Hãng Euro News cho biết chiếc Bell 212 do Mỹ sản xuất chở Tổng thống Iran Ebrahim Raisi, Bộ trưởng Ngoại giao Hossein Amirabdollahian rơi hôm 19/5 là phiên bản không chiến đấu, được tân trang lại của Bell UH-1N Twin Huey động cơ đôi. Loại trực thăng này hiện vẫn được sử dụng rộng rãi trên toàn cầu.
Sau vụ tai nạn, các chuyên gia nhận định rằng chiếc Bell 212 hơn 40 tuổi được chế tạo để di chuyển trong điều kiện bay trực quan, nghĩa là phi công phải dựa vào khả năng quan sát địa hình từ chỗ ngồi của họ. Sương mù dày đặc và một cơn bão ngày 19/5 có thể đã cản trở phi công và góp phần gây ra vụ tai nạn ở khu vực cách biên giới Iran với Azerbaijan khoảng 20 km.
Khu vực rừng rậm này nổi tiếng với những sườn núi dốc, gây khó khăn cho công tác giải cứu.
Truyền thông địa phương cho biết chiếc Bell 212 chở Tổng thống Iran Raisi do Hiệp hội Trăng lưỡi liềm đỏ Iran vận hành. Iran có thể đã mua phương tiện này trước Cách mạng Hồi giáo năm 1979. Flight Global vào năm 2024 ước tính rằng ít nhất hai chiếc Bell 212 vẫn đang hoạt động ở Iran.
Ra mắt vào năm 1968, Bell 212 và một số biến thể của nó đã phục vụ quân đội nhiều quốc gia và đảm nhận cả công việc dân sự trên toàn thế giới. Mỹ từng sử dụng UH-1N Twin Huey trong các cuộc xung đột, bao gồm Chiến tranh Việt Nam và cuộc xâm lược Iraq năm 2003. Nó vẫn được Không quân Mỹ, Italy, Tây Ban Nha, Argentina và Saudi Arabia, cùng nhiều nước khác sử dụng.
Đến năm 2024, lực lượng cảnh sát ở Slovenia, Croatia, Serbia… cũng như lực lượng bảo vệ bờ biển của Canada và Nhật Bản vẫn duy trì sử dụng Bell 212. Tùy thuộc vào cấu hình, nó có thể chở một phi công hoặc hai, nếu được nâng cấp, và tối đa 14 hành khách.
Vụ tai nạn đáng chú ý khác của Bell 212 xảy ra ở Biển Bắc vào tháng 9/1986, khi một chiếc trực thăng cấp cứu y tế do Scotland vận hành rơi khi đang thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, khiến cả sáu người trên trực thăng thiệt mạng. Mưa lớn và tầm nhìn kém được cho là nguyên nhân gây ra vụ tai nạn.
Dưới đây là video về hiện trường vụ rơi trực thăng do truyền hình Iran đăng tải (nguồn: Reuters):
Trong một diễn biến liên quan, ngày 20/5, nhà lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei tuyên bố 5 ngày quốc tang Tổng thống nước này Ebrahim Raisi. Nhà lãnh đạo tối cao này cũng thông qua việc chỉ định Phó Tổng thống Mohammad Mokhber tạm thời tiếp quản vị trí của ông Raisi.
Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, trước thông tin Tổng thống Iran Raisi qua đời, Chủ tịch Tập Cận Bình đánh giá "người dân Trung Quốc đã mất đi một người bạn tốt”.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, bày tỏ “lời chia buồn chân thành” của khối về cái chết của Tổng thống Raisi, Ngoại trưởng Amirabollahian và các quan chức Iran khác trong vụ tai nạn.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho biết ông “vô cùng đau buồn và sốc” trước cái chết của Tổng thống Raisi.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng gửi lời chia buồn tới chính quyền Iran, đồng thời nhấn mạnh ông Raisi là một người bạn thực sự của Nga.