Vùng biển tranh chấp quanh quần đảo Natuna. |
Ngày 20/6, Phó Tổng thống Indonesia Jusuf Kalla tuyên bố nước này quyết tâm khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Natuna ở Biển Đông, cũng là nơi xảy ra nhiều vụ đụng độ giữa tàu hải quân Indonesia với tàu Trung Quốc.
Trả lời phỏng vấn hãng tin Reuters, ông Kalla nói rằng Indonesia sẽ gửi tới Bắc Kinh một thông điệp yêu cầu tôn trọng chủ quyền của Jakarta đối với vùng biển quanh quần đảo Natuna. Trước đó, hôm 17/6, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết một đoàn tàu đánh cá của Trung Quốc hoạt động ở vùng ngư trường có tranh chấp đã bị nhiều tàu chiến Indonesia bao vây, nổ súng, khiến một ngư dân bị thương. Hải quân Indonesia còn bắt một tàu cá Trung Quốc cùng 7 thuyền viên. Theo luận điểm của Trung Quốc, Indonesia “dùng vũ lực quá đáng, vi phạm luật quốc tế, đe dọa hoà bình khu vực”.
Phía Indonesia ngày 20/6 xác nhận đã vây bắt 12 tàu cá nước ngoài đánh bắt cá bất hợp pháp và lực lượng hải quân Indonesia bắn cảnh cáo nhằm vào một số tàu treo cờ Trung Quốc, nhưng không có ai bị thương. Một tàu Trung Quốc bị bắt và đưa về Ranai cùng với 7 thuyền viên. Đáp lại chỉ trích của Bắc Kinh, Phát ngôn viên hải quân Indonesia Edi Sucipto khẳng định hải quân Indonesia không ngần ngại mạnh tay đối với các tàu cá nước ngoài vi phạm lãnh hải, bất kể đó là tàu của nước nào.
Đây là vụ đối đầu lần thứ 3 trong năm nay quanh quần đảo Natuna. Vụ việc xảy ra tại thời điểm căng thẳng ở khu vực gia tăng liên quan đến yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. "Đây không phải là đụng độ, mà là chúng tôi đang bảo vệ khu vực này", Phó Tổng thống Kalla bày tỏ quan điểm trong buổi trả lời phỏng vấn ở Dinh Tổng thống. Khi được hỏi liệu có phải chính phủ Indonesia đã chuyển sang quan điểm cứng rắn hơn, ông Kalla nói "đúng thế, chúng tôi sẽ tiếp tục làm vậy".
Trong một diễn biến khác, Bộ trưởng An ninh Indonesia Luhut Pandjaitan nói rằng chính phủ nước này sẽ tìm kiếm sự hỗ trợ của các chuyên gia pháp lý về vấn đề trên. "Liên quan đến Biển Đông, chúng tôi muốn tham vấn các chuyên gia trong lĩnh vực luật pháp hàng hải quốc tế để tìm ra cách thức giải quyết phù hợp nhất", ông Pandjaitan phát biểu trước báo giới, nhưng không cho biết thông tin chi tiết.
Tại khu vực, Indonesia không lên tiếng tranh cãi về hoạt động bồi đắp đất đá trái phép của Trung Quốc trên Biển Đông cũng như yêu sách chủ quyền phi lý của Bắc Kinh đối với các vùng biển có các tuyến đường hàng hải huyết mạch chạy qua, chuyên chở lượng hàng hóa có giá trị 5.000 tỉ USD/năm. Tuy nhiên, Jakarta phản đối Trung Quốc đưa một số vùng thuộc quần đảo Natuna mà Indonesia quản lý thực tế vào "đường 9 đoạn"- thứ Bắc Kinh vẽ ra trên các bản đồ để hậu thuẫn cho đòi hỏi chủ quyền vô lý và ngang ngược trên biển.
Trung Quốc nói rằng không tranh chấp chủ quyền với Indonesia ở quần đảo Natuna. Nhưng theo Phó Tổng thống Kalla, các chủ tàu cá Trung Quốc nhiều khi biện hộ họ có quyền đánh bắt cá ở quanh khu vực này, vì đây là "ngư trường truyền thống của Trung Quốc". Ông Kalla cho biết Indonesia sẽ tập trung vào nền tảng pháp lý, cụ thể là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982 và sẽ gửi thông điệp tới Trung Quốc yêu cầu tôn trọng chủ quyền của Jakarta đối với quần đảo Natuna phù hợp với luật pháp quốc tế.
Khi Trung Quốc sử dụng ngư dân như một lực lượng bán quân sự để lấn chiếm Biển Đông, Indonesia kiên quyết bảo vệ chủ quyền và ngư trường của mình bằng các biện pháp mạnh tay. Hàng chục tàu cá của Trung Quốc, Thái Lan đã bị bắt giữ và đánh đắm. Phát ngôn viên phủ Tổng thống Johan Budi cho biết Tổng thống Joko Widodo đã chỉ thị Indonesia muốn giữ hòa khí với các nước láng giềng, nhưng quyết tâm “bảo vệ chủ quyền lãnh thổ”.