Iraq - sự thất bại từ những chính sách

Gần 3 năm sau khi những binh sỹ Mỹ cuối cùng rút khỏi Baghdad, Iraq lại rơi vào tình trạng hỗn loạn nghiêm trọng và có nguy cơ bị xé nhỏ trước sự trỗi dậy bất ngờ của phiến quân. Bất ngờ là bởi phe nổi dậy giành thắng lợi chóng vánh đối với một vùng rộng lớn ở miền Bắc và miền Tây Iraq trong tuần qua. Còn nguyên nhân dẫn đến tình trạng này có lẽ không bất ngờ đối với nhiều người.

Sự nổi dậy của phiến quân là điều giới phân tích nhiều người đã dự đoán từ lâu đối với đất nước Trung Đông này. Kể từ khi Mỹ đưa quân đội vào Iraq lật đổ Tổng thống Saddam Hussein và chính quyền của người Hồi giáo dòng Sunni hồi năm 2003, kết quả duy nhất mà Mỹ có được chỉ là dựng lên được một chính phủ thân Mỹ và một lực lượng an ninh non trẻ do Mỹ đào tạo. Iraq từ lâu giống như một đứa con hoang bị bỏ rơi, dù vẫn có “bố mẹ” và sự bảo trợ của “cha nuôi” Mỹ, nhưng những người này không quan tâm tới nó mà chỉ chăm chăm phục vụ lợi ích của mình.

Khi tình cảm phe phái bám chặt Baghdad

Người Hồi giáo dòng Shiite sẵn sàng gia nhập lực lượng an ninh Iraq chống phiến quân.


Chính phủ Iraq cho đến nay đều do những người Shitte chiếm đa số thay nhau nắm quyền lãnh đạo và chính điều này càng khoét sâu thêm những mâu thuẫn sắc tộc gay gắt, khiến chúng sẵn sàng bùng nổ bất cứ lúc nào. Người Hồi giáo dòng Sunni thiểu số đã ngày càng tỏ ra bất mãn với các chính sách của chính quyền ở Baghdad vì cho rằng chính quyền do người Shitte lãnh đạo đã chèn ép và phân biệt đối xử với họ. Các tay súng người Sunni đã mở nhiều cuộc tiến công vào lực lượng quân đội và cảnh sát. Bạo lực vì thế cứ triền miên ngày qua ngày suốt những năm qua ở Iraq.

Sự trỗi dậy của tổ chức tự xưng mang tên “Nhà nước Hồi giáo Iraq và vùng Levant" (ISIL) ngày hôm nay được cho là có mầm mống từ 4 năm trước, khi Iraq tiến hành các cuộc bầu cử mang tính bước ngoặt năm 2010. Với sự hậu thuẫn của Mỹ, các bộ lạc Sunni từng góp phần gạt bỏ và kiềm chế al-Qaeda ở Iraq, đã rất hứng khởi tham gia bầu cử. Khối Iraqiyya đã được sự ủng hộ lớn từ cộng đồng Sunni và giành thắng lợi bầu cử, nhưng chưa từng được trao cơ hội để thành lập chính phủ. Không những thế, sau cuộc bầu cử, Thủ tướng Nouri al-Maliki đã tìm cách thành lập một liên minh Shiite vững chắc và loại bỏ một cách có hệ thống các đối thủ chính trị của ông, chủ yếu là người Sunni hoặc Shiite thế tục.

Những động thái này của ông Maliki đã tạo môi trường thuận lợi cho ISIL tái xuất hiện. ISIL là một nhóm chiến binh Takfiri thậm chí cực đoan hơn al-Qaeda, đã trở thành hiện thân của tâm trạng thất vọng và tức giận của những người theo trào lưu chính thống Sunni và tạm thời là toàn bộ người Sunni Iraq. Các bộ lạc Sunni từng chống lại al-Qaeda ở Iraq giờ đây trung lập hoặc thậm chí ủng hộ tổ chức này khi chính phủ đã trở thành kẻ thù của họ. Điều này cũng lý giải một phần tại sao ISIL nhanh chóng chiếm được các thành phố, trong đó có Mosul, thành phố lớn thứ hai ở Iraq.

Kể từ khi Mosul thất thủ, Thủ tướng Maliki không đề cập nhiều, chỉ tỏ ý muốn trang bị vũ khí cho dân chúng để chống lại quân nổi dậy, những biện pháp có thể sẽ dẫn đến hậu quả là khuấy động trở lại cuộc nội chiến đã dìm đất nước này trong máu thời kỳ 2006-2007. Ông cũng luôn nhấn mạnh đến mối đe dọa khủng bố xuất phát từ ISIL để đưa “nhà bảo trợ” Mỹ đến chỗ phải hành động. Tuy nhiên, nước Mỹ bây giờ không còn là nước Mỹ của những năm 2000 nữa.

Mỹ bỗng ở “ngã ba đường”

Sự thắng thế của quân nổi dậy tại đất nước vốn bị chia rẽ sâu sắc này không những phơi bày sự thất bại nặng nề trong chính sách của Thủ tướng Iraq Nouri al Maliki mà còn cho thấy sự thất bại hoàn toàn trong chiến lược quân sự của chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama suốt 5 năm rưỡi qua. Giờ đây, ngoài sự mệt mỏi sau những cuộc chiến hao người tốn của, ông chủ Nhà Trắng còn cảm thấy những chiến lược được áp dụng cho cuộc chiến chống khủng bố ở Trung Đông, châu Phi và Afghanistan-Pakistan trở nên “vô tác dụng” trước ISIL.

Trước khi các lực lượng Mỹ cuối cùng rời khỏi Iraq tháng 12/2011, chính quyền đã đầu tư những nguồn lực lớn để xây dựng quân đội mới cho Iraq, thông qua huấn luyện và cung cấp số lượng khí tài quân sự lớn chưa từng có. Washington đã đầu tư tổng cộng khoảng 25 tỉ USD để phát triển quân đội Iraq. Thế nhưng đội quân đắt đỏ này đã tan rã ngay khi ISIL vừa mới nổi dậy. Việc thay thế các đơn vị lớn trên mặt đất bằng các thiết bị bay không người lái, từng tấn công các mục tiêu của những tổ chức liên kết với al-Qaeda, Taliban và nhiều nhóm Hồi giáo cực đoan khác, cũng không thể áp dụng đối với ISIL. ISIL không phải là một chính quyền có tổ chức nên không có hạ tầng cơ sở để có thể ném bom.

Một chiến lược khác mà Mỹ từng thực hiện ở Libya và ở Syria là trợ giúp cho các nước ủng hộ phe nổi dậy, cũng không khả thi trong hoàn cảnh của Iraq. Nước hiện sẵn sàng giúp Baghdad chống ISIL là Iran. Nhưng ISIL lại là nhóm hoạt động mạnh chống chính quyền ở Syria - nơi Mỹ ủng hộ phe nổi dậy còn Iran phản đối. Chống ISIL, Washington sẽ vô tình đứng về phía Tổng thống Syria Bashar al-Assad và chính phủ Iran “kẻ thù”. “Ông chủ” Mỹ bỗng chốc đứng giữa ngã ba đường: ngồi nhìn Iraq tách thành ít nhất ba quốc gia khác nhau, với một phong trào thậm chí cực đoan hơn al-Qaeda kiểm soát các khu vực có nguồn dầu mỏ dồi dào cũng như các đường biên giới với Syria và Jordan; hay đành phải để Iraq chuyển đổi thành vệ tinh đầy đủ của Iran.

Hiện mới chỉ có một giải pháp cho Iraq là ISIL đã đi quá xa trong hành vi của mình. Khi tiến về Mosul, một bộ phận chiến binh đã đốt phá tòa lãnh sự Thổ Nhĩ Kỳ và bắt cóc một số nhà ngoại giao tại đây. Theo luật pháp quốc tế, điều đó có nghĩa là tấn công chống lại Thổ Nhĩ Kỳ và có rất ít khả năng Ankara nhún vai bỏ qua. Tiếp đó, Iran, nước trở thành một trong những đồng minh chính của Thủ tướng Maliki, không hề muốn tín đồ Sunni - lại càng không phải là tín đồ Sunni theo thuyết nghìn năm - có chỗ đứng ở Baghdad. Như vậy, một liên minh kỳ lạ giữa ba nhân tố này có thể ra đời để chống lại cuộc nổi dậy ô hợp của ISIL.


Khánh Linh


Nhà Trắng không loại trừ phương án không kích tại Iraq
Nhà Trắng không loại trừ phương án không kích tại Iraq

Tổng thống Barack Obama không loại trừ khả năng tiến hành các cuộc không kích tại Iraq nhằm hỗ trợ lực lượng chính phủ nước này chống lại các phiến quân Sunni đang đe dọa chia cắt đất nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN