Indonesia: Những bài học đối với thế giới

2014 sẽ là năm rất quan trọng đối với Indonesia, khi cuộc bầu cử Hạ viện (DPR) và Tổng thống diễn ra. Indonesia sẽ bắt đầu một chương mới trong lịch sử của mình.

Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono. Ảnh: Diplomat


Những lãnh đạo tương lai của Indonesia sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức. Trong thời gian gần đây, Jakarta bị chỉ trích vì nền kinh tế bắt đầu tăng trưởng chậm lại, đồng rupiah mất giá và chính sách của chính phủ dường như đang mất phương hướng. Các nhà phê bình đã bày tỏ sự nghi ngờ về triển vọng kinh tế của đất nước và đặt câu hỏi liệu Indonesia có xứng đáng với vị thế là một trong những thị trường mới nổi hấp dẫn nhất thế giới?

Ai cũng đã nhận thấy những khó khăn mà Indonesia đang gặp phải, vì vậy nước này cần phải đẩy mạnh cải cách nếu muốn tăng trưởng. Chắc chắn, sẽ còn nhiều việc mà Indonesia phải làm để giữ tính cạnh tranh và phải tạo ra bước đột phá để hình ảnh của nước này không bị lãng quên.

Theo các nhà phê bình, trong thực tế, nhìn vào những thành tựu gần đây mà Indonesia đã đạt được thực sự chưa có gì nổi bật. Sau sự sụp đổ của chế độ Suharto năm 1998, nhiều nhà phân tích dự đoán rằng nước này đang đứng trên bờ vực của sự sụp đổ, nguy cơ tan vỡ như ở Nam Tư cũ. Là một quốc gia trải dài với hơn 17.000 hòn đảo, hàng trăm dân tộc và ngôn ngữ, nhiều giáo phái và dân số khổng lồ (hơn 200 triệu năm 1998), việc không để xảy ra xung đột giáo phái và sắc tộc luôn là một thách thức đối với Indonesia. Trong thời gian đầy biến động này, Indonesia đã phải đối mặt với bất ổn chính trị và kinh tế, dẫn đến cuộc nổi loạn vũ trang ở Aceh, Papua và Đông Timor đã chính thức ly khai năm 1999. Nguy cơ tan rã quốc gia và xung đột sắc tộc quy mô lớn bắt đầu xuất hiện.

Sau đó, Indonesia đã kiểm soát được sự hỗn loạn này theo cách của riêng mình. Cùng với tổ chức thành công cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2004, cải cách thể chế, nhanh chóng phân cấp cơ cấu chính quyền, Indonesia đã tạo được sự ổn định chính trị, lấy lại niềm tin của người tiêu dùng và thu hút các nhà đầu tư… Giờ đây Jakarta có vẻ hấp dẫn hơn cả Bangkok của Thái Lan.

Kinh nghiệm của Indonesia đã đưa ra một số bài học đối với thế giới. Indonesia đã chứng minh rằng một đất nước rộng lớn bao gồm rất nhiều dân tộc, các nền văn hóa và giáo phái, tôn giáo có thể chung sống cùng nhau trong một quốc gia thống nhất. “Bhinneka Tunggal Ika” hay còn gọi là "Đoàn kết trong đa dạng" là phương châm và một nguyên tắc cơ bản định hình nên “đất nước vạn đảo”. Một minh chứng cụ thể là mới đây Indonesia tổ chức kỷ niệm Giáng sinh với tất cả sự lộng lẫy và hiện đại trong một quốc gia đa số là dân Hồi giáo; một lễ kỷ niệm của sự đa dạng và bao dung, phản ánh đúng giá trị của một Indonesia hiện đại. Đây là một trong số ít các quốc gia sôi động và thân thiện với gần 250 triệu người.

Kinh nghiệm của Indonesia cũng chứng tỏ với các nước đã và đang trải qua Mùa xuân Arập rằng nền dân chủ và Hồi giáo có thể tương thích với nhau trong một quốc gia Hồi giáo vốn có sự đa dạng và phức tạp của dân tộc và tôn giáo. Điều này có thể tạo ra những hy vọng cho các nước ở Trung Á, Trung Đông và Bắc Phi hiện đang trải qua bất ổn kinh tế, chính trị và xung đột.

Giờ đây, Indonesia là một trong những nền kinh tế năng động nhất ở châu Á, thu hút các nhà đầu tư từ khắp nơi trên thế giới và đang trở thành một thị trường tiêu dùng phát triển với tốc độ chóng mặt, bất chấp suy thoái toàn cầu. Tốc độ tăng trưởng tuy có chậm lại nhưng vẫn duy trì ở mức 5,6%. Đây vẫn là tốc độ tăng trưởng nhanh thứ hai trên thế giới, sau Trung Quốc và Indonesia nước nằm trong nhóm G20 của các nền kinh tế lớn.

Cũng đã có nhiều tranh cãi gần đây về sự tăng trưởng của Indonesia dựa vào nguồn tài nguyên thiên nhiên là chủ yếu. Tài nguyên thiên nhiên chắc chắn là quan trọng, nhưng nền kinh tế của Indonesia không chỉ dựa vào đó. Đặc trưng của Indonesia là một nền kinh tế ngày càng năng động và tầng lớp trung lưu đang phát triển. Theo Công ty  Tư vấn Boston (Mỹ), các tầng lớp trung lưu và giàu có của Indonesia sẽ tăng gấp đôi, lên hơn 141 triệu người trong 7 năm tới. Lớp trẻ của Indonesia dám nghĩ dám làm, tự lực và đầy tham vọng, tầng lớp trung lưu của Indonesia đang là động lực thúc đẩy nền kinh tế. Các lĩnh vực như ngân hàng, du lịch, giải trí, thực phẩm và bán lẻ, dịch vụ của Indonesia cũng  đang thúc đẩy tăng trưởng và tạo ra nhiều công ăn việc làm, đóng góp gần một nửa tổng sản lượng của nền kinh tế. Nền kinh tế Indonesia đã đi một chặng đường dài kể từ năm 1997 và đã trải qua một sự chuyển biến đáng kể.


Indonesia đã phải đối mặt với sự lựa chọn khó khăn khi quyết định trải qua 1 thập kỷ dài để tái cơ cấu ngân hàng, các công ty và các tổ chức tín dụng. Các ngân hàng và hệ thống tài chính đã được đại tu hoàn toàn với việc sát nhập từ 236 xuống còn 128 ngân hàng với một ngân hàng trung ương độc lập - Ngân hàng Indonesia - được thành lập để điều tiết và giám sát. Kinh nghiệm của Indonesia cho thấy rằng với việc đủ can đảm để lựa chọn cách thức giải quyết khó và tiến hành cải cách một cách triệt để, thành công sẽ lại đến. Do đó, Indonesia ít bị ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008. Nhiều quốc gia đang phải đối mặt với những khó khăn tại châu Âu có thể rút ra một số bài học từ Indonesia cho riêng mình.

Tất nhiên nước này vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức trong tương lai, nhưng Indonesia đã đi một chặng đường dài trong một khoảng thời gian ngắn. Nó đã có những thay đổi thành công.


CT
(Theo Diplomat)

Hơn 30.000 dân Indonesia di dời vì ngập lụt
Hơn 30.000 dân Indonesia di dời vì ngập lụt

Mưa kéo dài và liên tục trong suốt tuần qua đã gây ngập lụt nặng trên diện rộng ở thủ đô Jakarta (Indonesia), khiến hàng chục nghìn người dân phải di dời đến các trung tâm tị nạn khẩn cấp.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN