Kế hoạch của chấm dứt xung đột Nga - Ukraine của ông Trump liệu có khả thi?

Trong chiến dịch tái tranh cử hiện tại, ứng cử viên đảng Cộng hoà Donald Trump đã nhiều lần tuyên bố ông có thể nhanh chóng chấm dứt xung đột Nga – Ukraine, song không đưa ra kế hoạch chi tiết trong bổi cảnh cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đang đến gần.

Chú thích ảnh
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thượng nghị sĩ bang Ohio J.D. Vance. Ảnh: Getty Images/TTXVN

Trong một chương trình Podcast, thượng nghị sĩ JD Vance, người liên danh tranh cử của ông Trump, đã trình bày một số chi tiết tầm nhìn của Chính quyền ông Trump về vai trò tương lai của Washington trong cuộc xung đột ở Ukraine.

Cựu Tổng thống Trump đã nhiều lần trích dẫn chính sách của Mỹ đối với Ukraine để chỉ trích giới lãnh đạo đảng Dân chủ, Ông lập luận rằng chính quyền hiện tại của Mỹ đã tài trợ và trang bị vũ khí cho một cuộc chiến tranh mở rộng quy mô lớn không có lợi cho Washington.

Ông Trump còn tuyên bố cuộc xung đột này sẽ không bao giờ nổ ra nếu ông đắc cử vào năm 2020 và nói rằng ông có thể khiến cuộc chiến này chấm dứt trong 24 giờ. Tuy nhiên, vị tổng thống thứ 45 của nước Mỹ không đưa ra bất kỳ lập luận nào để chứng minh cho tuyên bố này.

Tuần trước, trong cuộc tranh luận với Phó Tổng thống Kamala Harris, ông Trump cho biết nếu được bầu vào tháng 11, ông sẽ hoàn thành cam kết này trước khi nhậm chức vào tháng 1. Nhưng ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa cho rằng việc trình bày chi tiết kế hoạch sẽ làm lộ mục đích của ông trong các cuộc đàm phán.

“Tôi có một kế hoạch rất chính xác về cách ngăn chặn xung đột giữa Ukraine và Nga. Và tôi có một ý tưởng nhất định, có thể không phải là một kế hoạch, nhưng là một ý tưởng cho Trung Quốc”, ông Trump nói tuần trước trong một cuộc phỏng vấn với Lex Fridman.

Sau đó, ông nói thêm: “Nhưng tôi không thể trình bày những kế hoạch đó vì nếu tôi đưa ra những kế hoạch đó, tôi sẽ không thể sử dụng chúng. Chúng sẽ không thành công. Một phần của kế hoạch này chính là sự bất ngờ”.

Trong khi ông Trump không chia sẻ chi tiết về kế hoạch ngăn xung đột ở Ukraine, người đồng hành của ông gần đây đã cởi mở hơn. Theo ông Vance, ông Trump sẽ bắt đầu đàm phán với Điện Kremlin, Ukraine và các bên liên quan ở châu Âu nếu ông thắng cử với mục tiêu đạt được “một giải pháp hòa bình”.

“Ý tưởng này dường như sẽ là đề xuất giống như đường phân giới hiện tại giữa Nga và Ukraine, giống nhưmột khu phi quân sự”, ông Vance nói.

Chú thích ảnh
 Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Des Moines, Iowa, ngày 28/7/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Ông Vance không thảo luận về vị trí hay phạm vi của khu phi quân sự này, song nhấn mạnh rằng khu vực này sẽ được thắt chặt nghiêm ngặt để Nga không thể đưa quân vào lần nữa.

“Ukraine vẫn giữ được chủ quyền, trong khi Nga sẽ nhận được sự đảm bảo trung lập từ Ukraine - không tham gia NATO, không tham gia một số tổ chức đồng minh này. Thỏa thuận cuối cùng sẽ tương tự như vậy”, ông nói.

Ông Vance cho biết sẽ có rất nhiều rủi ro nếu Washington giúp Ukraine kiểm soát Crimea, khu vực đã sáp nhập Nga từ năm 2014. Ông cũng tin rằng ông Trump có thể đạt được thỏa thuận này nhanh chóng vì ở châu Âu, mọi người đều tin rằng ông Trump thực sự sẽ hành động như những gì ông ấy nói.

Theo giới quan sát, phác thảo kế hoạch do ông Vance trình bày có vẻ gần hơn nhiều với tầm nhìn mà Moskva đưa ra về việc chấm dứt xung đột, so với tầm nhìn được Ukraine và NATO ủng hộ.

Trước hết, ông Trump ủng hộ việc duy trì các đường phân giới hiện tại. Điều này có nghĩa là Ukraine sẽ phải nhượng lại quyền kiểm soát một số lãnh thổ của họ.

Vài tháng sau khi chiến dịch quân sự ở Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022, Nga đã kiểm soát một số khu vực của Ukraine - bao gồm các khu vực ở Lugansk, Donetsk, Kherson và Zaporizhia. Nga nhấn mạnh bất kỳ kế hoạch hòa bình nào cũng phải thừa nhận “thực tế trên thực địa”.

Trong khi đó, Ukraine tuyên bố mọi thỏa thuận hòa bình đều vô hiệu hóa việc Nga sáp nhập toàn bộ lãnh thổ mà họ tuyên bố chủ quyền, bao gồm cả việc hủy bỏ việc sáp nhập Crimea và trả lại quyền kiểm soát cho Kiev.

Chú thích ảnh
(Từ trái sang) Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy và Ngoại trưởng Anh David Lammy tại cuộc gặp ở Kiev ngày 11/9/2024. Ảnh: AA/TTXVN

Ukraine đang nỗ lực hết sức để có thêm ngân sách, vũ khí, và trở thành thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) - liên minh quân sự phương Tây. NATO đã thảo luận về quá trình gia nhập của Ukraine, cam kết đẩy nhanh quá trình gia nhập khối của Kiev theo “con đường không thể đảo ngược”.

Song các nhà phân tích cho rằng cuộc xung đột Nga - Ukraine không có dấu hiệu dừng lại trong tương lai gần, bất kể kết quả cuộc bầu cử Mỹ ra sao.

Điện Kremlin cũng đã bày tỏ sự bi quan về tuyên bố của ông Trump trong nỗ lực chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine ngay lập tức. Đầu tháng 9, phát ngôn viên Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov, cho rằng kế hoạch đó chỉ nằm trong “phạm vi tưởng tượng”.

Về phần mình, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Moskva ủng hộ bà Kamala Harris tranh cử tổng thống và nói rằng có thể bà sẽ không áp dụng thêm lệnh trừng phạt nào nữa đối với Nga.

Nga và Ukraine vẫn đang tiếp tục giao tranh trên nhiều khu vực. Trong khi Moskva đã giành được những thắng lợi nhỏ ở miền đông Ukraine, thì lực lượng Ukraine vẫn tiếp tục tấn công vào tỉnh biên giới Kursk.

Hải Vân/Báo Tin tức (Theo Al Jazeera, AFP)
Vụ ám sát hụt ông Trump lần 2 ảnh hưởng ra sao đến cuộc đua vào Nhà Trắng?
Vụ ám sát hụt ông Trump lần 2 ảnh hưởng ra sao đến cuộc đua vào Nhà Trắng?

Vụ ám sát hụt thứ hai nhắm vào ông Trump đã làm tăng thêm tính căng thẳng của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN