Khi 3 cường quốc Mỹ, Trung Quốc và Nga đều đưa tàu chiến hiện đại tới Biển Đông

Trong khi tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc đang đậu ở Biển Đông, tàu sân bay USS Carl Vinson của Mỹ đang trên đường tới đây và Nga cũng bắt đầu để lộ ý hướng can dự vào một trong những vùng biển tập nập nhất thế giới này.

Tờ Rappler của Philippines cho hay vào ngày 3/1 vừa qua, tàu chống ngầm Đô đốc Tributs và tàu tiếp dầu Boris Butoma của Hải quân Nga đã cập cảng ở Manila bắt đầu chuyến thăm thiện chí trong 4 ngày.

 

Phát biểu với báo giới, phó Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Hải quân Nga, chuẩn Đô đốc Eduard Mikhailov, cho biết trong tương lai, Hải quân Nga sẽ có những cuộc tập trận nhằm giúp Philippines đối phó với khủng bố cũng như nạn cướp biển.

 

Và không chỉ có Philippines, theo ông Mikhailov, trong vài năm nữa, Nga sẽ có thể cùng Trung Quốc và Malaysia tập trận tại Biển Đông "vì nhiệm vụ chính là đảm bảo an toàn tại khu vực".

 

Cụm tàu chiến đấu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc ở Biển Đông. Ảnh: CCTV

Gần như cùng thời điểm tàu chiến Nga tới Philippines, Bộ Ngoại giao Trung Quốc thông báo, nhóm tàu chiến của nước này do tàu sân bay Liêu Ninh dẫn đầu sẽ thử vũ khí và thiết bị như kế hoạch diễn tập ở Biển Đông. Trước đó, tàu Liêu Ninh đã lần đầu tiên tới Tây Thái Bình Dương rồi mới đổi hướng vào khu vực Biển Đông.

 

Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) cho hay sau 5 ngày di chuyển từ căn cứ Thanh Đảo, tỉnh Liêu Ninh ở phía Bắc Trung Quốc, cụm tàu chiến đấu sân bay Liêu Ninh đã đến khu vực gần đảo Hải Nam, thuộc Biển Đông vào ngày 28/12/2016. CCTV cũng công bố nhiều ảnh chụp cho thấy cụm tàu Liêu Ninh di chuyển theo đội hình và thực hiện các hoạt động diễn tập trên Biển Đông vào ngày 2/1.

 

Về phần mình, vào hôm 3/1, Hải quân Mỹ cho biết cụm tàu chiến đấu sân bay USS Carl Vinson bao gồm một tàu tuần dương và hai tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường, đã rời căn cứ ở San Diego (bang California) để đến phía Tây Thái Bình Dương.

 

Theo truyền thông Mỹ, tàu sân bay hạt nhân USS Carl Vinson sẽ hoạt động ở vùng biển này trong 7 tháng và dù được triển khai hoạt động ở khu vực thuộc sự quản lý của Hạm đội 7, nhưng tàu Carl Vinson vẫn phải chịu sự chỉ huy và kiểm soát của đơn vị chủ quản là Hạm đội 3.

 

Tàu sân bay Mỹ USS Carl Vinson.

Phản ứng trước thông tin Mỹ đưa USS Carl Vinson trở lại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, tờ China Daily dẫn lời một lãnh đạo thuộc Học viện Khoa học Quân sự của Quân Đội Trung Quốc cho rằng động thái này của Washington là để ngăn chặn Bắc Kinh trên Biển Đông.

 

Trong khi đó, một chuyên gia nghiên cứu cao cấp của Hải quân Trung Quốc đã gắn việc tàu USS Carl Vinson đến Tây Thái Bình Dương với những thông tin trên báo chí, trong đó cho rằng Mỹ có ý định đặt các giàn pháo chống hạm hạng nặng trên Biển Đông, đồng thời khẳng định Bắc Kinh "chắc chắn sẽ có biện pháp đối phó" nếu Washington đe dọa các lợi ích của Trung Quốc tại vùng biển này.

 

Sự xuất hiện của tàu chiến thuộc ba cường quốc quân sự ngay trong những ngày đầu năm 2017 một lần nữa làm nóng vấn đề Biển Đông. Theo báo điện tử Đa chiều có trụ sở ở Mỹ, động thái này làm gia tăng nhân tố bất ổn định ở một trong những vùng biển tập nập nhất thế giới này, khiến tình hình khu vực càng khó nắm bắt.

 

Hoàng Hà
Khởi động hiệp định hợp tác quốc phòng, Nhật-Pháp lên tiếng về Biển Đông
Khởi động hiệp định hợp tác quốc phòng, Nhật-Pháp lên tiếng về Biển Đông

Trong tuyên bố chung đưa ra sau cuộc họp 2+2, các bộ trưởng quốc phòng và ngoại giao Nhật-Pháp kêu gọi tất cả các bên có quyền lợi trên Biển Đông cần tôn trọng các quy định của luật pháp quốc tế và nỗ lực ngăn chặn các hành động trái phép.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN