‘Khoảng trống’ chia đôi chính trường và phép thử nền dân chủ Mỹ

Nước Mỹ vốn đang quá bận rộn với mùa bầu cử 2020 và đối phó với đại dịch COVID-19, lại vừa đón nhận một sự kiện bất ngờ với tác động sâu rộng, khi nữ Thẩm phán Ruth Bader Ginsburg mang tính biểu tượng của ngành tư pháp “xứ sở cờ hoa” qua đời hôm 18/9.

Chú thích ảnh
Trụ sở Tòa án Tối cao Mỹ ở thủ đô Washington D.C. Ảnh: Adam Smith Institute

Nước Mỹ 4 năm qua phân cực và chia rẽ sâu sắc bởi hàng loạt cuộc đối đầu giữa đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa. Sự ra đi của bà Ruth Ginsburg, một biểu tượng của công lý và quyền bình đẳng, không chỉ để lại khoảng trống lớn tại Tòa án Tối cao, mà còn tạo ra một khoảng trống chia đôi chính trường nước Mỹ.

Việc bổ nhiệm người thay thế Thẩm phán Ruth Ginsburg không chỉ trở thành một trong những vấn đề nhạy cảm và được quan tâm nhiều nhất tại Mỹ vào thời điểm này, mà ở khía cạnh nào đó còn được nhìn nhận như một phép thử đối với nền dân chủ Mỹ về dài hạn. Người dân Mỹ dành tình cảm ngưỡng mộ và kính trọng cho các thẩm phán Tòa án Tối cao vì họ coi đó là “những người gác cổng, giải thích Hiến pháp, những người gánh trên vai trách nhiệm suốt đời bảo vệ công lý và tự do”.

Tòa án Tối cao là định chế quyền lực cao nhất của nhánh tư pháp tại Mỹ, có thẩm quyền tối hậu trong việc giải thích Hiến pháp và quyền tài phán chung thẩm đối với mọi vấn đề tố tụng liên bang. Dù cơ cấu chỉ có 9 thẩm phán, song Tòa án Tối cao là một nhánh quyền lực, đảm bảo cân bằng quyền lực và thực hiện chức năng giám sát đối với hai nhánh còn lại là hành pháp và lập pháp trong hệ thống “tam quyền phân lập” vốn là giá trị cối lõi của nền chính trị Mỹ.

Chú thích ảnh
Cố Thẩm phán Ruth Ginsburg (ngồi, thứ hai từ phải sang) và các Thẩm phán Tòa án Tối cao Mỹ. Ảnh: AP

Theo Hiến pháp nước này, các thẩm phán Tòa án Tối cao do tổng thống đề cử, Thượng viện phê chuẩn và làm việc với nhiệm kỳ trọn đời. Do vậy, việc bổ nhiệm các Thẩm phán Tòa án Tối cao từ trước tới nay luôn là đề tài nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận và chính giới Mỹ.

Sau khi nữ Thẩm phán Ruth Ginsburg, một người ủng hộ tư tưởng cấp tiến, qua đời ngày 18/9 vì bệnh ung thư tụy, hiện nay Tòa án Tối cao Mỹ chỉ còn lại 8 người, bao gồm 5 thẩm phán theo đường lối bảo thủ do các tổng thống Cộng hòa bổ nhiệm và 3 thẩm phán có tư tưởng cấp tiến do các tổng thống Dân chủ bổ nhiệm.

Do đó, việc bổ nhiệm thẩm phán mới thay bà Ginsburg có ý nghĩa hết sức quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh nước Mỹ chỉ còn 6 tuần nữa là tới ngày tổng tuyển cử. Về lý thuyết, người thay thế là một nhân vật theo tư tưởng tự do sẽ góp phần đảm bảo tính độc lập và thế cân bằng tại Tòa án Tối cao. Còn trong trường hợp người thay thế bà Ginsburg là một chính khách bảo thủ, tính cân bằng tại cơ quan quyền lực này chắc chắn sẽ bị nghi ngờ.

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Donald Trump đẩy nhanh quá trình đề cử ứng cử viên thay thế Thẩm phán Tòa án Tối cao Mỹ Ruth Ginsburg. Ảnh: CNN

Tính toán của Tổng thống Trump và phe Cộng hòa

Do vị trí thẩm phán Tòa án Tối cao do Tổng thống Mỹ đề xuất và Thượng viện phê chuẩn, nên Tổng thống Donald Trump muốn đẩy nhanh tiến trình này để tranh thủ việc đảng Cộng hòa đang nắm quyền kiểm soát Thượng viện (giữ 53 ghế, so với 47 ghế của Dân chủ). Theo Fox News, nhà lãnh đạo Mỹ dự kiến công bố đề cử của mình vào ngày 25 hoặc 26/9 và hy vọng các Thượng nghị sĩ Cộng hòa sẽ bỏ phiếu phê chuẩn trước ngày bầu cử 3/11. Ông Trump nóng lòng thực hiện việc này bởi bốn lý do chính sau.

Thứ nhất, việc bổ sung một thẩm phán bảo thủ thay thế chỗ trống của bà Ginsburg sẽ củng cố tiếng nói áp đảo của những người bảo thủ tại Tòa án Tối cao, khi tỷ lệ thẩm phán tại cơ quan quyền lực này sẽ là 6 Cộng hòa và 3 Dân chủ. Trong trường hợp Tổng thống Trump tái đắc cử sau ngày 3/11 tới, việc thực thi các đường lối, chính sách của Nhà Trắng 4 năm tới sẽ “dễ thở” hơn nhiều, bất chấp các rào cản từ Hạ viện do phe Dân chủ kiểm soát.

Thứ hai, trong bối cảnh đang có dấu hiệu “hụt hơi” trước ứng cử viên Dân chủ Joe Biden trong chiến dịch tranh cử năm nay, việc Tổng thống Trump đề cử một thẩm phán bảo thủ được đánh giá là “thỏi nam châm” hút lực lượng cử tri truyền thống là những người da trắng bảo thủ đi bỏ phiếu.

Theo tờ Politico, đây là một bước đi khôn ngoan vì nó có thể vừa giúp đảng Cộng hòa giữ được thế đa số tại Thượng viện, vừa có thể giúp Tổng thống Trump có thêm một số lượng lớn lá phiếu từ các cử tri bảo thủ, đặc biệt là tại những bang ông đang thất thế như Azirona, Bắc Corolina và Colorado.

Thứ ba, việc “làm nóng” chính trường Mỹ bằng vấn đề thay thế vị trí của Thẩm phán Ginsburg cũng phần nào giúp Tổng thống Trump chuyển hướng dư luận khỏi những chỉ trích của phe Dân chủ về cách Nhà Trắng xử lý đại dịch COVID-19, vốn đang là một trong những vấn đề khiến ứng cử viên Trump mất điểm nhiều nhất trong mắt cử tri.

Thứ tư, nếu đề cử thành công một thẩm phán bảo thủ, thì đây sẽ là thẩm phán thứ ba do Tổng thống Trump bổ nhiệm vào Tòa án Tối cao trong một nhiệm kỳ. Đó sẽ là di sản chính trị hết sức ý nghĩa dành cho Tổng thống Trump, giúp ông ghi điểm với cử tri và sánh ngang thành tích của cố Tổng thống Richard Nixon.

Chú thích ảnh
Người dân tập trung trước trụ sở Tòa án Tối cao Mỹ để tưởng nhớ cố Thẩm phán Ruth Ginsburg. Ảnh: Washington Times

Rào cản không nhỏ

Thủ lĩnh phe đa số tại Thượng viện Mỹ Mitch McConnell ngày 19/9 tuyên bố phe Cộng hòa sẵn sàng cho cuộc chiến giành ghế thẩm phán Tòa án Tối cao vừa bị bỏ trống, dù là trước hay sau bầu cử. Tuy nhiên, nỗ lực này đang đối mặt với áp lực không nhỏ.

Năm 2016, ghế thẩm phán của Tòa án Tối cao bị bỏ trống gần 10 tháng sau cái chết của Thẩm phán Antonin Scalia. Khi đó, Tổng thống Barack Obama đã đề cử ông Merrick Garland thay thế. Tuy nhiên, Thượng viện Mỹ do phe Cộng hòa chiếm đa số đã từ chối tổ chức phiên bỏ phiếu phê chuẩn, với lý do ứng cử viên thẩm phán Tòa án Tối cao thay ông Scalia nên do tổng thống đắc cử ngày 3/11/2016 đề xuất.

Kịch bản năm 2016 đang tái diễn sau sự ra đi của Thẩm phán Ginsburg. Việc Tổng thống Trump bằng mọi cách đẩy nhanh tiến trình phê chuẩn trước ngày 3/11, bất chấp kêu gọi của các chính khách Dân chủ, bị cáo buộc là cách hành xử “lá mặt lá trái”.

Bên cạnh đó, dù đảng Cộng hòa đang giữ 53 ghế Thượng nghị sĩ tại Thượng viện, song việc đề cử của Tổng thống Trump có nhận được sự ủng hộ của ít nhất 50 phiếu (một đa số tối thiểu) hay không lại là dấu hỏi lớn. Trong mùa bầu cử năm 2020, Thượng viện Mỹ sẽ bầu lại 35 ghế, bao gồm 23 thượng nghị sĩ Cộng hòa và 12 thượng nghị sĩ Dân chủ.

Theo CNN, đây sẽ là một mùa bầu cử “khó khăn và tiềm ẩn rủi ro lớn” đối với đảng Cộng hòa. Trong số 23 ghế thượng nghị sĩ Cộng hòa phải bầu lại ngày 3/11 tới, có 6 thượng nghị sĩ tại các bang Arizona, Colorado, Iowa, Maine, Montana và Bắc Carolina đang ở thế bấp bênh. Số thượng nghị sĩ Cộng hòa này chắc chắn sẽ rất do dự đối với việc vội vàng bổ nhiệm một thẩm phán thay cho bà Ruth Gínsburg, quyết định có thể làm mất lòng cử tri và trả giá bằng chính chiếc ghế tại Thượng viện.

Thậm chí Thượng nghị sĩ bang Alaska, bà Lisa Murkowski từng bỏ phiếu bác bỏ đề cử của Tổng thống Trump giới thiệu ông Brett Kavanaugh vào vị trí thẩm phán Tòa án Tối cao hồi năm 2018. Tới nay, bà Murkowski và Thượng nghị sĩ Cộng hòa Susan Collins của bang Maine đã bày tỏ sự không đồng tình với việc lựa chọn thẩm phán Tòa án Tối cao trước ngày bầu cử tổng thống.

Chú thích ảnh
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi quyết tâm ngăn chặn Tổng thống Trump bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án Tối cao thay bà Ruth Ginsburg trước ngày bầu cử 3/11/2020. Ảnh: Washington Times

Đảng Dân chủ quyết ngăn chặn tới cùng

Việc kiểm soát ghế thẩm phán vừa bị bỏ trống tại Tòa án Tối cao thậm chí còn quan trọng hơn đối với đảng Dân chủ. Hiện nay, phe Dân chủ chỉ còn kiểm soát Hạ viện và kết quả cuộc tổng tuyển cử ngày 3/11 là điều không ai có thể đoán chắc. Nếu để đảng Cộng hòa gia tăng cách biệt tỷ lệ ghế thẩm phán tại Tòa án Tối cao lên 6-3, thì ảnh hưởng của phe Dân chủ trong thời gian tới sẽ còn suy yếu hơn nữa. Chưa kể, trong trường hợp Tòa án Tối cao do phe Cộng hòa hoàn toàn chi phối, các chính sách an sinh xã hội mà đảng Dân chủ ủng hộ như quyền phá thai và Chương trình chăm sóc sức khỏe hợp túi tiền (Obamacare) có nguy cơ bị bãi bỏ bất kỳ lúc nào.

Ông Joe Biden tuyên bố việc đề cử một thẩm phán mới có nguy cơ đẩy nước Mỹ vào một cuộc khủng hoảng Hiến Pháp trầm trọng, đồng thời cáo buộc Tổng thống Trump “lạm dụng quyền lực” và “thực thi quyền hành pháp một cách thô bạo”.

Phát biểu trước cử tri ngày 18/9, ông Biden nêu rõ: "Cử tri sẽ chọn tổng thống và tổng thống đề cử thẩm phán để Thượng viện xem xét. Đây là lập trường của Thượng viện do phe Cộng hòa kiểm soát năm 2016, khi đó còn tới hơn 10 tháng trước ngày bầu cử. Đây là lập trường Thượng viện Mỹ nên lựa chọn lúc này, 46 ngày trước Ngày Bầu cử”.

Trong khi đó, phát biểu trước báo giới cuối tuần qua, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi thậm chí đã từ chối loại bỏ khả năng tiến hành luận tội Tổng thống Trump nếu ông cố thúc đẩy tiến trình bổ nhiệm một thẩm phán thay thế bà Ruth Ginsburg trước khi nước Mỹ có tổng thống mới.

Thanh Tuấn/Báo Tin tức
Tổng thống Donald Trump gặp ứng cử viên vị trí Thẩm phán Tòa án Tối cao
Tổng thống Donald Trump gặp ứng cử viên vị trí Thẩm phán Tòa án Tối cao

Ngày 21/9, một nguồn thạo tin cho biết Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gặp bà Amy Coney Barrett, ứng cử viên tiềm năng cho vị trí Thẩm phán Tòa án Tối cao hiện đang bị bỏ trống.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN