Khủng hoảng rác thảiNhững ngày này năm trước, cuộc khủng hoảng rác ở Rome, với những thùng rác đầy tràn ra ngoài, những chai lọ, thức ăn, rác rưởi các loại vương vãi trên phố và chuột ngang nhiên đi lại giữa ban ngày, đã lên mặt nhiều báo lớn của thế giới. Uy tín của Thị trưởng lúc đó là Ignazio Marino bị ảnh hưởng nặng nề. 12 tháng sau, hầu như chẳng có gì thay đổi.
Bất chấp việc người đóng thuế vẫn phải trả tiền cho các hoạt động của công ty môi trường đô thị của thành phố AMA (thuế rác ở Rome thuộc loại cao nhất ở Italy), rác vẫn đầy ứ ở các khu ngoại ô Rome, thậm chí cả ở khu trung tâm cổ thành phố, cạnh nhiều danh thắng nổi tiếng thế giới hoặc bên dòng sông Tevere thơ mộng. Giữa hai sự kiện ấy là một sự thay đổi lớn lao trong chính quyền thành phố.
Ông Marino từ chức vào đầu năm nay, sau khi dính sâu vào hàng loạt bê bối khác, và một cuộc bầu cử đã gây chấn động sân khấu chính trị Italy, khi các cử tri không chọn các ứng viên thuộc các đảng lớn trung tả và trung hữu đã điều hành Rome từ hàng thập kỉ nay. Bà Virginia Raggi, một nữ luật sư 37 tuổi, thuộc Phong trào 5 Sao (M5S), một phong trào chính trị được lập nên để chống lại hệ thống chính trị cổ điển của Italy, đã được bầu làm thị trưởng khi cử tri mong muốn có một sự thay đổi lớn lao trong đời sống chính trị thủ đô.
Thật trớ trêu, một trong những việc đầu tiên mà Raggi và chính quyền mới của Rome phải giải quyết lại chính là rác. Cuộc khủng hoảng rác ở Rome đã diễn ra từ trước cuộc bầu cử thị trưởng và trở nên nghiêm trọng hơn trong thời gian gần đây, khi rác không được dọn dẹp đang tràn lan trong nhiều khu dân cư.
Việc giải quyết vấn đề này không chỉ đơn giản là thu dọn rác, mà là một vấn đề mang tính chính trị. AMA, một thiết chế khổng lồ với hàng nghìn nhân viên, đang nợ đầm đìa 600 triệu euro và từ nhiều năm nay chìm trong các vấn đề nghiêm trọng về tổ chức cũng như quản lý. Công ty này từ lâu đã là một vấn đề nổi cộm của Rome do có quá nhiều vấn đề: quản lý yếu kém dẫn đến thất thoát vốn, tham nhũng tràn lan, hiệu quả hoạt động và năng suất lao động thấp do nhân viên liên tục nghỉ việc, tình trạng "con ông cháu cha" rất phổ biến. Không những thế, kể từ hai năm nay, AMA rung chuyển vì vụ bê bối "mafia thủ đô" khi nhiều quan chức công ty và chính quyền thành phố câu kết với mafia để khai thác các nguồn lợi từ những gói thầu công trình liên quan đến xử lý rác.
Khi những đống rác tiếp tục ùn lên khắp nơi trong thành phố dưới cái nắng hè oi ả, chuột bò khắp nơi, trên các quảng trường và dưới chân các khu di tích cổ của Thành phố Vĩnh cửu, khiến Rome trở nên xấu xí hơn, ngày càng nhiều người tin rằng đang có những áp lực ngầm từ các thế lực khác nhau buộc Thị trưởng Raggi phải mở trở lại bãi Malagrotta, bãi rác lớn nhất châu Âu, vốn đã bị đóng lại từ cách đây 3 năm sau khi Thị trưởng lúc đó là ông Marino phát hiện nhiều sai phạm của trùm xử lý rác thải Manlio Cerroni.
Những rắc rối liên quan đến một cố vấn cao cấp của bà Raggi về những hợp đồng tư vấn bộn tiền của người này, cũng như sự dính líu của bà với trùm mafia thủ đô bị bắt giữ càng làm cho tình hình trở nên tồi tệ, sau khi Cơ quan bài trừ tham nhũng quốc gia Italy (ANAC) tuyên bố sẽ mở cuộc điều tra vào những hợp đồng xử lí rác mà AMA đã thực hiện trong năm qua do nghi ngờ tham nhũng. Bà Raggi và chính quyền mới vẫn đang vất vả kiếm tìm một lối thoát cho cuộc khủng hoảng rác mà thực ra bà chỉ thừa kế từ những người tiền nhiệm. Những gì đang diễn ra thực sự là một thách thức cực lớn cho vị thị trưởng trẻ nhất trong lịch sử Rome, người được bầu lên chính với thông điệp sẽ giải quyết nhiều vấn đề lớn mà Rome đang đối mặt.
Giao thông trì trệTrong khi cuộc khủng hoảng rác chưa kết thúc, bà Raggi tiếp tục phải đương đầu với những rắc rối mới với bà, nhưng là quá quen thuộc với các thị trưởng tiền nhiệm: hệ thống giao thông công cộng đứng trước nguy cơ sụp đổ.
Công ty giao thông đô thị ATAC, quản lý tất cả các tuyến xe bus, tàu điện ngầm và nổi của Rome, một điển hình khác về làm ăn thua lỗ, với các khoản nợ đầm đìa, tham nhũng và kém hiệu quả khác, mới đây khẳng định thành phố sẽ rơi vào một "tháng 9 đen" nếu chính quyền không cấp 18 triệu euro để tiến hành bảo trì một số tuyến tàu điện ngầm, đồng thời đòi hỏi phải tiếp tục cấp vốn để bảo dưỡng, sửa chữa và thay mới một loạt xe bus cũ. Báo chí Rome cho hay, trung bình cứ 10 xe mà ATAC có thì có 3 xe hàng ngày không chạy được, do hỏng và do lái xe... nghỉ phép. Tình trạng nguy khốn về quản lý kém cỏi của ATAC là một vấn đề nghiêm trọng mà các thị trưởng tiền nhiệm của bà Raggi đã bất lực.
Thị trưởng Virginia Raggi trong cuộc họp báo ở Rome, Italy ngày 20/6. Ảnh: EPA/TTXVN |
Công ty này cùng với AMA trở thành những di sản nặng nề và tồi tệ có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của tân thị trưởng và đảng M5S, vốn được các cử tri coi như là một lựa chọn thích hợp khi cả phe trung tả và trung hữu truyền thống không còn được lòng dân vì vướng phải quá nhiều bê bối về tham nhũng và mafia.
Rome, thành phố lớn nhất Italy và là trung tâm quyền lực của đất nước này, đã hoạt động cầm chừng từ hai năm nay, sau khi suýt phá sản với khoản thâm hụt lên tới 816 triệu euro. Việc Thị trưởng Marino cảnh báo về khả năng chính quyền thành phố sẽ phải ngừng hoạt động vì không còn kinh phí đã buộc chính phủ mới lên được hai tuần lúc đó của Thủ tướng Matteo Renzi phải thông qua một kế hoạch gây tranh cãi mang tên "Cứu Rome" khi bơm trước thời hạn vào ngân sách thành phố hơn nửa tỉ euro. Rome sau đó tiếp tục rung chuyển vì vụ bê bối "mafia thủ đô" khiến hàng chục quan chức cấp quận và thành phố bị bắt và điều tra.
Bà Raggi và M5S chắc chắn không muốn những bê bối tiếp tục xảy ra trong nhiệm kì, bởi điều hành Rome là một cuộc chơi chính trị rất lớn của phong trào chính trị ngày càng lớn mạnh và có uy tín cao này. Nhưng trước hết, họ phải dọn dẹp hết rác rưởi mà chính quyền tiền nhiệm để lại. Rác theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Và điều này chắc chắn không hề đơn giản.