Triển vọng sáng khôi phục Thoả thuận hạt nhân Iran
Các cuộc đàm phán tại Vienna về việc khôi phục Thỏa thuận hạt nhân Iran, còn được gọi là Kế hoạch Hành động chung Toàn diện (JCPOA), gần như chắc chắn sẽ đi đến một thỏa thuận. Dấu hiệu rõ nhất là giá dầu thô kỳ hạn đã giảm mạnh trong giao dịch thương mại châu Á tuần trước bất chấp căng thẳng gia tăng ở biên giới Ukraine-Nga.
Theo S&P Global Platts Analytics, ngay cả một thỏa thuận tạm thời về Iran cũng có khả năng tăng xuất khẩu dầu lên 700.000 thùng/ngày, giúp giảm bớt tình trạng thắt chặt dai dẳng trên thị trường dầu mỏ thế giới.
Nhà đàm phán hàng đầu của Iran Ali Bagheri Kani cho biết trên Twitter hôm 17/2 là Mỹ và Iran sắp đạt được thỏa thuận. “Sau nhiều tuần đàm phán căng thẳng, chúng tôi đã tiến gần đến một thỏa thuận hơn bao giờ hết”, ông Kani đăng dòng tweet. Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết các bên đang trong "giai đoạn cuối cùng" của tiến trình đàm phán.
Hãng thông tấn Iran IRNA đưa tin: “Vòng đàm phán thứ 8 ở Vienna về dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đã bắt đầu vào ngày 26/1 và hiện đã đi đến thời điểm mà thành công hay thất bại của cuộc đàm phán chỉ phụ thuộc vào các quyết định chính trị của phương Tây”.
“Nếu các bên phương Tây đưa ra quyết định cần thiết, các vấn đề còn lại có thể được giải quyết và đạt được thỏa thuận cuối cùng trong vòng vài ngày. Dựa trên các nguyên tắc và chỉ dẫn, phái đoàn Iran đã đưa ra các đề xuất và yêu cầu rõ ràng đối với các vấn đề còn lại, và bây giờ phương Tây phải đưa ra quyết định của riêng mình”, IRNA cho biết.
Như vậy, Mỹ và các đồng minh châu Âu đang chuẩn bị tạo điều kiện cho Iran hội nhập vào nền kinh tế phương Tây, biến nước này trở thành biên giới cuối cùng trong làn sóng phục hồi sau đại dịch COVID-19 của thế giới công nghiệp.
Đất nước giàu tài nguyên - hứa hẹn một siêu cường năng lượng
Iran là một quốc gia giàu tài nguyên khoáng sản đủ loại. Trữ lượng khí đốt tự nhiên đã được chứng minh của Iran vượt quá 365 nghìn tỷ mét khối, chỉ đứng sau Nga và là nước sản xuất khí đốt tự nhiên lớn thứ ba trên thế giới sau Mỹ, Nga.
Trữ lượng dầu của Iran cũng chiếm gần 10% tổng trữ lượng của thế giới. Nói một cách ngắn gọn, một siêu cường năng lượng sẽ xuất hiện trên thị trường năng lượng thế giới trong những tuần tới.
Không chỉ vậy, Iran còn rất giàu tài nguyên khoáng sản. Theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ, trữ lượng kẽm, đồng và quặng sắt của Iran thuộc hàng lớn nhất trên thế giới. Bên cạnh đó, quốc gia Hồi giáo cũng sở hữu trữ lượng lớn một loạt các khoáng sản như crom, chì, mangan, lưu huỳnh, vàng, uranium, titan và lithium.
Các lệnh trừng phạt đã đóng băng tài sản của Iran, ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư vào các ngành khí đốt, dầu mỏ, hóa dầu, cũng như các giao dịch ngân hàng, bảo hiểm và vận chuyển. Thỏa thuận Vienna sẽ mở cửa, khai thông nền kinh tế của đất nước với hoạt động đầu tư, chuyển giao công nghệ và thương mại toàn cầu.
Đối với thế giới, việc khôi phục hoạt động kinh doanh bình thường với Iran sẽ mở khoá một địa bàn thịnh vượng ngoạn mục nhất trên hành tinh. Sức mua của Iran rất lớn, vì nước này tạo ra một khoản thu nhập khổng lồ với giá dầu dao động khoảng 90 USD / thùng.
Trang Statista xếp Iran là quốc gia đứng thứ 5 trên toàn thế giới dựa trên giá trị tài nguyên thiên nhiên (27,3 nghìn tỷ USD) tính đến năm 2021 - thậm chí trên cả Trung Quốc (23 nghìn tỷ USD) và Ấn Độ (0,11 nghìn tỷ USD).
Không có gì ngạc nhiên khi sự hội nhập của Iran vào nền kinh tế thế giới tạo nên yếu tố địa chính trị. Đó là một cường quốc khu vực đích thực đang trỗi dậy, có tiềm năng to lớn trở thành cường quốc toàn cầu, với nền tảng nông nghiệp và công nghệ, nhân lực tay nghề cao, thị trường nội địa rộng lớn (với dân số 85 triệu) và vị trí địa lý chiến lược.
Dự báo trong 3-5 năm nữa, Iran có thể là một nguồn cung năng lượng thay thế chính cho lục địa châu Âu, sánh ngang với Nga. Tuy nhiên, nếu Iran bắt tay với Nga để tạo ra một cartel hoặc đạt được thỏa thuận về thị phần, thì riêng hai nước này sẽ chiếm khoảng 40-45% tổng trữ lượng khí đốt của thế giới. Rõ ràng, quan hệ đối tác Nga-Iran sẽ trở thành một khuôn mẫu chiến lược quan trọng của nền chính trị toàn cầu.
Hệ thống tài chính độc lập
Iran và Nga giống như đang "ném cát" vào “bánh răng” chế độ trừng phạt của Mỹ. Hiện hai nước được kết nối thông qua Hệ thống Chuyển thông điệp tài chính (SPFS) của Nga và SEPAM, hệ thống viễn thông tài chính của Iran, để vượt qua các hệ thống do Mỹ kiểm soát.
Họ đang sử dụng một hệ thống mới thay thế cho các khoản thanh toán thông qua SWIFT để bảo vệ mình khỏi các lệnh trừng phạt của Washington.
Tất cả nhằm loại bỏ đồng đô la Mỹ và bảo vệ các ngân hàng và công ty quản lý ngân hàng của hai quốc gia khỏi các lệnh trừng phạt thứ cấp. Ngoài ra, Tehran đã gia nhập khu vực thương mại tự do do Nga dẫn đầu là Liên minh Kinh tế Á-Âu (EEU).
Hai nước láng giềng đã quen với hệ thống thanh toán và thương mại mới bằng nội tệ và quan hệ đối tác của họ sẽ tiếp tục sau khi Mỹ dỡ bỏ lệnh trừng phạt và quay trở lại thỏa thuận hạt nhân.
Quan trọng hơn, Nga và Iran đã chứng minh rằng giao dịch bằng đồng nội tệ của họ có hiệu quả. Họ đang chính thức phá vỡ các lệnh trừng phạt đơn phương và thứ cấp do Mỹ áp đặt, và cho thấy giao dịch song phương bằng đồng nội tệ sẽ an toàn hơn nhiều thay vì chấp nhận rủi ro bằng đồng đô-la Mỹ.
Điều tương tự cũng có thể diễn ra trong mối quan hệ Trung Quốc-Iran. Iran có khả năng là một trung tâm chính trong Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc. Hai nước đã vạch ra một lộ trình hợp tác kinh tế trong 25 năm với dự kiến đầu tư của Trung Quốc vào Iran lên tới 400 tỷ USD.
Vị thế đồng đô-la Mỹ với tư cách là một loại tiền tệ thế giới lần đầu tiên đang bị thách thức nghiêm trọng. Trung Quốc và Nga cũng đang đẩy mạnh phi đô la hóa để tăng cường an ninh và thuận tiện cho thương mại song phương của họ trước các lệnh trừng phạt đơn phương tiềm tàng của Mỹ.
Hàng hóa số lượng lớn sẽ trở thành lĩnh vực kinh doanh chính, trong đó các đồng nội tệ - nhân dân tệ của Trung Quốc và ruble của Nga - sẽ được sử dụng để thanh toán thương mại qua lại lẫn nhau. Thương mại Trung – Nga đã đạt mức kỷ lục 146,88 tỷ USD vào năm 2021, tăng 35,8 % so với năm trước và dự kiến sẽ tăng lên 200 tỷ USD vào năm 2024.
Rõ ràng, cả ba nước - Trung Quốc, Nga và Iran - đều cảm thấy thôi thúc phải phòng ngừa rủi ro bởi sự độc quyền của Mỹ đối với cơ sở hạ tầng thanh toán toàn cầu và việc thúc đẩy các giao dịch phi đô-la đang trở thành xu hướng không thể đảo ngược.
Ảnh hưởng về chính trị
Về mặt chính trị, việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Iran sẽ ảnh hưởng đến năng lực của Mỹ trong việc tác động đến các sự kiện, vấn đề ở Tây Á. Nếu Iran, Nga và Trung Quốc thực hiện các động thái phối hợp, Mỹ sẽ chứng kiến những ảnh hưởng ở các khu vực khác như Sừng châu Phi và Vịnh Ba Tư, Caspi, Afghanistan và Trung Á, cũng như các khu vực khác.
Nhiều dấu hiệu còn cho thấy Tehran có kế hoạch vượt qua Mỹ ngay tại "sân sau" Caribe - ở Venezuela, Nicaragua và Cuba, những quốc gia cũng có quan hệ thân thiện, gần gũi với cả Nga và Trung Quốc. Trữ lượng dầu đã được chứng minh của Venezuela là trên 300 tỷ thùng, lớn nhất thế giới.
Do đó, về tổng thể, với sự hậu thuẫn địa chính trị của Nga, Trung Quốc và những "xiềng xích" được tháo gỡ khỏi huyết mạch nền kinh tế Iran, thế giới có thể kỳ vọng sẽ thấy một Iran hồi sinh và mạnh mẽ hơn - một Iran có nguồn năng lượng mới để mở rộng phạm vi toàn cầu.