưng thực tế có thể không hẳn vậy.
Trung Quốc hoài nghi, Mỹ tiếp tục gây sức ép
Giới truyền thông nhận định, lãnh đạo Trung Quốc đã định hình lại quan điểm về đòn áp thuế nhập khẩu mà chính quyền Trump đang theo đuổi. Theo đó, Trung Quốc không còn xem trừng phạt thuế đơn thuần chỉ là cố gắng của Mỹ nhằm giảm thâm hụt thương mại, mà là một phần trong chiến lược rộng lớn hơn của Trump nhằm kiềm chế Trung Quốc, không để Trung Quốc vươn lên cường quốc toàn cầu có khả năng thách thức Mỹ.
Trước thềm vòng đàm phán mới, tờ Nhân dân Nhật Báo phiên bản tiếng Anh đăng bài xã luận có tiêu đề “Hiểu sâu về chiến tranh thương mại để bình tĩnh đối phó”. Bài viết nhấn mạnh Mỹ “muốn thu lợi từ quan hệ kinh tế thương mại với Trung Quốc, nhưng hơn hết là muốn kiềm chế sự phát triển của Trung Quốc”.
Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) ngày 21/8 cũng bình luận rằng chiến lược của chính quyền Trump với Trung Quốc là “can dự kết hợp kiềm chế” và lô-gic ẩn sau cuộc chiến thương mại hiện nay là rất rõ ràng: Không phải là giảm thâm hụt thương mại, mà là kiềm chế Trung Quốc ở những lĩnh vực khác qua các yêu sách về mở cửa thị trường, bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ thay đổi mô hình phát triển… Những ngôn từ như vậy cho thấy, Mỹ và Trung Quốc vẫn còn khác biệt quan điểm quá lớn trước khi bước vào vòng đàm phán mới.
Truyền thông Mỹ nhìn nhận, Trung Quốc là nước chủ động nối lại kênh đàm phán. Bloomberg bình luận, vòng đàm phán mới cho thấy Trung Quốc muốn đưa quan hệ với Mỹ trở lại đúng quỹ đạo, như từng có giai đoạn nồng ấm thời gian đầu ông Donald Trump lên nắm quyền. Nguồn tin ẩn danh trong giới cố vấn cấp cao tại Bắc Kinh cho biết, Chủ tịch Tập Cận Bình đã chỉ đạo các cơ quan dưới quyền nhanh chóng ổn định quan hệ hợp tác với Mỹ, vì để xung đột kéo dài, lan rộng có thể đe dọa tương lai phát triển tại Trung Quốc, làm chệch hướng mục tiêu đưa Trung Quốc thành cường quốc toàn cầu. Vấn đề nằm ở chỗ, Trung Quốc chưa hiểu ý định và trọng tâm yêu sách của Mỹ.
Derek Scissors, chuyên gia nghiên cứu về Trung Quốc tại Viện Doanh nghiệp Mỹ (AEI) đánh giá, Trung Quốc có thể chấp nhận nhượng bộ Mỹ, nhưng không tin rằng chính quyền Trump có ý đàm phán thực chất. Trung Quốc không còn tin Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin có thể sớm kết thúc đàm phán và đạt thỏa thuận, rất khó để có bước tiến khi đối thoại với Malpass, quan chức dưới quyền của ông Mnuchin.
Triển vọng thiếu tích cực của đàm phán là điều đã được dự cảm trước, với việc Mỹ tiếp tục công kích Trung Quốc. Trả lời phỏng vấn hãng tin Reuters ngày 20/8, ông Trump cho biết Mỹ không kỳ vọng vào vòng đàm phán mới được nối lại. Ông chủ Nhà Trắng nhấn mạnh, cần nhiều thời gian để giải quyết bất đồng và Mỹ không vội vàng trong việc tìm kiếm thỏa thuận với Trung Quốc. Ông chỉ trích các chính quyền tiền nhiệm đã sai lầm. Phát biểu trước đông đảo cử tri tại một sự kiện ở West Virginia một ngày sau đó, ông Trump tuyên bố Mỹ sẽ không để Trung Quốc có điều kiện vượt lên như trước.
Lộ trình tháng 11 và cản trở phía trước
Không có đột phá, nhưng vòng đàm phán lần này vẫn được xem là diễn biến tích cực, bước khởi đầu cho kế hoạch để Mỹ và Trung Quốc có thể chốt được thỏa thuận cuối cùng vào tháng 11. Wall Street Journal dẫn lời quan chức hai nước cho biết, tranh chấp có thể sẽ được giải quyết ổn thỏa tại các cuộc tiếp xúc giữa ông Trump và Tập Cận Bình dự kiến diễn ra bên lề các hội nghị đa phương trong tháng 11 tới, đó là Hội nghị thượng đỉnh APEC 2018 ở Papua New Guinea vào giữa tháng và Hội nghị thượng đỉnh G-20 vào cuối tháng tại Argentina. Nếu thực hiện thành công, nó sẽ tránh một cuộc chiến tranh thương mại toàn diện giữa hai nước, hủy hoại quan hệ Mỹ-Trung và gây đứt gãy các thị trường toàn cầu. Nhưng không dễ để hoàn tất lộ trình như vậy.
Mỹ và Trung Quốc còn nhiều bất đồng chưa thể sớm vượt qua. Tờ Financial Times phiên bản tại Mỹ ngày 21/8 dẫn nguồn tin trong chính quyền Mỹ cho biết, vòng đàm phán ngày 22-23/8 về cơ bản vẫn xoay quanh 140 yêu cầu mà Mỹ nêu ra đòi Trung Quốc phải tuân thủ tại vòng đàm phán cấp cao lần thứ nhất trong tháng 5/2018. Trung Quốc hiện mới chỉ chấp nhận đàm phán, thảo luận khoảng 2/3 số yêu cầu này, ví dụ như mở cửa thị trường tài chính cho các tập đoàn Mastercard, Visa. Nhưng với các điểm còn lại, ví như thị trường điện toán đám mây, Trung Quốc bảo lưu quan điểm không đàm phán, vì lo ngại đến an ninh quốc gia.
Khó khăn nhất vẫn là xác định điểm dừng của chính quyền Mỹ. Đang tồn tại hai trường phái giải quyết tại Nhà Trắng. Đó là giữa phái ôn hòa, muốn sớm đạt thỏa thuận, chủ yếu thiên về cắt giảm thâm hụt thương mại. Đại diện tiêu biểu là Bộ trưởng Mnuchin và Chủ tịch Hội đồng Kinh tế Quốc gia Lawrence Kudlow.
Phái còn lại gồm Cố vấn cấp cao Peter Navarro, Bộ trưởng Thương mại Wilbur và Đại diện Thương mại Robert Lighthizer, được đánh giá là có quan điểm cứng rắn, thích áp thuế trừng phạt, vì tin rằng Mỹ có ưu thế trước Trung Quốc, không chỉ đòi Trung Quốc cắt giảm thặng dư thương mại, mà phải mở cửa thị trường, điều chỉnh mô hình phát triển.
Cả hai trường phái này đều nhận được ủng hộ của Tổng thống Trump và lần lượt đại diện cho phía Mỹ tham gia các cuộc đàm phán cấp cao với Trung Quốc gần đây. Nhưng yếu tố quyết định nhất vẫn là Tổng thống Trump và đây là vẫn là nhân tố bí ẩn nhất.