Iran sẽ biến động ra sao sau cái chết của Tổng thống Ebrahim Raisi

Từng được coi là người có khả năng kế nhiệm Lãnh đạo tối cao của Iran, Tổng thống Ebrahim Raisi đã qua đời khi đương chức, khiến thể chế theo đường lối cứng rắn của nước Cộng hòa Hồi giáo phải đối mặt với một tương lai nhiều biến động.

Chú thích ảnh
Lực lượng cứu hộ chuyển thi thể nạn nhân tại hiện trường vụ rơi trực thăng chở Tổng thống và Ngoại trưởng Iran ở huyện Varzaqan, tỉnh Đông Azerbaijan, cách thủ đô Tehran khoảng 670km, ngày 20/5/2024. Ảnh: AFP/TTXVN

Tổng thống Iran, ông Ebrahim Raisi, 63 tuổi, đã thiệt mạng hôm 19/5 cùng với Ngoại trưởng Hossein Amir-Abdollahian và một số quan chức cấp cao khác, trong một vụ tai nạn máy bay trực thăng ở vùng Tây Bắc xa xôi của đất nước. Cái chết của họ đến vào thời điểm nhạy cảm đối với một đất nước đang phải đối mặt với những thách thức chưa từng có cả ở trong và ngoài nước.

Nền kinh tế của Cộng hòa Hồi giáo vẫn bị tê liệt bởi các lệnh trừng phạt của Mỹ, dân số trẻ ngày càng trở nên “cá tính” và đất nước này phải đối mặt với những kẻ thù ngày càng hiếu chiến ở Trung Đông và xa hơn thế.

Ali Vaez, Giám đốc Dự án Iran tại tổ chức nghiên cứu Nhóm Khủng hoảng Quốc tế, cho biết trên mạng X rằng cái chết của ông Raisi sẽ “kích hoạt các cuộc bầu cử vào thời điểm mà IRI (Cộng hòa Hồi giáo Iran) đang ở đỉnh cao của các chính sách loại trừ”.

Ai sẽ kế nhiệm ghế tổng thống?

Quyền lực hiện đã được chuyển giao cho Mohammad Mokhber, người từng giữ chức phó tổng thống của cố Tổng thống Raisi và ngày 20/5 đã được Lãnh đạo tối cao Ayatollah Ali Khamenei, người quyết định cuối cùng về các vấn đề đối nội và đối ngoại của Iran, phê chuẩn làm quyền tổng thống.

Sanam Vakil, giám đốc chương trình Trung Đông và Bắc Phi tại tổ chức tư vấn Chatham House ở London, cho rằng, không nổi tiếng như người tiền nhiệm quá cố, Mokhber là “một nhà lãnh đạo kiểu khác”, “ông thân thiết với IRGC, gần với đòn bẩy quyền lực”. Vakil nói thêm rằng ông Mokhber có thể sẽ đưa ra một mô hình “làm việc như thường lệ” trong những ngày tới.

Nhưng theo luật, Iran sẽ phải tổ chức bầu cử trong vòng 50 ngày tới. Ngày 20/5, hãng thông tấn nhà nước Iran IRNA cho biết cuộc bầu cử tổng thống Iran sẽ diễn ra vào ngày 28/6. Các ứng cử viên có thể đăng ký từ ngày 30/5 đến 3/6 và chiến dịch tranh cử sẽ diễn ra từ 12/6 đến ngày 27/6.

Các chuyên gia cho rằng cuộc bầu cử có thể sẽ được tổ chức vội, tỉ lệ cử tri đi bầu không cao. Vào tháng 3, Iran ghi nhận tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu thấp nhất kể từ khi nước Cộng hòa Hồi giáo thành lập năm 1979, bất chấp nỗ lực của chính phủ nhằm kêu gọi cử tri đi bỏ phiếu.

Cuộc tuyển cử đó – để quyết định các ghế trong Quốc hội, hay còn gọi là Majles, và Hội đồng chuyên gia gồm 88 thành viên, có nhiệm vụ chọn ra Lãnh đạo tối cao - đã thu hút hầu hết ứng cử viên là các chính trị gia theo đường lối cứng rắn.

Các chính trị gia ôn hòa hơn bao gồm cả cựu Tổng thống Hassan Rouhani không tham gia tranh cử, điều này càng thắt chặt vòng tròn nhỏ gồm những người theo đường lối cứng rắn để tiếp tục chính sách cứng rắn sau khi Lãnh tụ Tối cao Iran qua đời.

Tuy nhiên, cho đến khi Lãnh đạo tối cao được thay thế, dự kiến sẽ có rất ít thay đổi sau cái chết của cố Tổng thống Raisi, đặc biệt là về chính sách đối ngoại.

Chuyên gia Vaez nói: “Thực sự, nhà Lãnh đạo tối cao và Lực lượng Vệ binh Cách mạng là những người đưa ra quyết định cuối cùng, và thậm chí với các đồng minh trong khu vực cũng hầu hết đều thực hiện chính sách của Iran”.

Chú thích ảnh
 Nhà lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei (trái) tại lễ nhậm chức của Tổng thống Ebrahim Raisi (phải) ở Tehran ngày 3/8/2021. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Những tác động lâu dài sau cái chết của Tổng thống Raisi

Cái chết của Tổng thống Raisi đã đặt ra câu hỏi về việc ai cuối cùng sẽ kế nhiệm Lãnh đạo tối cao 85 tuổi của Iran, Ayatollah Ali Khamenei, người quyền lực nhất nước này.

Nền tảng giáo sĩ của Iran đã đầu tư rất nhiều vào Raisi trong nhiệm kỳ tổng thống của ông, coi ông là người kế vị tiềm năng cho nhà lãnh đạo tối cao Khamenei. Các nhà quan sát cũng cho rằng ông Raisi đã được chuẩn bị để tiếp quản vị trí Lãnh đạo Tối cao.

Karim Sadjadpour, thành viên cấp cao tại Quỹ Hòa bình Quốc tế Carnegie, viết trên mạng X: “Cái chết của ông Raisi sẽ tạo ra “một cuộc khủng hoảng kế nhiệm ở Iran’”.

Cố tổng thống Iran đã ủng hộ một số chính sách cứng rắn nhất, trong đó có trấn áp các cuộc biểu tình rầm rộ năm 2022 nhằm thách thức các luật hà khắc như bắt buộc quàng khăn trùm đầu.

Theo hiến pháp, Hội đồng chuyên gia gồm 88 thành viên sẽ chọn người kế vị Lãnh tụ Tối cao sau khi ông qua đời. Tuy nhiên, bản thân các thành viên của Hội đồng này đã được Hội đồng Giám hộ - một cơ quan quyền lực gồm 12 thành viên chịu trách nhiệm giám sát các cuộc bầu cử và luật pháp – xét duyệt trước.

Hội đồng Chuyên gia ngày càng trở nên cứng rắn hơn trong những năm qua. Trong cuộc bỏ phiếu hồi tháng 3, ông Raisi đã được bầu lại vào Hội đồng này, trong khi Hội đồng Giám hộ đã cấm ông Rouhani tranh cử.

Một số người đã chỉ ra con trai của Lãnh tụ Tối cao đương nhiệm Mojtaba Khamenei, một giáo sĩ cấp trung, là một ứng cử viên tiềm năng cho vị trí cao nhất, nhưng đó sẽ là một sự thay đổi so với các nguyên tắc của Cộng hòa Hồi giáo Iran, quốc gia đã lật đổ chế độ quân chủ vào năm 1979 và luôn tự hào vì đã xóa bỏ luật cha truyền con nối.

Hơn nữa, việc cho phép Mojtaba thay thế cha mình có thể làm dấy lên giả thuyết rằng cái chết của Tổng thống Raisi không phải là ngẫu nhiên - nhà phân tích Sadjadpour bình luận.

Theo chuyên gia Vaez nói, các đối thủ của cố Tổng thống Raisi cũng có khả năng cố gắng lấp đầy khoảng trống mà ông để lại. Tuy nhiên, ông nói thêm rằng Iran không thiếu những chủ thể chính trị “phụ thuộc và thuộc về lực lượng vệ binh cách mạng của Cộng hòa Hồi giáo”, những người có thể thay thế ông Raisi.

Chú thích ảnh
Toàn cảnh một phiên họp Quốc hội Iran ở Tehran. Ảnh: AFP/TTXVN

Tác động đến quan hệ đối ngoại của Iran

Tổng thống Raisi và Ngoại trưởng Amir-Abdollahian đã giám sát sự thay đổi trong quan hệ của Iran với các nước láng giềng Arab, giúp bình thường hóa quan hệ với quốc gia đối địch lâu năm là Saudi Arabia, với sự hỗ trợ của Trung Quốc. Nhưng họ cũng chứng kiến Cộng hòa Hồi giáo lần đầu tiên khởi động một cuộc tấn công trực tiếp quy mô lớn vào Israel, sau vụ tấn công nghi của Israel vào cơ sở ngoại giao của Iran ở Syria. Điều đó đã thúc đẩy Israel tiến hành một cuộc trả đũa chưa từng có, khiến “cuộc chiến tranh bóng tối” giữa hai quốc gia lộ diện công khai.

Các chuyên gia cho rằng cái chết của ông Raisi khó có thể ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại của chế độ, vốn hầu như thuộc quyền quyết định của nhà Lãnh đạo tối cao.

Chính sách đối ngoại của Iran do Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao quyết định và có thể bị Lãnh đạo Tối cao phủ quyết.

Cuộc bầu cử tổng thống sắp tới có thể mang lại thay đổi cho Iran?

Một số chuyên gia nói rằng cuộc bầu cử tạo cơ hội quay trở lại cho những người ôn hòa. Chuyên gia về Iran và cũng là biên tập viên của hãng tin Amwaj, Mohammad Ali Shabani nói: Mặc dù nhà lãnh đạo Khamenei có khả năng duy trì sự cai trị bảo thủ, nhưng ông “luôn nhấn mạnh tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu như một phép thử về tính hợp pháp của hệ thống. Cuộc bầu cử đó có thể là một bước ngoặt đối với Iran.”

Ông Shabani đánh giá: “Nếu Lãnh đạo Tối cao chọn sử dụng những cuộc bầu cử sớm này như một bước ngoặt để mở ra không gian chính trị, thu hút mọi người bỏ phiếu trở lại, thì đó có thể là một yếu tố lớn thay đổi cuộc chơi”.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo CNN)
Toàn cảnh vụ tai nạn trực thăng khiến Tổng thống Iran Ebrahim Raisi tử nạn
Toàn cảnh vụ tai nạn trực thăng khiến Tổng thống Iran Ebrahim Raisi tử nạn

Ngày 19/5, chiếc trực thăng chở Tổng thống Iran Ebrahim Raisi và đoàn tháp tùng đã rơi xuống vùng núi xa xôi trong điều kiện thời tiết xấu. Tổng thống Raisi và 8 người trên trực thăng đều thiệt mạng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN